Hà Trung Phong (29 tuổi) đến từ Phú Thọ là một trong hai ứng viên tham gia chương trình Cơ hội cho ai mùa 4 ngày 3/12. Anh cũng là người nhận được 5 bình chọn từ các vị ban giám khảo để được vào vòng cuối cùng.
Ứng viên tài năng, dày dặn kinh nghiệm
Trung Phong tốt nghiệp loại giỏi ngành Kinh tế Đối ngoại (Đại học Ngoại thương). Anh có hơn 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử và bán lẻ ở nhiều vai trò khác nhau như: Chuyên viên, trưởng bộ phận. Ngoài ra, anh còn làm việc 2 năm trong lĩnh vực bán hàng xuyên biên giới tại thị trường Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc.
Trong quá trình làm việc, Trung Phong đã nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ, giúp các nhà bán hàng, đối tác Việt Nam đạt doanh thu trên 5 triệu USD sau 4 tháng ra mắt. Không dừng lại ở đó, anh còn tham gia vào dự án startup về kinh doanh thời trang.
Trong chương trình, Phong và đối thủ nhận được câu hỏi: "Bạn có ủng hộ quan điểm: Marketing cũng phải áp chỉ tiêu doanh số như bộ phận kinh doanh?". Anh bày tỏ bản thân ủng hộ cách làm này.
Hà Trung Phong. Ảnh: Cơ hội cho ai
Cụ thể, Trung Phong khẳng định việc đo lường hiệu quả của marketing ví dụ như độ nhận diện thương hiệu, độ phủ sóng. Tuy nhiên, đa số các trường hợp vẫn có thể xét KPI với những lý do sau:
Thứ nhất, người thực hiện sẽ theo dõi tiến độ của các dự án từ đó đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác. Ví dụ, chiến dịch marketing mới có chiều hướng cho kết quả so với những dự án trước đây thì có thể dừng lại.
Thứ hai, chỉ tiêu thể hiện bởi năng lực của nhân sự và hiệu quả của chiến dịch. Điều này giúp các nhà lãnh đạo đánh giá được nên thay đổi điều gì hoặc phát huy điểm nào.
Cuối cùng, việc áp chỉ tiêu tạo ra động lực cho nhân viên để đổi mới sáng tạo, tìm ra cách làm hiệu quả hơn.
Trung Phong khẳng định, các doanh nghiệp nên đề ra chỉ tiêu và xét KPI cho marketing.
7 năm làm việc nhưng không làm ở đâu quá 3 năm
Đọc hồ sơ và xem phần trình bày của ứng viên, CEO Dh Foods Nguyễn Trung Dũng đặt ra câu hỏi “Mỗi công ty em làm việc 1-2 năm, em có nghĩ mình nhảy việc hơi nhiều không"? Đối mặt với câu hỏi này, Trung Phong bày tỏ lập trường của mình rằng đó là điều khá bình thường.
Trong 7 năm làm việc, chàng trai 9x có 3 năm ở Lazada, tham gia chương trình ngắn hạn của Unilever nửa năm. Còn lại, Trung Phong gắn bó với Grab và công ty hiện tại gần 2 năm.
Trung Phong khẳng định: “Em suy nghĩ làm việc cũng như đá bóng. Cầu thủ ở đội bóng nhỏ đã phát huy hết khả năng vẫn chưa đạt được danh hiệu lớn hơn thì nên ra đi để chinh phục những mục tiêu xứng tầm".
Câu trả lời khiến sếp Nguyễn Trung Dũng phải gật gù công nhận.
Bên cạnh đó, sếp Lê Đức Thuấn còn đặt ra câu hỏi về lý do vì sao Trung Phong nhảy việc trong khi vị trí cũ có thể lên đến cấp Giám đốc vùng kinh doanh với mức lương trăm triệu đồng/tháng. Chàng trai đến từ Phú Thọ bộc bạch nguyên nhân là do điều kiện sức khỏe không cho phép. Anh đã phải dừng lại 2 tháng để nghỉ ngơi và quyết định rẽ hướng sang ngành khác.
CEO Dh Foods Nguyễn Trung Dũng. Ảnh: Cơ hội cho ai
Được 2 sếp lớn tranh giành và lựa chọn bất ngờ
Qua phần thể hiện và xử lý câu hỏi của Trung Phong, CEO Lưu Nga và Nguyễn Trung Dũng bày tỏ muốn mời ứng viên này về làm tại công ty của mình. Thậm chí khi MC Thành Trung chưa mời, cả 2 vị CEO đã bấm đèn xanh.
Để chiêu mộ nhân tài, sếp Dũng không ngần ngại hứa hẹn mức lương 38 triệu đồng. Không những vậy, ông còn đưa ra lời đề nghị thưởng bằng cổ phiếu nếu Trung Phong gắn bó với công ty một vài năm. CEO của DH Foods cũng không ngần ngại để ứng viên thu xếp thời gian, thuyết phục gia đình để chuyển nơi sinh sống từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy chỉ đưa ra mức lương 30 triệu đồng, song sếp Lưu Nga cũng hứa hẹn thu nhập của Trung Phong có thể cao hơn. Ngoài ra công ty còn có rất nhiều đãi ngộ hấp dẫn khác dành cho nhân viên.
Cuối cùng, Hà Trung Phong đã bỏ qua lời mời từ sếp Dũng để đầu quan cho CEO Lưu Nga.