Đáp án thi thử ĐH 6/2014: "Thêm một lần Tổ Quốc được sinh ra"

TS Trịnh Thu Tuyết |

(Soha.vn) - TS Trịnh Thu Tuyết tiếp tục khơi dậy tình yêu nước, yêu biển đảo Tổ quốc trong đề thi thử ĐH-CĐ 2014 môn Ngữ văn vừa ra cho các học sinh của cô.

* Luyện thi Văn với TS TRỊNH THU TUYẾT trên Soha.vn: BẤM VÀO ĐÂY

Trước đó, chính TS Trịnh Thu Tuyết là giáo viên đầu tiên đưa vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 vào đề ôn luyện tốt nghiệp môn Văn, và sau đó nó được tái hiện trong đề thi Tốt nghiệp chính thức của môn này...

Đề thi thử Đại học 6/2014 và Đáp án

Đề thi

Thời gian làm bài: 180 phút

I. Phần đọc hiểu:

“Cúng mẹ và cơm nước xong, mấy chị em, chú cháu thu xếp đồ đạc dời nhà. Chị Chiến ra đứng giữa sân, kéo cái khăn trên cổ xuống, cũng xắn tay áo để lộ hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng, rồi dang cả thân người to và chắc nịch của mình nhấc bổng một đầu bàn thờ của má lên. Việt ghé vào một đầu. Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nào nước nhà độc lập con lại đưa má về. Việt khiêng trước. Chị Chiến khiêng lịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai.

Hai chị em khiêng má băng tắt qua dãy đất cày trước cửa, men theo chân vườn thoảng mùi hoa cam, con đường hồi trước má vẫn đi để lội hết đồng này sang bưng khác”

1. Nêu xuất xứ và nội dung chính của đoạn trích? ( 0,5điểm)

2. Xác định phương thức trần thuật trong đoạn trích? ( 0,5điểm)

3. Trình bày cảm nhận của anh/ chị về hình ảnh " con đường" trong phần cuối đoạn trích? ( 1,0 điểm)

II. Phần làm văn (8 điểm)

1. Khổ thơ sau đây trích trong bài thơ "Tổ quốc ở Trường Sa" của tác giả Nguyễn Việt Chiến, cũng là ca từ bài hát "Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra " do nhạc sĩ Văn Phượng phổ nhạc bài thơ trên:

.... "Có nơi nào như Đất Nước chúng ta

Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ

Khi giặc đến vạn người con quyết tử

Cho một lần Tổ Quốc được sinh ra"

Từ tứ thơ "Thêm một lần Tổ Quốc được sinh ra", anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về sự vĩ đại của Nhân Dân. ( 3 điểm)

2.

" Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim..."

( Từ ấy- Tố Hữu, Ngữ văn lớp 11, tập 2)

 " Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền..."

( Đây thôn Vĩ Dạ- Hàn Mặc Tử, Ngữ văn lớp 11, tập 2)

Có nhiều ý kiến tranh luận về ý nghĩa của hình ảnh khu vườn trong hai khổ thơ trên. Anh/ chị hãy trình bày cách cảm nhận riêng của mình. ( 5 điểm)

ĐÁP ÁN

I. Phần đọc hiểu:

1. Nêu xuất xứ và nội dung chính của đoạn trích? ( 0,5điểm)

- Đây là đoạn văn thuộc phần cuối truyện ngắn "Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Thi. (Truyện và kí, 1966).

- Đoạn văn miêu tả cảnh hai chị em Việt và Chiến khênh bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm trước khi lên đường tòng quân đánh giặc.

2. Xác định phương thức trần thuật trong đoạn trích? (0,5điểm)

Truyện ngắn được trần thuật theo ngôi thứ ba nhưng điểm nhìn và lời kể là theo giọng điệu của nhân vật với lời nửa trực tiếp. Cụ thể trong truyện ngắn này, tất cả những cảnh vật, sự việc, mọi xúc cảm, suy nghĩ, những diễn biến tâm lí của nhân vật.... đều được trần thuật qua điểm nhìn và giọng điệu của Việt. Đây là phương thức trần thuật giúp nhà văn vừa mở rộng đối tượng miêu tả, vừa thâm nhập sâu hơn vào thế giới nội tâm của nhân vật.

3. Trình bày cảm nhận của anh/ chị về hình ảnh "con đường" trong phần cuối đoạn trích? (1,0 điểm)

- Trưoc hết, đây là hình ảnh có ý nghĩa cụ thể, là con đường quê hương ngày xưa má từng đi, bây giờ hai chị em lại khiêng má qua gửi gắm nhà chú trước khi đi bộ đội. Con đường vì thế thấm thía kỉ niệm về má, khơi dậy trong lòng hai chị em Việt, Chiến những xúc cảm sâu nặng về trách nhiệm với gia đình, quê hương.

- Từ đó, hình ảnh con đường sẽ mang thêm nét nghĩa ẩn dụ, trở thành con đường cách mạng để các thế hệ  trong một gia đình, một cộng  đồng dân tộc nối nhau tiếp bước.

II. Phần làm văn (8 điểm)

1. Khổ thơ sau đây trích trong bài thơ "Tổ quốc ở Trường Sa" của tác giả Nguyễn Việt Chiến, cũng là ca từ bài hát "Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra " do nhạc sĩ Văn Phượng phổ nhạc bài thơ trên:

... "Có nơi nào như Đất Nước chúng ta

Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ

Khi giặc đến vạn người con quyết tử

Cho một lần Tổ Quốc được sinh ra"

Từ tứ thơ  "Thêm một lần Tổ Quốc được sinh ra", anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về sự vĩ đại của Nhân Dân. (3 điểm)

Bài làm có thể hướng tới một số ý chính sau đây:

- Giải thích tứ thơ "Thêm một lần Tổ Quốc được sinh ra"  làm xuất phát điểm cho vấn đề nghị luận. Đó là quá trình nhân dân ta từ đời này sang đời khác, kiên cường, bền bỉ, lao động xây dựng đất nước, chiến đấu bảo vệ đất nước, giúp cho đất nước được bình yên trước mọi cuộc xâm lăng, được hùng cường, phồn thịnh sau mỗi gian nan, thử thách, ngày càng phát triển " đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" ( Hồ Chí Minh).

- Luận về vai trò của nhân dân trong nhiệm vụ lớn lao của lịch sử dựng nước và giữ nước. Lưu ý gắn vai trò vĩ đại của nhân dân với đất nước trong những tình huống gian nan của lịch sử dựng nước và giữ nước để thấy: trong mỗi thử thách cam go của lịch sử đất nước, nhân dân luôn là lực lượng lớn lao, đông đảo nhất, mạnh mẽ kiên cường nhất, giữ yên bờ cõi, phát triển hưng thịnh, để mỗi năm tháng của đất nước là mỗi lần "Tổ Quốc được sinh ra".

2.

" Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim..."

( Từ ấy- Tố Hữu, Ngữ văn lớp 11, tập 2)

 " Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền..."

( Đây thôn Vĩ Dạ- Hàn Mặc Tử, Ngữ văn lớp 11, tập 2)

Có nhiều ý kiến tranh luận về ý nghĩa của hình ảnh khu vườn trong hai khổ thơ trên. Anh/ chị hãy trình bày cách cảm nhận riêng của mình. (5 điểm)

Đây là một đề mở, học sinh có thể linh hoạt bày tỏ những cảm nhận, những ý kiến độc lập của mình về hình ảnh khu vườn trong hai khổ thơ của hai tác giả Tố Hữu và Hàn Mặc Tử.

- Giới thiệu ngắn gọn hai tác giả, tác phẩm, hai khổ thơ và yêu cầu của đề bài.

- Bài làm có thể trình bày cảm nhận về từng khổ thơ, sau đó so sánh, lí giải sự tương đồng, khác biệt hoặc so sánh theo từng bình diện tương đồng, khác biệt, kết hợp lí giải, đánh giá. Có thể tham khảo một số ý sau đây:

+ Trong bài Từ ấy, khu vườn tràn đầy hương thơm, màu sắc, âm thanh, ánh sáng... được soi chiếu trong ánh sáng chói chang của " mặt trời chân lí", là sự cụ thể hoá niềm vui say bất tận trong tâm hồn người thanh niên khát khao tìm kiếm lẽ yêu đời, nay được đón nhận ánh sáng lí tưởng cộng sản.

+ Còn trong Đây thôn Vĩ Dạ, khu vườn trong trẻo, tinh khôi, mướt mát sắc màu, ngập tràn sinh khí... lại là hình ảnh của cuộc đời thực trong quá khứ, cuộc đời mà Hàn Mặc Tử từng là một thành viên, còn bây giờ đã mãi phải chia lìa, cách biệt.

+ Hoàn cảnh sáng tác và cảm hứng sáng tác chính là nguyên nhân khiến khu vườn trong Từ ấy dù chỉ là một biểu tượng so sánh nhưng ấm nồng rực rỡ bởi niềm vui, còn khu vườn của ĐTVD đẹp tươi tắn, quí giá mà bàng bạc ngậm ngùi bởi nỗi nhớ nhung cho một cõi " không về"!

+ Tuy nhiên, cả hai khu vườn, dù rạo rực niềm vui hay man mác nỗi buồn, dù thực hay chỉ là tưởng tượng, đều là phương tiện nghệ thuật giúp bộc lộ niềm yêu đời mãnh liệt của hai nhà thơ- Hàn Mặc Tử, một trong ba đỉnh cao của Thơ Mới và Tố Hữu, một nhà thơ trữ tình chính trị xuất sắc của thi ca cách mạng Việt Nam.

Vài nét về TS Trịnh Thu Tuyết

- Giải Nhất thi Giáo viên giỏi môn Ngữ văn thành phố Hà Nội năm 2004.

- Tham gia tư vấn và ôn, luyện thi trực tuyến trên VTV2; Chương trình Luyện thi ĐH, CĐ trên website www.hocmai.vn...

- Có trên 30 năm kinh nghiệm luyện thi đại học, cao đẳng môn Ngữ văn và nhiều học sinh đỗ đại học với số điểm cao tại các trường đại học danh tiếng trên cả nước.

* Trang cá nhân: https://www.facebook.com/tuyet.trinhthu

* LUYỆN THI với TS TRỊNH THU TUYẾT trên Soha.vn: BẤM VÀO ĐÂY

TS Trịnh Thu Tuyết

TS Trịnh Thu Tuyết

* Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại