Độc giả Nguyễn Kiên Quyết (Phú Thọ - Email: quyet...@gmail.com) phản ánh, từ ngày 15 tháng 4 vừa qua, quy định của Bộ Công an xử phạt hành vi không làm các thủ tục chuyển nhượng, sang tên đổi chủ phương tiện chính thức có hiệu lực. Nhưng có nói là " Không được phép dừng xe nếu lái xe không có dấu hiệu vi phạm".
Tuy nhiên, hôm đó trong thời gian anh đang di chuyển bằng xe máy trên đường đại lộ Hùng Vương, TP. Việt Trì, Phú Thọ, đến đoạn đường gần khu vực sân vận động, thì các anh trong tổ cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh yêu cầu anh dừng xe, mặc dù là anh không mắc lỗi gì. Bằng chứng là khi CSGT kiểm tra giấy tờ xe xong (đúng chính chủ), sau đó bảo anh đi được rồi.
Vậy, hành vi trên có gì là sai không? Nếu sai, có thể kiến nghị vấn đề này với ai?
Trả lời:
Về vấn đề bạn đọc Nguyễn Kiên Quyết hỏi, toà soạn xin được trả lời như sau:
*/ Đối với vấn đề xử lý xe chính chủ theo thông tư 11 của Bộ CA vốn đã gây tranh cãi ngay từ khi ban hành.
Để thực hiện thông tư này, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (CSQLHC về TTATXH)- Bộ CA vừa có văn bản gửi lãnh đạo CA các địa phương, yêu cầu lực lượng CSGT không dừng xe trên đường để kiểm tra xe có chính chủ hay không; hoặc khi xử lý vi phạm, không được yêu cầu người điều khiển phương tiện phải chứng minh là xe đó có chính chủ hay xe mượn của người thân, bạn bè...
Tổng cục CSQLHC về TTATXH cũng nêu rõ, không xử phạt các trường hợp làm thủ tục sang tên, di chuyển theo quy định của thông tư số 12 quy định sửa đổi, bổ sung khoản 3, điều 20 của thông tư 36 về đăng ký, sang tên, di chuyển phương tiện đã qua nhiều đời chủ.
Với trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ, thông qua cơ sở dữ liệu đăng ký xe hoặc xác minh để xác định hành vi vi phạm; không yêu cầu người vi phạm hoặc chủ phương tiện phải chứng minh. Nếu hết thời hạn tạm giữ phương tiện, nhưng không xác định có hành vi vi phạm “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”, thì người có thẩm quyển phải ra quyết định xử phạt với hành vi đã vi phạm và làm thủ tục trả phương tiện theo quy định.
*/ Việc bạn phản ánh bị cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh yêu cầu dừng xe máy mặc dù không mắc lỗi gì.
Đối chiếu với các quy định hiện hành tại điều 14 chương V của Thông tư 65/2012/TT- BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ quy định về các trường hợp được dừng phương tiện mà luật sư Triệu Trung Dũng, Trưởng Văn phòng Luật sư Triệu Dũng và cộng sự (Đoàn Luật sư Hà Nội) thông tin trong bài Cảnh sát giao thông đòi giấy tờ trước khi báo lỗi vi phạm, đúng hay sai? mà chúng tôi đã đăng tải.
Theo đó, lực lượng cảnh sát giao thông phải phát hiện được hành vi vi phạm của người tham gia giao thông thì mới có quyền dừng xe.
Khi đã dừng xe vào, thì phải chào và phải thông báo rõ lỗi cho người vi phạm, rồi mới yêu cầu cho xem giấy tờ.
Bạn đọc có thể gửi các câu hỏi tình huống, thắc mắc về tòa soạn theo email: cudanmang@soha.vn hoặc đóng góp ý kiến ở phần Comment cuối bài.
Còn nếu không thực hiện đúng như vậy thì sai so với quy định của pháp luật.
*/ Về việc này, bạn có khiếu nại trực tiếp với đội trưởng cảnh sát giao thông tại đó hoặc khiếu nại lên trưởng công an cùng cấp quản lý đội giao thông đó.
Nếu không đồng ý, bạn có thể khiếu nại lên cấp cao hơn để được giải quyết. Và nếu không giải quyết được, thì bạn có thể khởi kiện ra toà hành chính.