Về nhà ngoại, con gái sướng như nữ hoàng
Được chia sẻ trên nhiều fanpage với lượng like "khủng", những suy nghĩ của một người mẹ 3 con về chuyện người phụ nữ được đối xử như nữ hoàng khi về nhà ngoại đã khiến nhiều chị em rơi lệ và đồng cảm.
Chị viết: "Về ngoại. Con gái như là nữ vương trở về cung điện của mình. Dù không có ngai vàng, người hầu kẻ hạ, cao lương mỹ vị...
Cảm giác rất thoải mái và bình yên đến lạ.
Sáng có thể ngủ đến 10 giờ mà không sợ ai đánh giá dâu lười. Con cái đã có bà lo cho bữa sáng. Tay chân con lấm lem đã có bà lau sáng sủa. Nói chung, về ngoại mình không phải tất tả dọn mâm dọn cỗ.
Gì cũng được đơn giản hóa. Không phải mắt trước mắt sau nhìn 3 đứa. Cháu về, ông ngoại chốt luôn cửa cổng. Tránh cháu chạy ra ngoài.
Cây quất của bác sai trĩu quả. 3 đứa nó vặt sạch, đứng từ tầng 2 vứt xuống đường. Ông bà cười, mẹ nó thì mếu mặt. Ra đường hốt được cả rổ to đem vứt rác.
Về với bà ngoại, mẹ của 3 đứa trẻ vẫn chỉ là con gái bé bỏng của mẹ mà thôi. Tranh thủ mọi cơ hội để được về nơi đã sinh ra mình. Ấm cúng lắm, dù chẳng cần có mâm cao cỗ đầy.
Về ngoại. Ngày xưa con mọn thì ông bà ăn tranh thủ rồi bế cháu cho con gái ăn bữa cơm cho thoải mái. Bảo sao đứa con gái nào " xuất chuồng" rồi cũng chỉ mong được chồng cho mẹ con về ngoại.
Về nội. Dù nhà chồng rất thoải mái nhưng mình cũng không dám lười. Không phải sợ bị bố mẹ chồng đánh giá mà còn bổn phận trách nhiệm của con dâu. Vậy mới nói, chỉ có về ngoại con gái mới luôn là bé bỏng và được cưng chiều".
Như chạm trúng nỗi lòng thầm kín của những phụ nữ có gia đình, nhất là những chị em lấy chồng xa, ít có cơ hội về nhà ngoại, status ngắn gọn mà thấm thía của người mẹ 3 con đã nhận được đồng cảm rất lớn.
Chia sẻ những dòng trên, chị Nguyễn Minh Huế trải lòng: "Đúng là dù nhà nội có dễ dãi đến đâu thì phận làm con dâu cũng chả dám chểnh mảng, bởi ngoài bố mẹ chồng còn có cả anh em, họ hàng, làng xóm nhìn vào.
Hôm nào lỡ dậy sau mọi người thì ôi thôi, chả biết giấu mặt vào đâu luôn. Nấu cơm phải xông xáo, không dám lười, món nào không biết là học ngay.
Chỉ có những lúc về ngoại thì mới dám cả 3 bữa cơm không động vào tí nào, phần vì ở đó mình tìm thấy sự thảnh thơi, phần vì thích cảm giác được mẹ chăm sóc, nâng niu.
Còn có thể ngủ nướng khét lẹt đến 9 - 10 giờ hoặc đi chơi cả ngày nếu không có việc gì. Đến lúc đi lại thấy có cái gì đấy rất chênh vênh, chỉ muốn kiếm cớ để ở lại thêm dù là vài phút. Lấy chồng xa cái cảm giác về ngoại càng rõ rệt hơn bao giờ hết...".
Cũng có cảm giác "hổ về rừng" khi nghĩ về nhà mẹ đẻ, nick Phi Anh cũng bình luận: "Dù mệt mỏi hay bất lực đến đâu, về nhà ngoại vẫn là thoải mái nhất.
Mặc dù cuộc sống ở̀ gia đình chồng không khổ, nhưng về ngoại muốn làm gì hay đi đâu cũng không cần phải lo lắng là em bé ăn chưa hay ngủ đủ giấc không.
Gia đình ngoại vẫn luôn che chở bao bọc những lúc hôn nhân của con sóng gió.
Mặc dù con chỉ có mẹ thôi, nhưng bên cạnh đó con luôn cảm nhận được sự ấm áp bao bọc che chở từ anh và chị và em , bất cứ trong hoàn cảnh nào vẫn chào đón và luôn ủng hộ, đưa ra lời khuyên tốt đẹp nhất. Cảm ơn tất cả!".
Ngược lại, cũng có những ý kiến trái chiều cho rằng: "Sao thấy bà ngoại vất vả quá. Con gái về làm mẹ vất vả thêm liệu có vô tâm quá không? Bà ngoại của mình cũng là bà nội của người khác thì phải?".
"Về nhà ngoại là về nơi thân thương nhất!"
Chị Nguyễn Kiều Len, tác giả của những chia sẻ "trúng tim" của nhiều chị em nói rằng, đó có lẽ không chỉ là suy nghĩ của cá nhân chị, mà là tâm trạng chung của nhiều phụ nữ đã lập gia đình, dầu cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và gia đình chồng có thoải mái đến đâu, cái cảm giác thấy mình được là nữ hoàng trong chính ngôi nhà mà mình đã được sinh ra là có thật.
Chị Len tâm sự: "Cái cảm giác mỗi lần về quê rất khó tả. Nhà ngoại mình ở Nghệ An, mình làm "dâu xa" ở Nam Định, nhưng gia đình riêng đang sống và làm việc ở Hà Nội.
Bố mẹ chồng mình rất thoải mái, mẹ chồng cũng rất quan tâm đến con dâu và các cháu, nhưng thú thực, mình không hoàn toàn có cảm giác bình yên cũng như an tâm giao phó mọi việc cho bà như khi ở nhà ngoại, có lẽ một phần vì trách nhiệm làm dâu.
Mỗi năm, mình chỉ về ngoại đúng một lần, vào dịp Tết, khoảng 2 - 3 ngày. Mình lúc nào cũng canh cánh bên lòng, nhớ thương mẹ cha lắm!
Về nhà, đó là về nơi thân thương nhất trong tâm hồn. Chẳng cần cao lương mỹ vị, chỉ cần được ngồi cạnh cha mẹ, gắp cho nhau miếng thức ăn thôi, cũng ấm lòng lắm rồi.
Mình cũng rất ghét cái cảm giác mới về được một vài hôm, sau đó lại chuẩn bị lên đường ra Hà Nội, nó rấm rứt và đau tức nơi lồng ngực ấy.
Tết rồi mình cũng về, và đêm trước hôm ra Hà Nội, nằm ngủ sớm mà nước mắt cứ tự chảy. Con gái lấy chồng xa, chắc ai cũng vậy cả..."
Chị Kiều Len chia sẻ thêm, nói con gái về nhà ngoại được đối xử như nữ hoàng, chị muốn nói đến phương diện tâm lý, chứ không hẳn là được cưng nựng đến mức không phải động tay chân làm gì.
Chị kể, hồi còn ở nhà, dù là con gái duy nhất trong gia đình hai con, cha mẹ chị không cưng chiều mà rất nghiêm khắc với chị.
Dù nhà lúc nào cũng có người giúp việc (nhà bố mẹ chị có xưởng làm bánh kẹo - PV), mẹ chị vẫn luôn dạy, là con gái, điều tối thiểu nhất phải biết nấu ăn; nên dù có người làm, chị vẫn luôn được mẹ hướng dẫn làm món này món nọ và dạy cách chăm sóc gia đình.
Nói thêm về việc lấy chồng xa và việc đón Tết xa nhà ngoại, chị Kiều Len rưng rưng: "Lấy chồng bao nhiêu năm thì bấy nhiêu thời gian ăn Tết xa nhà ngoại.
Nhà mình toàn về lúc Tết chưa đến, ngày đón giao thừa cả nhà lại tất tả ra nội. Đêm giao thừa nào mình cũng ứa nước mắt thương cha mẹ cúng sang canh không có con gái bên cạnh.
Bên mâm cơm, nhiều khi rớt nước mắt khi ai đó đến chơi mà nhắc đến Len năm nay không về Tết à, mình toàn giả vờ đi lấy cái đũa, lấy lọ tương ớt để lau mắt cho đỡ ngại...
Dù về ăn Tết ở nhà nội rất thoải mái, nhưng đêm giao thừa, cạnh chồng và các con thân yêu, mình vẫn rất muốn được ngồi suýt xoa hơ tay trên bếp than hồng, nướng miếng bò giàng, rán ít phồng tôm, ăn ít mứt dừa như ngày xưa.
Sau này có con dâu, mình sẽ động viên các con về ngoại ăn Tết, lễ thì về nội hoặc ngược lại, lễ về ngoại, Tết về nội, thế cho công bằng!"
Khi những dòng chia sẻ của chị về cảm giác của con gái về nhà ngoại được nhiều phụ nữ quan tâm, chị Len cho hay, có một số quan điểm trái chiều, không đồng tình với cách nghĩ của chị, nhất là những người đứng trên vị trí là chị dâu, em dâu.
"Chắc họ sẽ thấy khó chịu vì một "bà cô" ở xa về mà để họ làm hết việc, phục vụ cơm nước.
Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Nhưng với mình, về nhà ngoại thoải mái nhất là tinh thần thoải mái và cái cảm giác ngủ no nê, vì nếu con mình dậy, đã có bà ngoại lo bữa sáng cho mọi người.
"Nữ vương" chỉ hiểu một vế rất nhỏ thế thôi, chứ mình cũng không bắt tội mẹ hay chị dâu "phục vụ" mình vô điều kiện được.
Mình tự nấu bữa trưa, bữa tối, ăn xong cũng tự dọn dẹp hoặc cùng chị dâu dọn dẹp, quen nếp từ bé rồi, mình không có ý định ỷ lại ai hết!".
Người mẹ của 3 cậu con trai sàn sàn trứng gà trứng vịt Tom, Bin, Bon cho hay, chồng chị là một doanh nhân quản lý hai công ty, còn chị hiện đang làm việc hỗ trợ chồng tại công ty gia đình.
Cuộc sống của chị diễn ra bình dị và yên ả: sáng đưa con đi học rồi đi làm, trưa về tranh thủ cơm nước cho chồng, chiều lại đi làm, rồi về đón con.
Dù đã là mẹ của 3 cậu nhóc tình cảm, yêu thương mẹ và vợ của một người chồng tâm lý, chị vẫn rất khao khát có thêm một cô con gái nữa để "có nếp có tẻ, mẹ đỡ thiệt thòi. Đêm, có khi nằm mơ mình có con gái nữa cơ.
Sinh thì dễ thôi, nuôi dạy con nên người mới khó, nên dù đi tiếp hay "dừng cuộc chơi" tại đây, mình vẫn đủ hạnh phúc".