Nhìn vẻ ngoài chững chạc, già dặn của Mai Thanh Hồ, không ai đoán đúng chàng trai này sinh năm 1987. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Thanh Hồ đã bươn chải, tự kiếm tiền từ năm 15 tuổi.
Có lẽ vì vậy mà gương mặt của anh trông già hơn rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa.
Những năm tháng một mình lên Sài Gòn làm thuê làm mướn, tích góp từng đồng gửi về cho bố mẹ ở quê là giai đoạn gian nan nhất với Thanh Hồ. Nghĩ đến việc phải có trong tay một nghề nghiệp ổn định, chàng trai quê An Giang đã theo học nghề làm tóc.
Sau vài năm kiên trì học tập và “cày cuốc”, chàng trai này hiện đang là ông chủ của một tiệm tóc lớn tại Sài thành với lượng khách ổn định mỗi ngày, mang về cho anh mức thu nhập ổn định, không ít tháng lên đến 70 triệu đồng/tháng.
Ngày ăn 2 bữa, không dám thuê trọ
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại mảnh đất An Giang, từ bé, Thanh Hồ đã ý thức được gia cảnh nghèo khó của mình.
Thấy bố mẹ vất vả làm ruộng nuôi các con ăn học, từ những năm cấp 2, Thanh Hồ đã kiếm việc làm thêm để có tiền tự đóng học phí cho mình.
Học một buổi, buổi còn lại Thanh Hồ nhận bánh mì từ cửa hàng đem bán. Những ngày hàng nhận về không bán hết, chàng trai này phải ăn bánh mì qua bữa để bảo toàn số tiền ít ỏi kiếm được.
Không đủ chi trả các khoản học phí và phụ giúp bố mẹ, Thanh Hồ còn nhận giao nước đá. Một ngày của chàng thanh niên lúc ấy bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng và kết thúc khi tiếng gà gáy báo hiệu chuyển sang ngày mới.
Ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Thanh Hồ quyết định lên Sài Gòn làm việc ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3.
Không người thân thiết, không tiền dắt lưng, Thanh Hồ xin làm công nhân theo địa chỉ trên các tờ rơi. Vì sức khỏe yếu nên chàng trai chỉ làm được 1 tháng rồi xin nghỉ.
Sau đó, Thanh Hồ xin vào làm phục vụ ở một quán cháo ở quận 12 với mức lương 500 nghìn/tháng.
Được 6 tháng, với mong muốn tìm được công việc với thu nhập cao hơn, Thanh Hồ nghỉ làm phục vụ, chuyển sang làm nhân viên bán hàng cho một shop thời trang.
Nhờ tính tình hiền lành, thật thà, chàng trai được chủ cửa hàng tin tưởng, khách hàng yêu mến.
Với đồng lương ít ỏi của việc làm thuê, làm mướn, mỗi tháng Thanh Hồ gửi về nhà được 500 nghìn đến 1 triệu. “Sáng đi làm mình thường nhịn đói, chỉ dám ăn 2 bữa trưa và tối, ngoài ra không dám mua sắm gì thêm.
Để tiết kiệm tiền thuê trọ, mình thường xin ông bà chủ nơi mình đang làm cho ngủ luôn tại quán và nhận việc dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc.” - Thanh Hồ chia sẻ.
Ông chủ tiệm tóc sau 5 năm phấn đấu
Trong một lần về quê thăm bố mẹ, Thanh Hồ được người bạn rủ đi học nghề tóc. Nghĩ đến việc làm thuê làm mướn hoài không thể khá lên được, chàng trai sinh năm 1987 này đầu tư toàn bộ số tiền kiếm được để đóng học phí theo học nghề làm tóc.
Thanh Hồ nhớ lại: “Học phí lúc đó là 7 triệu, mình phải bán luôn chiếc xe máy đang đi mới đủ tiền đóng cho thầy.
Ước mơ có được nghề nghiệp riêng cho bản thân là động lực để mình cố gắng trau dồi và học tập. Càng học lại càng thích thú và dần nghề tóc trở thành đam mê lớn nhất của mình”.
Trong thời gian học, Thanh Hồ luôn để ý các thao tác dù nhỏ nhặt nhất của những người thầy, những bậc tiền bối rồi làm theo và rút tỉa thành những kinh nghiệm cho mình.
Ban đêm, chàng trai này thường lấy đầu ken ra tập cắt, mượn máy tính của bạn cùng phòng để lên mạng xem các kiểu tóc đang thịnh hành và tìm cách làm theo.
Chàng trai này không nề hà hay than thở khi được thầy giáo giao việc. Có hôm chỉ làm mỗi việc duỗi tóc cho gần chục khách hàng, ấy vậy mà Thanh Hồ không hề cảm thấy mệt, ngược lại, còn rất vui vì có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn.
Chăm chỉ, tỉ mỉ và không ngại khó, Thanh Hồ ra nghề sau 6 tháng và nhận được nhiều lời khen ngợi từ người thầy của mình.
Năm 2008, Thanh Hồ một lần nữa lên Sài Gòn lập nghiệp. Khác với lần trước, chàng trai ra đi trong tư thế ung dung hơn, tự tin hơn.
Được nhận vào làm nhân viên cho salon tóc, Thanh Hồ vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa dành dụm tiền thực hiện ước mơ mở tiệm tóc riêng cho mình.
Tích góp và vay mượn thêm, Thanh Hồ mạnh dạn mở một salon nhỏ và trở thành ông chủ năm 26 tuổi. Với tâm niệm “cái răng cái tóc là tóc con người”, chàng trai này luôn chú trọng đến việc tạo ra sản phẩm tốt nhất, hoàn hảo nhất cho khách hàng.
Nụ cười hài lòng của khách khi bước ra khỏi cửa hàng là niềm vui, là động lực to lớn để Thanh Hồ tiếp tục công việc của mình.
“Khó khăn, thử thách đến đây chưa phải đã dừng lại. Mình biết bản thân cần cố gắng nhiều hơn nữa để duy trì được đam mê và đền đáp công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ.
Bài học lớn nhất mình rút ra cho đến ngày hôm nay là sự kiên trì, không bao giờ bỏ cuộc dù chông gai đến đâu” - Thanh Hồ tâm sự.
Ảnh: NVCC