Cụ bà 80 tuổi bị HIV ở Phú Thọ: 57 năm chờ chồng trong uất nghẹn

THÀNH TRUNG |

Cụ C, 80 tuổi, trú tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ bao năm côi cút sống trong căn nhà sàn giữa lưng chừng đồi, cả đời không đi đâu xa và không hiểu sao mình lại bị HIV.

Cụ bà cao tuổi nhất có HIV

Cụ C năm nay đã tròn 80, sống ở xóm Chiềng 1, xã Kim Thượng, nơi phát hiện 42 người dương tính với HIV , cụ là người cao tuổi nhất trong số đó.

Cụ bà 80 tuổi bị HIV ở Phú Thọ: 57 năm chờ chồng trong uất nghẹn - Ảnh 1.

Ngôi nhà sàn cụ C sống cùng các cháu

Theo lời cụ C, cách nay hơn 1 tháng, cụ được lấy máu để xét nghiệm, sau lần xét nghiệm đầu tiên kết quả cụ dương tính với HIV.

Sau đó 2 tuần, cụ lại xuống bệnh viện huyện Tân Sơn lấy mẫu máu xét nghiệm lần 2 nhưng chưa có kết quả.

Sáng 15.8, người của phòng y tế huyện liên lạc, cho người nhà đưa cụ xuống để làm xét nghiệm lần nữa nhưng do không có ai đưa đi nên cụ vẫn ở nhà.

Tiếp phóng viên báo Lao Động trong căn nhà sàn nhỏ giữa lưng chừng đồi, cụ C tỏ ra khá bức xúc và rất buồn, đôi mắt cụ ngân ngấn nước, nhiều lần chỉ chực khóc.

Cụ bà 80 tuổi bị HIV ở Phú Thọ: 57 năm chờ chồng trong uất nghẹn - Ảnh 2.

Góc nhà sàn của cụ C.

“Suốt đời tôi chẳng đi đâu, chỉ loanh quanh cây khoai, cây ngô trong vườn, ngày ngày đưa đón cháu đi học, 5 anh em giờ chỉ còn mình tôi với cô em gái sống dưới Thanh Sơn, giờ già rồi cũng không đi thăm được”, cụ C nói.

Cụ C cho biết, đã nhiều lần xuống thăm khám và tiêm ở nhà y sĩ Th ở xóm Chiềng 3 cách đó 700m. Tuy nhiên, khi được hỏi cụ có nghĩ rằng do bị dùng chung kim tiêm khi khám ở nhà y sĩ Th hay không, cụ C nói không biết.

57 năm đằng đẵng chờ chồng

Leo lên lưng chừng đồi, lách qua 2 ngôi nhà 3 tầng đang xây mới vào tới cổng ngôi nhà sàn của cụ C. Ngôi nhà nhỏ có một mảnh vườn trồng ngô và tường bao ngang ngực. Dưới gầm ngôi nhà sàn, cụ nuôi 3 con chó và 1 đàn gà, trồng thêm ít ngô.

Cụ C chỉ cao khoảng mét rưỡi, tóc bạc, da đồi mồi, răng rụng gần hết, tuy mệt nhưng cụ C còn khá minh mẫn. Cụ bị nặng tai, tiếng Kinh bập bõm, nhiều lúc phải nhờ người phiên dịch để trò chuyện với chúng tôi.

Trong ánh sáng lờ mờ từ ngoài hắt vào, phải mất khá lâu, cụ C mới bắt đầu câu chuyện đời mình. Cụ kể: Năm 1960, cụ được bố mẹ gả về gia đình nhà chồng ở xóm Chiềng 1, khi ấy cụ mới 22 tuổi.

Một năm sau, chồng cụ đi bộ đội, từ đó biệt tăm không về, cũng không có giấy báo tử. Thế là suốt bao năm, cụ cứ ở đó trong căn nhà sàn chờ chồng về.

“57 năm từ khi ông ấy đi bộ đội, tôi chẳng yêu ai, cũng không cưới ai, chỉ ở đây thôi”, cụ C buồn rầu mắt ngấn lệ.

Người phụ nữ Mường dáng nhỏ nhắn, đôi vai trĩu xuống, từ khi phát hiện bị HIV, tinh thần cụ suy sụp, yếu đi và sụt cân khá nhiều.

Sau khi chồng đi bộ đội, cụ C có đón cháu trai - con của anh chồng - về nuôi. Bao năm, cụ làm lụng, nuôi nấng, bao bọc người cháu trai như con đẻ cho tới khi anh cưới vợ, sinh được 2 con trai.

Năm 1988, người cháu này không may bị điện giật chết, vợ anh đi bước nữa, mang đứa con trai út theo cùng, để đứa con đầu cho cụ C nuôi.

Cụ bà 80 tuổi bị HIV ở Phú Thọ: 57 năm chờ chồng trong uất nghẹn - Ảnh 4.

Vườn ngô nhỏ cụ C trồng trước nhà

Ngày ngày, cụ trồng ngô, trồng khoai, thả thêm đàn gà dưới gầm nhà sàn tăng gia nuôi tiếp người cháu tên H bị mẹ bỏ lại.

Hai bà cháu cứ thế sống qua ngày tới khi anh H tròn 18 tuổi, cưới vợ về ở chung trong căn nhà sàn nhỏ với cụ.

Nhắc tới người chồng suốt nhiều năm biệt tăm, cụ C uất nghẹn rơi nước mắt.

“Giận chứ, giận lắm chứ, ông ấy đi biệt tăm, rồi lấy vợ khác ở mãi bên Bắc Thái ấy, chục năm trước người nhà đổ đi tìm bảo về làm mồ mả cho ông cha mới về, xong đi luôn, không quay lại nữa”, cụ C rầu rĩ, mắt long lanh nước.

Người phụ nữ đã lớn tuổi suốt bao năm nuôi cháu, nuôi con của cháu giờ đã già, nhà chỉ có 2 sào ruộng không đủ cấy, cứ mưa bão lại ngập. Rồi cháu trai lại đưa vợ về Hà Nội làm phu hồ kiếm sống, để lại hai con gái cho bà nuôi.

Từ khi biết cụ bị bệnh, người cháu dâu phải về chăm sóc, còn chồng chị vẫn ở Hà Nội làm thuê.

“Nhà nghèo lắm, giờ tôi về, chồng mà cũng về chắc không có miếng ăn đâu”, cháu dâu cụ C nói.

Cụ bà 80 tuổi bị HIV ở Phú Thọ: 57 năm chờ chồng trong uất nghẹn - Ảnh 6.

Lối dẫn lên đồi vào nhà cụ C

Cụ C không có con, là chị gái của 2 liệt sĩ. 2 em trai cụ đều đã cưới vợ rồi lên đường nhập ngũ ngay nên chưa ai kịp có con.

Suốt đời cụ chỉ làm lụng nuôi các cháu, hết cháu lớn tới cháu bé đều do cụ nuôi mà trưởng thành, giờ tới cuối đời lại mắc HIV không rõ nguyên nhân.

“Tôi giận lắm, bực lắm, mong chính quyền sớm tìm ra nguyên nhân, tôi cũng mong được cho thuốc để mình khỏe hơn, đỡ khổ các cháu”, cụ C nghẹn ngào.

Xã Kim Thượng cách trung tâm TP Việt Trì hơn 80km, nằm khá xa những khu dân cư khác của huyện. Cả xã Kim Thượng có khoảng 6.600 người sinh sống, chủ yếu là dân tộc Mường và Dao.

Cụ C là người cao tuổi nhất trong 42 người bị nhiễm HIV ở đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại