Xin nghỉ việc khi sự nghiệp đang lên
Nguyễn Văn Hịu sinh năm 1984, quê ở thôn Nhiễm Dương, xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Anh là con thứ 3 trong gia đình thuần nông đông con, điều kiện kinh tế không mấy khá giả nên ngay từ bé Hịu đã luôn nung nấu ý chí sau này phải vươn lên làm giàu.
Khi nhận được giấy báo trúng tuyển ngành Quản trị kinh doanh tổng hợp, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, bố mẹ anh không giấu được niềm vui: “Vậy là cuối cùng thằng Hịu cũng thoát được kiếp nông dân chân lấm tay bùn”.
Năm 2008 anh tốt nghiệp loại khá, được nhận vào làm nhân viên kinh doanh tại một công ty xe hơi nhập khẩu có tiếng ở thủ đô. Khéo léo trong giao tiếp, tận tình phục vụ khách hàng và không ngại khó nên anh luôn nằm trong top nhân viên vượt chỉ tiêu kinh doanh của công ty. Thậm chí có tháng anh bán được hơn 20 xe hơi.
Hịu nhớ lại: “Khi đó gia đình, bạn bè ai cũng mừng cho mình, động viên mình cố gắng làm tốt hơn nữa để có cuộc sống ổn định ở Hà Nội”. Thực ra, từ lâu, chàng trai xứ Kinh Bắc đã sớm lập trình cho mình một định hướng tương lai khác.
“Bắc Ninh nghèo nơi có mẹ có cha
Hà Nội phồn hoa ta không có nhà”...
Hịu bảo không biết tự bao giờ nhưng hai câu thơ đó cứ âm ỷ trong tim khiến anh xác lập rõ hơn mục tiêu làm giàu của bản thân mình. Nhà ở đây không có nghĩa là nơi ăn chốn ở, mà còn là giấc mơ được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. “Xuất sắc thế nào đi nữa, nhận được nhiều đãi ngộ thì mình cũng chỉ là người làm thuê mà thôi. Muốn giàu có, hãy tự làm thuê cho chính mình, hãy để người khác làm cho mình” – Hịu nói.
3 năm đi làm, ngoài những khoản tiêu dùng cá nhân, hỗ trợ bố mẹ, anh em trong gia đình, Nguyễn Văn Hịu tiết kiệm được hơn 700 triệu đồng. Vào lúc sự nghiệp đang lên, anh nộp đơn xin nghỉ việc trong sự ngỡ ngàng của mọi người, từ lãnh đạo, đồng nghiệp cho tới người thân. Càng ngỡ ngàng hơn khi anh quyết định về quê nuôi lợn.
Trở thành ông chủ từ những khó khăn
Không vội vàng nói với ai quyết định của mình, ngay cả bố mẹ cũng không hề biết đến dự định mang tính lịch sử này của anh. Thấy con trai lầm lũi xách ba lô về, ở mãi không chịu đi bố mẹ anh mới lo lắng gặng hỏi, khi đó Hịu mới công khai quyết định của mình.
Không tin vào những điều mình nghe thấy, tưởng con đùa nên ông bà lo lắng hỏi đi hỏi lại nhiều lần, anh chỉ từ tốn bảo: con đã suy nghĩ kỹ rồi. Mặc lời can ngăn của gia đình, anh mang tất cả số tiền tích cóp được đi đấu thầu 5 mẫu ao vườn để bắt đầu sự nghiệp mới của mình.
Nguyễn Văn Hịu bảo khó khăn lớn nhất thuở ban đầu không phải là vốn, mà là sự phản đối của mọi người. Bố anh thường thở dài não nề: “Cho mày ăn học thật là tốn cơm tốn gạo. Biết mày thích chăn lợn làm đồng thế thì chẳng thèm cho đi học nữa. Thật là uổng công bố mẹ”. Bạn bè biết thì từ bất ngờ, rồi mỉa mai cho rằng anh bị khùng, bị dở nên mới quyết định dại dột như vậy.
Cuối năm 2011, anh xây dựng gia đình, vợ bầu bí sinh con nên một mình anh vừa cáng đáng trang trại, vừa chăm sóc vợ con. Ông bà chỉ khi nào rảnh rỗi mới trợ giúp được phần nào.
Khi được hỏi “trong 3 năm qua, đã bao giờ anh nản chí vì những khó khăn của cuộc sống và thấy hối hận về quyết định của mình không?”, đôi mắt Hịu sáng lên; anh bảo chưa bao giờ nản. Bởi khi từ bỏ Hà Nội, khi đặt những viên gạch đầu tiên dựng trang trại anh đã sẵn sàng cho tất cả. Anh luôn tin vào bản lĩnh của chính mình.
Người ta có muôn vàn nghề nghiệp để làm, nhưng nhu cầu thiết yếu của con người thì ai cũng phải ăn. Chính suy nghĩ đó nên anh đã lựa chọn con nuôi chủ lực trong trang trại của mình là lợn.
Sau nhiều nỗ lực đến nay, trang trại của gia đình anh Hịu đã cho “quả ngọt”. Mỗi một năm vợ chồng anh xuất chuồng hàng nghìn con lợn sữa, lãi khoảng 500 triệu đồng/năm, nguồn thu lãi từ cá cũng khoảng 400 triệu đồng/năm, từ vịt và các con nuôi khác khoảng hơn 200 triệu đồng/năm. Anh cũng tạo công ăn việc làm cho một số người dân ở quê với mức lương ổn định hơn 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh Hịu còn làm đại lý cám cho một số đơn vị với khả năng tiêu thụ trung bình hơn 100 tấn/tháng.
Chàng cử nhân kinh tế ngày nào đã trở thành một nông dân chính hiệu với thu nhập hàng tỷ đồng/năm và nhận được sự thán phục của bạn bè và những người thân trong gia đình. Nguyễn Văn Hịu cũng là gương mặt xuất sắc của thanh niên Bắc Ninh vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2013.
Tuy ngôi nhà của vợ chồng anh khá khiêm tốn, thậm chí đã cũ nhưng anh chưa vội xây nhà mà đầu tư nhiều vào hạ tầng trang trại theo hướng hiện đại. Hiện tại anh đang tiến hành mở rộng khu chăn nuôi, xây chuồng trại trên diện tích gần 1 mẫu đất, có khu ăn ở đảm bảo cho nhân công. Anh chia sẻ thêm trong tương lai sẽ phát triển thêm nhiều dịch vụ đi kèm như công tác thú y, vật tư nông nghiệp, phối giống và làm trung gian cho nông dân và các thương lái...
Anh nhận định thành công hôm nay của anh nếu không đi học thì khó lòng có được. “Nếu chỉ kinh doanh đơn thuần họ sẽ làm khác, mình học kinh tế, va vấp thị trường nhiều nên cái nhìn kinh doanh của mình sâu hơn, chiến lược hơn và làm sao phải hiệu quả hơn. Đây chỉ là những bước đi chập chững ban đầu, tôi luôn muốn tiến xa hơn nữa”.
“Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền". Đó là điều mà anh muốn gửi gắm đến những người trẻ đang băn khoăn trước những ước mơ, những quyết định của đời mình.