Dù thiệt hại, Sa Pa vẫn mong có tuyết vì những điều này

Phương Nhi |

Những con số đặc biệt trong những ngày Sa Pa có tuyết rơi hẳn sẽ mang đến dư luận những thông tin và góc nhìn mới mẻ, khác lạ.

Du lịch Sa Pa thích tuyết

Thời tiết hôm nay (27/1) dường như đã hạ nhiệt đôi chút, cái lạnh thấu xương không còn tê tái nữa, ở một số vùng cao như Hà Giang, băng tuyết đã tan. Tuy vậy, những tranh luận nảy lửa về tuyết rơi vẫn chưa dừng lại.

Trong khi, nhiều người cho rằng: Tuyết là một “đại hạn” của người dân vùng cao khi người nông dân khóc ròng vì mất mùa, đói kém, sản xuất nông nghiệp của địa phương bị thiệt hại hàng tỷ đồng.

Nhưng ở một khía cạnh nào đó, nhiều người dân và những nhà nghỉ, khách sạn, các hộ kinh doanh ở Sapa vẫn mong có tuyết.

Bởi một lẽ đơn giản: Tuyết rơi là một cơ hội kinh doanh hiển nhiên và hiệu quả cho các địa điểm du lịch, cho người dân địa phương hơn hẳn ngày thường.


Sa Pa vào thời điểm tuyết rơi vô cùng khác và rất đẹp. (Ảnh: Facebook Cao Đăng Khoa).

Sa Pa vào thời điểm tuyết rơi vô cùng khác và rất đẹp. (Ảnh: Facebook Cao Đăng Khoa).

Một chuyên viên tại Phòng Văn hóa - Thông tin và du lịch huyện Sa Pa đã thông tin: Kết thúc ngày đầu tiên có tuyết rơi, Sa Pa đã đón hơn 12 nghìn lượt khách tới tham quan. Theo dự kiến trong cả đợt mưa tuyết lần này, Sa Pa sẽ đón trên 25 nghìn lượt du khách

“Du lịch thích có tuyết vì lượng khách gia tăng, khách đến các nhà nghỉ cũng tăng hơn so với mọi năm… Nói chung, thời tiết bao giờ cũng có tác dụng tích cực cho du lịch” – chuyên viên này nói.

Có thể nói, chỉ trong 2 ngày đầu tiên của đợt rét, gần 200 khách sạn, nhà nghỉ và hơn 100 hộ kinh doanh ở Sa Pa đã chật kín phòng phục vụ du khách đổ về ngắm tuyết.

Chị Hoàng Thị Thanh Thảo, nhân viên lễ tân của Khách sạn Victoria (Phố Hoàng Diệu, thị trấn Sa Pa) thừa nhận: Những ngày tuyết rơi, lượng khách tới khách sạn đã tăng lên trông thấy, thêm 10 phòng/ngày, chủ yếu là khách Việt Nam.

Lượng khách tới Sapa tăng đột biến trong ngày tuyết rơi (Ảnh: Phong Vân)
Lượng khách tới Sapa tăng đột biến trong ngày tuyết rơi (Ảnh: Phong Vân)

Trong đó, người thăm Sa Pa ngoài khách du lịch trẻ còn có các gia đình đi kèm con nhỏ, thế hệ 8X trở xuống và tầng lớp trung niên.

“Tôi nghĩ các khách sạn ở Sa Pa sẽ mong tuyết. Giữa mùa thấp điểm, trong khi 2/3 khách sạn đang ế thì đột nhiên có tuyết, du lịch Sa Pa trở nên hút khách hơn bao giờ hết” – Trưởng phòng của một công ty du lịch trong nước cho hay.

Tuyết rơi giúp doanh thu du lịch tăng

Mưa tuyết là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú và hiếm gặp, chính vì vậy nên đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân, ai cũng muốn một lần được sờ vào “nữ thần Tuyết”, được co ro trong cái lạnh mà xuýt xoa “tuyết đẹp quá!”.

Ông Lê Hồng Thái, Trưởng phòng du lịch nội địa của công ty lữ hành Hanoitourist nhận định: “Ở Việt Nam ít khi có hiện tượng thời tiết như vậy nên các bạn trẻ thấy nó hay và ai cũng hi vọng sắp xếp thời gian để có mặt ngay ở vùng tuyết rơi.

Đợt này không riêng ở Sa Pa, Hà Giang mà còn có một số nơi khác, nhiều người cũng đi và chụp những tấm ảnh lưu niệm. Rất lâu rồi mới có hiện tượng tuyết rơi ở nhiều nơi như thế, thậm chí Mộc Châu, Sơn La cũng có.

Vì lẽ đó mà những bức ảnh khoe tuyết trắng rừng trắng núi, ảnh du khách cười tươi trên tuyết trắng trong nhiệt độ -10 độ C tràn ngập trên Facebook”.

Tuyết rơi thu hút nhiều người dân đến với vùng cao để săn tuyết (Ảnh: Facebook Cao Đăng Khoa)
Tuyết rơi thu hút nhiều người dân đến với vùng cao để săn tuyết (Ảnh: Facebook Cao Đăng Khoa)

Bên cạnh những cái hại ảnh hưởng tới đời sống – dân sinh do tuyết, nói về mặt lợi của hiện tượng tuyết rơi, ông Thái nhận xét: “Đương nhiên là tăng doanh thu du lịch, các nhà hàng ăn uống, dịch vụ lưu trú tăng vì đó là nhu cầu thiết yếu.

Ngoài ra, còn có một số dịch vụ khác như bán hàng đồ lưu niệm, đây là các mặt hàng bổ sung của dịch vụ du lịch”.

Tại Hanoitourist, các tour truyền thống như Sapa, Hà Giang, Mộc Châu những ngày qua, lượng khách đã tăng đột biến hơn so với ngày thường, chủ yếu là đối tượng khách trẻ.

“Bình thường những dịp cuối tuần mới có tour Sapa, mà đợt này đầu tuần họ cũng đi, số lượng không phải là 10 -15 người/nhóm mà tăng thành 20 – 25 người/nhóm.

Và mỗi ngày có khoảng 10 đoàn đi” – ông Thái chia sẻ.


Sa Pa nhìn như trời Tây những ngày có tuyết (Ảnh: Facebook Cao Đăng Khoa)

Sa Pa nhìn như trời Tây những ngày có tuyết (Ảnh: Facebook Cao Đăng Khoa)

Ở cái thời tiết -6 độ đi giữa những con đường phủ trắng vì tuyết mới thấy chinh phục Everets là một điều điên rồ nhất mà con người dám làm - chia sẻ của một dân đi du lịch bụi.
"Ở cái thời tiết -6 độ đi giữa những con đường phủ trắng vì tuyết mới thấy chinh phục Everets là một điều điên rồ nhất mà con người dám làm" - chia sẻ của một dân đi du lịch bụi.

(Ảnh: Facebook Cao Đăng Khoa)

(Ảnh: Facebook Cao Đăng Khoa)

Tổng Giám Đốc công ty Du Lịch Việt Trần Văn Long cho rằng: “Tuyết không phải lúc nào cũng có.

Nếu tuyết rơi thường xuyên có thể trở thành một con đường du lịch, để hàng năm cứ “đến hẹn” người ta “lại lên”. Bởi đa phần người Việt Nam đều chưa biết tuyết rơi là như thế nào cả”.

Tuy nhiên, ông Long nhấn mạnh: Hiện tại, tuyết rơi không đều đặn, vì vậy, đây chỉ là một cơ hội cho các bạn trẻ đi du lịch phượt, mang tính tự giác, chứ chưa trở thành tour du lịch truyền thống để các công ty tour thiết kế chương trình một cách định kỳ và phổ biến được.

Nếu bạn là 1 khách du lịch, 1 phượt thủ đi "săn tuyết" trên vùng cao trong những ngày qua, hoặc chỉ là 1 độc giả thông thường, hãy viết và chia sẻ cùng chúng tôi quan điểm, suy nghĩ của bạn về những lời chỉ trích giới trẻ háo hức mong đi ngắm tuyết, trong khi người dân vùng cao lại chịu nhiều thiệt hại vì tuyết!

Những bài viết tốt sẽ được chúng tôi đăng tải và trả nhuận trong vòng 24h!

Mọi ý kiến, bài viết xin gửi về địa chỉ email: Cudanmang@soha.vn

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại