Cú đấm của ‘thổi nồng độ cồn’: Công ty bia địa phương có EPS hơn 36.000 đồng, liên tục trả cổ tức từ 100%-200% lần đầu tiên đứt chuỗi tăng trưởng lợi nhuận 1 thập kỷ

Ngọc Điệp |

Thanh khoản thấp, thị giá cao nên đôi khi chỉ cần 100 cổ phiếu được khớp lệnh cũng đủ làm thị giá HLB biến động hàng chục nghìn đồng.

CTCP Bia và Nước giải khát Hạ Long (mã CK: BHL) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023. Theo đó, trong năm vừa rồi, HLB ghi nhận doanh thu thuần công ty đạt 1.470 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2022.

Khấu trừ đi các chi phí, HLB thu về hơn 111 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 12% so với năm 2022. EPS công ty đạt 36.007 đồng, dù thấp hơn so với năm 2022 là 40.822 đồng nhưng vẫn thuộc top cao nhất thị trường. Đáng chú ý, năm nay cũng là năm đầu tiên kể từ 2014 tới nay, lợi nhuận của HLB đi lùi. Các năm trước đó, doanh thu và LNST của công ty luôn duy trì được tăng trưởng rõ rệt.

Cú đấm của ‘thổi nồng độ cồn’: Công ty bia địa phương có EPS hơn 36.000 đồng, liên tục trả cổ tức từ 100%-200% lần đầu tiên đứt chuỗi tăng trưởng lợi nhuận 1 thập kỷ- Ảnh 1.

HLB tiền thân là nhà máy liên hợp thực phẩm Hồng Gai, thành lập từ năm 1967. Trải qua nhiều thay đổi, công ty chính thức chuyển đổi thành CTCP Bia & Nước giải khát Hạ Long vào tháng 2/2003. Các sản phẩm của HLB bao gồm bia Hạ Long Classic, bia Hạ Long Sapphire, bia Hạ Long Golden, ...

Công ty cho biết, năm 2023 là một năm khó khăn và thách thức cho cả ngành Bia nói chung và Bia Hạ Long với việc suy giảm nền kinh tế dẫn đến thu nhập giảm và nhu cầu tiêu dùng cũng giảm theo. Ngoài ra những quy định liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn đã khiến doanh thu của các ngành bia, rượu bị giảm theo.

Chi phí nguyên vật liệu đầu vào (malt, xăng dầu, vỏ lon) tăng ít nhất 20%; xung đột Nga - Ukraine khiến chuỗi cung ứng đứt gãy.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 sắp tới, hội đồng quản trị HLB dự định trình cổ đông thông qua kế hoạch năm 2024 với doanh thu thuần 1.751 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện năm 2023 nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 98,1 tỷ đồng, giảm gần 12% và phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 90%.

Cú đấm của ‘thổi nồng độ cồn’: Công ty bia địa phương có EPS hơn 36.000 đồng, liên tục trả cổ tức từ 100%-200% lần đầu tiên đứt chuỗi tăng trưởng lợi nhuận 1 thập kỷ- Ảnh 2.

HLB gây chú ý với tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt rất cao. Năm 2022, HLB trả cổ tức bằng tiền với lệ thực hiện là 150%. Năm 2021, HLB cũng chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ lên đến 100%.

Các năm trước, giai đoạn 2014-2018, công ty liên tục chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ 60% cho  năm 2016, 70% cho năm 2017 và 200% cho năm 2018. Năm 2019, hoạt động cổ tức bị gián đoạn do HLB dành toàn bộ phần lợi nhuận còn lại sau khi trích thưởng để đầu tư nâng cấp và hoàn thiện nhà máy sản xuất bia Đông Mai công suất 50 triệu lít/năm. HLB chia cổ tức trở lại cho cổ đông vào năm 2020 với tỷ lệ 20%.

Phần lớn cổ tức của HLB chảy vào túi cổ đông lớn Aseed Holdings đến từ Nhật với 30,42% cổ phần và gia đình cựu Chủ tịch HĐQT Doãn Văn Quang với tổng sở hữu lên đến gần 58% cổ phần.

Cú đấm của ‘thổi nồng độ cồn’: Công ty bia địa phương có EPS hơn 36.000 đồng, liên tục trả cổ tức từ 100%-200% lần đầu tiên đứt chuỗi tăng trưởng lợi nhuận 1 thập kỷ- Ảnh 3.


Bắt đầu giao dịch trên sàn UPCOM từ tháng 02/2017, cổ phiếu HLB của CTCP Bia và Nước giải khát Hạ Long trên sàn chứng khoán ít được quan tâm do thanh khoản kém, nhiều phiên thậm chí không có giao dịch.

Tuy nhiên, cổ phiếu ít tên tuổi này lại có thị giá cao nhì sàn chứng khoán chỉ đứng sau cổ phiếu VNZ của CTCP VNG, với giá cổ phiếu đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/4 ở mức 264.100 đồng/cp, giảm 11,97% và hiện đang là cổ phiếu đắt đỏ nhất ngành bia.

Thanh khoản thấp, thị giá cao nên đôi khi chỉ cần 100 cổ phiếu được khớp lệnh cũng đủ làm thị giá HLB biến động hàng chục nghìn đồng.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại