Sinh ra đã thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác, Đinh Thị H’lonh (14 tuổi) thiếu đi một phần cơ thể. Không chịu đầu hàng số phận, cô bé nghị lực đã vươn lên nỗi đau , tự lập trong cuộc sống, học con chữ đẻ được đến trường.
“Con ma cụt tay” cả làng khiếp sợ
“Con ma cụt tay”- đó là cái tên người ta gọi Đinh Thị H’lonh từ khi em mới sinh ra. Vào một đêm mưa ở ngôi làng Krối, xã Đak Smar, huyện Kbang (Gia Lai) dân làng nghe tiếng thét thất thanh của người phụ nữ hạ sinh đứa con gái. Chị Đinh Thị En (sn 1976) vấn nhớ như in kí ức kinh hoàng 14 năm về trước khi chị thét rồi ngất đi khi thấy hình hài đứa con gái mình sinh ra không tay.
Nghe tiếng thét, anh Đinh Đeng (SN 1971) chạy vội đến bên vợ thì cũng “chết đứng” khi thấy hình thù kì dị của con mình. Người dân trong bản cũng khiếp sợ, nhìn đứa trẻ mới chào đời với ánh mắt kì thị và gọi em với những cái tên “con ma”, “con ma cụt tay”. Họ bảo nhà anh Đinh Đeng bị Yàng (Trời) phạt.
Suốt 3 ngày sau đó chị En chỉ biết ôm con khóc, anh Đeng nhiều ngày chòm vào men rượu để quên đi nỗi buồn. Rồi 2 vợ chồng cũng trấn tĩnh, nhắc nhở nhau ông trời ban cho con thì phải nuôi con khôn lớn.
Thế rồi "con ma" ấy cứ lớn dần lên ...
Thời gian đầu, tất cả mọi sinh hoạt của em đều do bố mẹ và người anh trai Đinh Ol (SN 1998) giúp đỡ.
Khi lên 7 tuổi, H’lonh từ chối mọi sự giúp đỡ của người thân. Em bắt đầu tự học những việc làm nhỏ nhất từ đánh răng, chải tóc, gội đầu đến quét nhà, giặt quần áo, rửa bát, úp bát, ... giúp bố mẹ. Làm mọi việc bằng đôi chân, em gặp không ít khó khăn. Nhưng với sự nỗ lực của bản thân vì thương anh và bố mẹ vất vả, em đã làm quen dần với mọi việc. H’lonh còn trông em cho bố mẹ lên rẫy. Kì diệu hơn, H’lonh còn có thể phụ giúp bố mẹ đi hái bắp trên đồi. Cô bé hào hứng: “Những cây bắp trên cao, em dùng chân đạp đổ cây rồi lấy bắp mang về”.
Ước mơ được đứng trên bục giảng
Lên 8 tuổi, khi thấy anh trai học bài, H’lonh mượn vở của anh và tập viết những con chữ đầu tiên bằng đôi chân. Từ những nét chứ nghuệch ngoạc, sau nhiều ngày em đã làm quen với con chữ. Em đã tự thuyết phục bố đưa em đến trường để học con chữ với ước mơ trở thành cô giáo dạy những học sinh nghèo.
Thầy Nguyễn Văn Tuy, thầy giáo chủ nhiệm của H’lonh cho biết: “Em không chỉ có nghị lực phi thường mà còn có tinh thần hiếu học. Nhiều học sinh khỏe mạnh tôi còn đến nhà vận động đi học, nhưng với H’lonh, em đã tự tìm đến trường lớp dù không được lành lặn”. Khiếm khuyết đôi tay, em phải nỗ lực rất nhiều để theo kịp các bạn trong lớp. Viết bằng chân nhưng tốc độ không hề thua kém các bạn, hơn nữa nét chữ lại to và khá đẹp.
Giờ đây, “con ma cụt tay” H’lonh đã là học sinh lớp 7 trường Tiểu học Dak Mar (Bậc THCS). Trước mỗi buổi học, em đều đến sớm để dọn vệ sinh lớp học.
Năm nào H’lonh cũng đạt học bổng của trẻ em nghèo vượt khó tỉnh Gia Lai. Năm 2013, em đạt học bổng Việt Nhật. H’lonh vinh dự là một trong 21 tấm gương được vinh danh tong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2014 tại Hà Nội.
Không chỉ đạt nhiều thành tích cao trong học tập, H’lonh còn có ý thức tốt, kính thầy yêu bạn, luôn nỗ lực hòa đồng với bạn bè. H’lonh còn có năng khiếu hát rất hay và vẽ tranh rất đẹp. Thầy Tuy chia sẻ thêm: “Với một người thiệt thòi như em, mất đi đôi cánh tay thì những gì H’lonh làm được và thành tích học của em là quá tuyệt vời”.
Anh trai Đinh Ol giúp đỡ em, đưa em đi học. Học ở trường bán trú, khi được về nhà em lại lên rẫy giúp bố mẹ hái bắp, ở nhà trông em, nấu cơm, ... Cô gái có nghị lực phi thường vượt qua sự nghiệt ngã của số phận, “con ma cụt tay” ngày nào giờ đã trở thành tấm gương mà người dân làng thường nhắc tới, khen ngợi.
Những hình ảnh của tấm gương nghị lực Đinh Thị H’lonh: