Hackathon là một cuộc thi lập trình mà các đội thi phải hoàn thành một sản phẩm phần mềm trong thời gian ngắn (trong vòng 23 giờ liên tục). Đây là cuộc thi do Formation 8 và FRIST (Bộ Khoa học Công nghệ), Viện nghiên cứu cao cấp về Toán và Mạng lưới trẻ Việt Nam (VYE) tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam.
Cuộc thi Hackathon Việt Nam 2014 được khởi động từ tháng 6/2014 thu hút quan tâm của gần 1000 thí sinh là các kỹ sư và nhà khoa học trẻ tài năng ở Việt Nam. Sau hơn 1 tháng làm việc, BTC chọn ra 400 cá nhân xuất sắc nhất được thành lập hơn 100 đội sẽ tham gia tranh tài tại 2 thành phố Hà Nội và TP HCM trong 2 ngày từ 1 – 2/8/2014.
Tiến sỹ Nguyễn Quân – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao sự nhiệt huyết và tinh thần đóng góp ý tưởng hữu ích của những nhà sáng tạo trẻ tham gia chương trình Hackathon lần này. Ông nói đây là sự kiện quan trọng, thiết thực, là sự hội tụ của sức sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ.
Tiến sỹ Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có mặt tại Hackathon.
“23 giờ tranh tài sẽ là thời gian các nhà khoa học, kỹ sư trẻ thể hiện sự đam mê sáng tạo, khả năng làm việc nhóm và từ sự kiện này sẽ phát đi thông điệp đi quốc tế về một Việt Nam năng động, sáng tạo và đi lên từ công nghệ”, TS Nguyễn Quân nhấn mạnh.
Đại diện Formation 8, ông Joe Lonsdale – là một doanh nhân trong lĩnh vực khởi nghiệp, một nhà đầu tư nổi tiếng ở Silicon Valley cho biết: “Những tài năng về công nghệ của Việt Nam đã được công nhận và kính trọng kể cả ở Nhật Bản và các nước khác. Tôi thực sự ấn tượng về tài năng của các bạn - thế hệ mới của những tài năng này sẽ định hình tương lai của đất nước Việt Nam”.
400 thí sinh được chia thành các đội (tối đa là 4 người trong 1 đội) sẽ lập trình những ý tưởng ý nghĩa thực tế từ nhu cầu của cuộc sống.
Nhóm The Lovely Corders gồm 4 thành viên bật mí rằng, thử thách trong cuộc thi Hackathon lần này với ý tưởng phần mềm hỗ trợ nhu cầu tìm kiếm thông tin, xử lý tình huống một cách nhanh nhất trên toàn thế giới.
Thành Đặng (người thiết kế trong nhóm) nói: “Phần mềm của chúng em sẽ giải quyết được những câu hỏi của mọi người từ chính những bức ảnh. Ví dụ bạn đang làm chiếc bánh nhưng bị hỏng, bạn có thể chụp ảnh đăng lên phần mềm và ngay lập tức sẽ có câu trả lời từ cộng đồng về cách làm, lý do tại sao thông qua ảnh …
Phần mềm này trả lời các nhu cầu, câu hỏi từ những người khác trên thế giới trong thời gian rất ngắn và cơ hội giải quyết vấn đề sẽ cao hơn. Với ước mơ ban đầu phát triển ở Việt Nam, sau mở rộng trên toàn thế giới”.
Còn nhóm bạn Phạm Văn Phúc (SN 1989) đang làm ở FPT tham gia cuộc thi này cho biết, chúng em tìm ra ý tưởng để có thể lập trình trong vòng 23 tiếng liên tiếp.
“Đội em gồm 2 người, 1 thiết kế và 1 corder. Ý tưởng giúp đỡ người dân khám chữa bệnh giảm bớt chi phí đến với chúng em cách đây 2 tuần và trong 23 giờ sắp tới chúng em sẽ lập trình đó thành hiện thực”, Phúc cho hay.
Phúc nói thêm rằng, từ tình trạng quá tải của bệnh viện và thiếu y bác sỹ hiện nay, nhiều người dân phải chờ đợi rất lâu mới đến lượt, em đã nghĩ tại sao bác sỹ không thể biết được bệnh tình của người bệnh từ xa thông qua 1 phần mềm gắn với chiếc đồng hồ đo nhịp tim, mạch? Những thông tin từ người bệnh tại nhà thông qua chiếc đồng hồ sẽ chuyển đến bác sỹ chứ không cần đến bệnh viện khám.
Sự kiện lần này còn có sự có mặt của GS Ngô Bảo Châu, các nhà khoa học trong Viện Toán và sự hỗ trợ của gần 20 cố vấn đến từ các tập đoàn công nghệ nổi tiếng thế giới. Giải thưởng của cuộc thi là một chuyến đi Silicon Valey dành cho 2 đội chơi chiến thắng đến từ hai thành phố.
Đây là sân chơi dành cho những người trẻ đam mê công nghệ thông tin và cuộc thi xuyên suốt 24 tiếng đồng hồ cho các thí sinh lập trình ý tưởng của họ trên máy một cách nhanh và hoàn thiện nhất. Sự kiện sẽ kết thúc vào ngày mai (2/8).