Cô gái Sa Pa lên tiếng phản bác lại các "anh hùng bàn phím"

Độc giả Vân Anh |

Trước những ý kiến trái chiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng về quê hương mình, cô gái Sa Pa đã quyết định lên tiếng chia sẻ quan điểm của mình.

Tớ là một người Sa Pa chính gốc luôn, nhưng đã xa quê gần chục năm, nên nếu nhìn tớ có khi người ta dễ nhầm với 1 người khách du lịch hơn.

Thề với bạn, khi tớ nói tớ là người Sa Pa nhiều người, cả người Sa Pa luôn nhá cho đó là 1 câu đùa, vì từ làn da, đến cách nói chuyện, đến cách ăn mặc chẳng có gì là của Sa Pa, à cả khả năng chịu rét đặc biệt kém nữa chứ!

Nhưng nói một cách sến sẩm thì trong trái tim tớ luôn có Sa Pa để yêu. Tớ nghĩ ai cũng thế thôi, quê hương luôn đẹp, luôn đặc biệt nhất.

Và tớ thực sự cảm thấy không thoải mái, có thể nói là hơi khó chịu vì một số bài viết phiến diện, 1 chiều, được đăng, được chia sẻ ầm ĩ trên facebook, trên các trang báo mạng.

Một bài báo mạng nào đó, tớ không nhớ tên đã đặt vấn đề rất đao to búa lớn, viết rất hay nhưng vẽ lên một Sa Pa thực dụng kinh khủng, ở đó cái gì cũng phải trả tiền, chẳng có gì miễn phí cả!!!!

Tác giả đó, còn có vẻ như là đứng về phía người dân ở đây, coi đấy là 1 điều hiển nhiên. Xin lỗi, tớ là người Sa Pa và tớ cảm thấy bị xúc phạm vì điều đó.

Công bằng mà nói, đây là một mảnh đất du lịch, có rất nhiều thứ bị thương mại hóa, bị đong đếm bằng tiền, tớ không phủ nhận 1 Sa Pa cực kỳ thực dụng - nơi mà chính tớ cũng thấy xa lạ, nhưng ở đâu cũng thế, có người tốt, người xấu đúng không?


Sa Pa không hề thực dụng như nhiều ý kiến trôi nổi trên mạng xã hội. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Sa Pa không hề thực dụng như nhiều ý kiến trôi nổi trên mạng xã hội. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Có 1 Sa Pa khác rất lãng mạn, rất tình nữa đấy bạn ạ! Tớ có quen cô bạn, cô ấy nói tiếng Anh bình thường thôi, có 1 nhóm khách nước ngoài hỏi đường cô ấy, cô ấy cố gắng giải thích, dùng cả ngôn ngữ cơ thể để chỉ cho họ cách đi đơn giản nhất!

Thế nhưng 1 lát sau cô ấy nhận ra là mình nói kiểu đó, chỉ có người ở đây mới hiểu, thế là dù rất vội nhưng cô ấy vẫn quay xe lại chỉ đường cho họ, có vẻ họ không hiểu lắm, cô ấy còn vẽ bản đồ cho họ…

Tớ từng thấy 1 cô bán hàng rong dừng lại đợi 1 nhóm bạn đang chụp ảnh lưu niệm giữa đường, chỉ vì không muốn họ mất tấm ảnh đẹp…

Tớ có nghe kể về 1 anh chàng nhặt được ví, hộ chiếu của khách, đã viết email, nhắn tin cho tất cả các số liên lạc có trong đó, chỉ để tìm lại chủ nhân của chiếc ví… Và còn rất nhiều những câu truyện nhỏ đủ để làm ấm lòng người.

Tớ mong các bạn sẽ cùng chúng tớ xây dựng 1 Sa Pa đẹp hơn, văn minh hơn! Hãy là 1 người khách du lịch thông thái.


Tuyết phủ trắng Sa Pa. (Nguồn: Zing)

Tuyết phủ trắng Sa Pa. (Nguồn: Zing)

Tiếp nữa là câu chuyện về bài báo nào đó, cư dân mạng nào đó phê phán triệt để dân phượt, những người đi xem tuyết vì lí do rất nhân văn: Thương người nông dân, thương người nghèo….

Bạn lên Sa Pa vì Sa Pa đẹp, vì tuyết hay vì bất cứ lí do gì… hãy cứ lên nhé, bọn tớ luôn chào đón, chẳng ai bắt bạn phải chịu trách nhiệm, phải áy náy vì nỗi khổ do tuyết gây ra đâu.

Bạn lên với bọn tớ đã là một cách chia sẻ những khó khăn rồi, tiền do du lịch mang lại nói cho cùng bằng cách này hay cách khác sẽ lại được đầu tư cho mảnh đất này, những điều nhỏ bé có thể làm được những điều to lớn mà mình không thể tưởng tượng.

Tuyết rơi, là do ông trời, chẳng phải do bạn hay tớ. Những người nông dân, trong đó có bố mẹ tớ, có những người tớ quen, sẽ không trách bạn vì bạn hạnh phúc khi lần đầu thấy tuyết rơi trong khi hoa màu của họ có nguy cơ mất trắng, trâu bò của họ có thể chết rét.

Họ cũng như người nông dân Tây Hựu, người trồng dưa hấu Bình Thuận,... họ đầu tư và họ có thể mất trắng.

Buồn, đúng là họ buồn lắm, có thể họ mất Tết đó, nhưng tớ có thể chắc chắn họ không trách bạn, không một chút nào cả bạn nhé.

Nếu bạn có thể chia sẻ, họ sẽ rất cảm ơn bạn, còn nếu không, họ sẽ vẫn phải sống, và chiến đấu tiếp! Cuộc sống là vậy mà...

Điều nữa mà tôi muốn nói với các bạn về chuyện từ thiện. Lại là vấn đề muôn thủa, lại là chuyện con cá và cái cần câu! Lại là vấn đề là lợi dụng lòng thương…

Đúng người dân ở đây nghèo phần nhiều là do nhận thức, do dân trí thấp! Vâng việc mang con chữ lên với người vùng cao khó lắm bạn ạ, và vẫn có những thầy, cô vẫn bám trường, bám bản hi vọng vào một tương lai tốt hơn cho các bé.

Có thể bạn không thấy sự thay đổi, vì bạn có cuộc sống đủ đầy, nên bạn chỉ thấy nghèo đói, chỉ thấy những đứa trẻ con bẩn thỉu, không có quần áo chạy theo xin tiền.

Nhưng tớ đã thấy những đứa trẻ ấy lớn lên, đi học, và trở về quê hương làm. Tớ đã thấy những cô bé bán hàng chạy theo chèo kéo khách, bây giờ đã trở thành hướng dẫn địa phương…

Những người đó, đã và đang là ví dụ, là tấm gương cho những đứa bé dân tộc tin là tri thức có thể giúp các em thoát nghèo.

Trở lại câu chuyện về những đứa bán hàng rong, có gì sai khi những đứa trẻ ấy muốn giúp đỡ bố mẹ, để bữa cơm có thêm chút thịt chút cá…

Khi tớ còn bé, và rất nhiều người bạn của tớ cũng phải đi bán từng quả mận của vườn nhà, cũng đi mua từng cây mía bán khi tết về, cũng từng bán đồ nướng đến xơ xác tóc tai ở phố đầu nướng…

Trách là trách những người lớn, trách bố mẹ các em không tu chí làm ăn, không tính toán, bóc ngắn cắn dài, để các em phải vất vả, khổ sở…

Hay trách những người khách du lịch, thay vì cho các em cái cần câu cá, lại cho các em ‘’tiền’’ một cái mà các em còn quá bé để biết sử dụng, để bố mẹ em mờ mắt vì lợi ích nhỏ, mà bỏ qua tương lai của em…

Sao lại trách các em không tôn trọng, nâng niu đồ từ thiện, khi mà rất nhiều nhóm từ thiện cứ lên, cứ cho và hài hước là chỉ cho những bản gần gần, tiện đường đi lại, ô tô phải vào được tận nơi, để chụp vài bức ảnh, để khoe khoang là mình nhân ái…

Tất nhiên những người làm từ thiện như thế chỉ là thiểu số, cũng như những người lợi dụng lòng tốt, tình thương của mọi người là những trường hợp cá biệt thôi!

Sa Pa luôn đấy, có đầy nơi các em, người dân chưa từng nhận được một đồng từ thiện, 1 tấm áo mùa đông đâu bạn ạ!

Tớ không muốn nói những điều lớn lao, chúng ta là những người trẻ, cứ tin, cứ yêu, cứ sống với niềm tin đó!

Hãy cứ mang áo ấm, mang sách vở, mang tình cảm của những người miền xuôi, chia sẻ với những em bé người dân tộc, có thể là Sa Pa, có thể là bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam này! Hãy cứ chia sẻ khi có thể!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại