Mùa bão...
Những ngày tháng 7, Hà Nội bước vào mùa mưa như trút, cũng là lúc miền Trung đón mùa bão về. Gọi là đón, mặc dù chẳng ai mong muốn, bởi người dân nơi đây năm nào cũng hứng chịu một vài trận, rồi lại mất mùa, rồi lại nghèo đói. Ông trời như ưu ái nơi đây quá mức, nên năm nào cũng để lại một mùa nước mắt. Bão - như một thứ duyên nợ, ngàn đời trả vay không hết.
Con lại nhớ tuổi thơ khốn khó, nơi mái nhà vẫn hay liêu xiêu vào mùa bão. Mỗi độ bão về, con lại thấy người ta vội vã đi mua đồ ăn tích trữ, con đường quê vốn đã vắng vẻ, nay lại còn ảm đạm hơn. Nhà mình vốn thấp, lại được hai nhà bên cạnh chắn hết gió, nên có bão cũng đỡ lo. Cũng chỉ như nhiều nhà khác trong xóm, bảo nhau đặt bao cát lên mái nhà, để tránh tốc mái. Cái cảnh hối hả, bộn bề mà tuổi thơ con không hiểu được, chỉ khúc khích cười, nhìn người ta mải miết.
Con nhớ ngày học cấp 2, mỗi lần bão về, cả trường lại huy động học sinh đi chống bão. Nào là bì, nào là cuốc xẻng, rồi đào đào bới bới… Cái lũ giặc cạn có hiểu đâu nỗi lo người lớn, cứ thấy được nghịch đất nghịch cát là thích rồi. Nhớ cả cái mùa bão, trường cho học sinh đưa cát lên mấy mái bờ-rô èo ọt của dãy nhà xe cũ rích, có thằng bạn hăng hái leo lên, rồi bị hụt chân, ngã thẳng xuống dưới. Ấy thế mà đứa ngã thì cười hì hì, cái bọn lâu nhâu thì cười hô hô, chả bù cho thầy cô thì sợ tái mặt, chỉ còn biết thở phải nhẹ nhõm.
Con nhớ cả cái hồi lên cấp 3 ấy, có lần cũng huy động cả trường đi chống bão, cũng đủ các thể loại như hồi cấp 2 vẫn làm, chỉ có điều lần ấy bão lại không về, làm cả lũ dở hơi ngồi tiếc rẻ, kháo nhau: bố khỉ, mất công bọn mình đi chống mà bão nó lại không về… Sau này con mới hiểu, bão mưa chỉ làm cho người ta lo lắng đến hao gầy.
Với trẻ nhỏ thì tuổi thơ tắm mưa luôn đọng lại nhiều kỷ niệm.
Con nhớ ngày xưa, nhà của ông bà ngoại chỉ là hai chiếc nhỏ nhỏ. Một chiếc thì lợp bằng cói khô – cái thứ người ta hay dệt chiếu ấy, một cái chỉ là cái nhà mái ngói nhỏ nhoi. Nhà ông bà còn có một gian bếp nhỏ tí xíu, mỗi khi giỗ chạp là khói bếp nghi ngút, ảm đặc. Nhà ông bà có vườn rộng nữa. Đủ các thể loại cây: Na, nhãn, ổi, xoài, chuối, bồng bồng, hồng xiêm… mỗi độ hè về, con chỉ thích trốn ngủ trưa, nằm vắt vẻo trên cây, phí phạm hoa quả đến xót ruột. Để rồi con nhớ, mỗi khi bão về, cậu mợ lại lo lắng chằng dây giữ mái nhà. Đơn giản chỉ là hai tảng đá buộc hai đầu dây, vắt từ đằng trước ra đằng sau. Thế mà bao mùa bão qua, mái nhà vẫn còn đấy. Giờ thì, ông bà mất lâu rồi, mỗi người một nơi. Chỉ còn lại duy nhất căn nhà bằng mái ngói. Mỗi khi rảnh rỗi phóng xe về, vườn tược hắt hiu, con lại thấy, cuộc sống con người ta thật giản đơn, sống hết cả đời, rồi cuối cùng, cũng chỉ là cát bụi.
Con nhớ ngày ấy, cứ khi bão về, lại nằm trong nhà nghe gió rít, mưa ào. Trời đất trước bão đen kịt, ghê sợ. Rồi cứ từ từ, nó ầm ì, gầm gừ đe dọa. Ngày bão, chỉ thích chui trong chăn nằm ngủ, vì mát lạnh cả người, và cũng vì chui vào chăn cho đỡ sợ ngoài kia giận dữ. Nhưng thường thì mẹ hay bắt học bài, chỉ khi mất điện, mới được nghỉ ngơi, mừng húm. Con nhớ lúc tâm bão đi qua. Trời yên bể lặng, tất cả đột ngột im lìm đến đáng sợ. Con chỉ thích chạy ra đường ngó nghiêng, ngửa mặt nhìn trời như thách thức. Nhưng thật ra, nửa trận bão thôi, là đã nghiêng ngả, đổ tường, đổ cây ráo cả rồi…
Con thèm nhớ tuổi thơ mùa bão. Mớ cá rô đồng giòn tan trên đầu lưỡi, thơm lịm mùi mắm tỏi ớt, đượm cả tuổi thơ nghèo khó. Nhớ cả mớ cá chuối đồng cậu mợ đặt đó bắt được, om chuối, kho cạn, hơi sém vỏ. Cái thứ cá ăn rất vào cơm, no căng rồi vẫn còn thòm thèm.
Con nhớ! Nhớ hình ảnh của chính mình, thằng bé lem nhem, ngồi nhìn trời mưa qua ô cửa sổ, ngồi tưởng tượng đủ thứ trên đời. Hình ảnh – mà nếu bây giờ bắt gặp ở ai khác, có lẽ con sẽ phì cười.
Hôm nay, Hà Nội mưa to, nghe đâu vì ảnh hưởng của bão. Mẹ nhắn tin dặn nhớ để áo mưa vào cốp xe nhé! Con lại nhớ nhà. Nhớ mùa bão ngày xưa, nhớ tuổi thơ giông gió…nhưng dù có khốn khó, con vẫn thèm quay về. Hà Nội vốn khác! Hà Nội vốn không hay chạy mưa bão, có chăng vài ba chuyện ngập đường như cơm bữa. Nhưng Hà Nội, không có những thứ mùi vị ngày xưa, không trong trẻo, không bình yên, mà Hà Nội … vẫn thế … luôn thật khác!