Chúng tôi tìm đến số nhà 73 Hàng Than, Hà Nội gặp người cuối cùng còn giữ được nghề làm mặt nạ giấy bồi nức tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc và ra cả nước ngoài.
Tỉ mĩ và cẩn thận như làm mặt nạ giấy bồi
Bằng tình yêu nghề, ông Nguyễn Văn Hòa (61 tuổi), bà Đặng Hương Lan (56 tuổi) đã gắn bó với nghề của cha ông 35 năm nay. Gia đình ông cũng là gia đình duy nhất làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội. Giữa trung tâm thành phố ồn ào, náo nhiệt, người ta lại tìm thấy 1 khoảng không gian văn hóa Việt truyền thống yên bình đến lạ lùng trong căn nhà ông Hòa.
Căn nhà tầng 3 đóng kín cửa nhưng mùi giấy và mùi sơn quyện lại thoảng theo làn gió khiến cho ai nấy đều hào hứng để tận mắt được chứng kiến những công đoạn thủ công tỉ mỉ của nghề làm mặt nạ giấy bồi gia truyền còn lại duy nhất ở Hà Nội này.
Để làm một chiếc mặt nạ ông bà mất rất nhiều công sức. Đầu tiên vợ chồng ông thu mua giấy báo vụn về rồi xé nhỏ bồi từng lớp giấy theo thứ tự 3 lớp: giấy A4, lớp bìa và báo xé vụn vào khuôn. Giữa các lớp giấy được quét bằng bột sắn dây hạng 1 sánh, mịn và quấy đủ độ. Để bồi khuôn đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo bồi giấy đủ dày, chăm chút cho từng lớp giấy không bị cộn lên sau lớp bột sắn. Sau khi hoàn thành lớp khung thô, ông sẽ quét lên phôi lớp sơn nền và phơi khô. Những chiếc mặt nạ thô này được làm trong cả năm để tranh thủ phơi bất kể khi nào có nắng.
Trước Trung thu khoảng 3 tháng, 2 vợ chồng ông sẽ bắt tay vào công việc vẽ màu. Để hoàn thiện chiếc mặt nạ giấy bồi, người nghệ nhân phải sơn rất nhiều lớp màu, tùy thuộc vào từng loại mặt nạ với các chi tiết khác nhau. Sau mỗi lớp sơn là 1 lần phơi nắng cho thật khô trước khi tiếp tục sơn các màu khác để màu không bị lem nhem. Có khi gặp chiếc mặt nạ cầu kì ông phải vẽ rồi phơi, vẽ rồi phơi đến cả chục lần. Đó là sự kì công nhất của làm mặt nạ giấy bồi thủ công.
Với 18 khuôn chiếc chủ yếu là các hình tượng dân gian như: con trâu, con bò, chú Tễu, thị Nở, chí Phèo, Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới … đều do ông bà sáng tạo nên và thổi hồn vào chúng. Mỗi chiếc khuôn do ông Hòa tự đục, đẽo, tỉ mỉ chăm chút để hoàn thành đứa con tinh thần của mình.
Những mặt nạ chủ yếu mang hình những nhân vật truyền thống gắn liền với dân gian: con trâu, chú Tễu, Thị Nở, Chí Phèo.
Để giữ được nghề truyền thống này, ông bà cũng trải qua không ít khó khăn. Ông Hòa ngồi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đến với nghề như cái nhân duyên của đời mình.
Người 35 năm giữ vững nghề truyền thống
Ông được bố vợ truyền nghề khi về làm rể, thế là vừa đi làm ở một công ty rau, tối về vẫn cặm cụi bên những lớp giấy, bút vẽ, màu sơn,… Bà Lan cũng là công chức những vẫn ngày ngày cùng chồng làm mặt nạ giấy bồi với mong muốn giữ nghề của cha ông. Bà Lan cho biết thêm: “Nhà tôi có 7 anh chị em, nhưng còn lại mỗi vợ chổng tôi theo được nghề ”.
Mỗi năm khi Trung thu đến, gia đình ông bà lại bán ra thị trường khoảng 2000 chiếc mặt nạ giấy bồi. Nhiều thanh niên giờ đã trưởng thành, là khách hàng trung thành của bà Lan mấy chục năm giờ vẫn quay lại tìm mua chiếc mặt nạ giấy bồi gắn bó với họ ngày nào.
Những ai đã từng chơi mặt nạ giấy bồi của gia đình ông Hòa sẽ không thể nhầm lẫn với bất cứa mặt hàng nào tương tự của các xưởng sản xuất khác. Tuy có nhiều sản phẩm nhái lại các sản phẩm của gia đình ông nhưng về chất lượng, màu sắc, mẫu mã… còn kém xa.
“Phải khéo léo, kiên trì lắm mới làm được công việc thủ công này”- bà Lan nói. Ngắm kĩ từng chiếc mặt nạ thủ công do tận tay ông bà làm ra, nhìn kĩ từng chi tiết sẽ thấy được chiều sâu của từng chiếc mặt nạ. Các chi tiết lồi, lõm, đến màu sắc, đường nét đều có hồn, nói lên công sức với đôi bàn tay tỉ mỉ, chăm chút của vợ chồng người nghệ nhân già.
Đến với nghề hơn 3 chục năm nay những mỗi ngày 2 ông bà chỉ hoàn thành khoảnh hơn chục chiếc mặt nạ. Bà Lan vừa đưa tay mềm mại vẽ trên chiếc mặt nạ như múa vừa trầm ngâm: “Mỗi sản phẩm đều được làm bằng tình yêu nghề, bằng tâm tư, tình cảm của những người sáng tạo ra chúng, không thể vội vàng, thờ ơ”.
Bà Lan tự hào kể vói chúng tôi về nghề đã trang trải cuộc sống cho gia đình bà trong giai đoạn kinh tế khó khăn vài chục năm về trước. Có thời kì nghề làm mặt nạ của ông bà cũng lao đao, lận đận bởi thị trường đồ chơi của Trung Quốc, nhưng gia đình bà vẫn cố bám trụ vì đó là nghề của tổ tiên.
Đã bước sang tuổi lục tuần, ông bà trầm ngâm trải lòng với nỗi lo nghề mai một. Có duyên với nghề của ông cha đối với hai vợ chông ông Hòa đó là niềm tự hào, hạnh phúc khi góp phần giữ gìn bản sắc truyền thống của dân tộc. Ông bà nói: “Ngày nào còn sức là ngày ấy chúng tôi còn cố theo nghề”.
Cùng xem một số hình ảnh khác:
Trong cuộc sống, BẠN NHÌN THẤY chuyện gì GÂY CẢM XÚC MẠNH cho bản thân (xúc động, phẫn nộ, bất bình, đau đớn, thán phục, hạnh phúc, sảng khoái...)? Hãy lập tức DÙNG ĐIỆN THOẠI quay clip hoặc chụp ảnh, hoặc viết thành bài theo cách của bạn. Cũng có khi, chỉ một thông tin/ảnh/clip đăng trên mạng xã hội (từ Facebook, diễn đàn... không phải trên các báo) cũng khiến bạn có cảm xúc, suy nghĩ... Gửi ngay cho chúng tôi qua email cudanmang@soha.vn! Chúng tôi sẽ duyệt để ĐĂNG TẢI và TRẢ NHUẬN BÚT CHO BẠN TRONG VÒNG 24 GIỜ. |