CSGT phạt 'không có giấy tờ gốc' với ô tô thế chấp ngân hàng, luật sư nói "làm đúng luật"

Hoàng Đan |

Các luật sư cho rằng, việc CSGT xử phạt đối với ô tô không có giấy tờ gốc dù rằng giấy tờ trên đang thế chấp tại ngân hàng là đúng với các quy định của pháp luật hiện hành.

Gần 1,3 triệu ô tô đang thế chấp giấy tờ tại các ngân hàng

Thời gian qua, dư luận xôn xao việc cảnh sát giao thông xử phạt ô tô không có giấy tờ đăng ký xe bản chính, mặc dù chủ xe có xuất trình giấy đăng ký xe bản sao công chứng.

Nhiều chủ phương tiện cho biết, do vay trả góp nên bản chính của đăng ký xe đang thế chấp tại ngân hàng, vì thế việc xử phạt này khiến họ rất lo lắng.

Theo số liệu của Cục đăng ký giao dịch bảo đảm quốc gia (Bộ Tư pháp), hiện tại cả nước có gần 1,3 triệu phương tiện giao thông đang thế chấp giấy tờ tại các ngân hàng và những chủ phương tiện này có nguy cơ bị công an xử phạt vì lưu thông không có đăng ký xe bản chính.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Đức Long (Hà Nội) cho biết, theo Nghị định 163/2006 của Chính phủ, khi chủ phương tiện thế chấp tài sản, ngân hàng được phép giữ bản chính, chủ sở hữu cầm bản copy đăng ký xe để tham gia giao thông.

Tuy nhiên, nhằm tránh xung đột với Luật giao thông đường bộ năm 2008, qui định người điều khiển phải mang bản gốc đăng ký khi tham gia giao thông, Chính phủ đã ban hành Nghị định 11/2012 sửa đổi thay thế Nghị định 163/2006.

Trong đó, quy định không cho ngân hàng giữ bản chính đăng ký xe nữa và người chủ xe phải giữ bản chính để tham gia giao thông.

Luật sư Trương Thanh Đức (Hà Nội) cũng cho hay, theo quy định, những tài sản thế chấp ngân hàng thì người chủ sở hữu không được chuyển nhượng, không cầm cố... nhưng thực tế vấn đề này ở Việt Nam vô cùng rủi ro.

"Ngân hàng giữ giấy tờ gốc của dân là sai nhưng họ không thể "làm khác" được bởi ngay cả đất cát, người dân dù nợ ngân hàng, cắm sổ đỏ nhưng vẫn bán trao tay cho người khác được.

Đối với ô tô thì lại càng dễ để bán trao tay, lúc ấy biến thành nợ ngân hàng kiện cáo nhau. Sau vài năm, xe có thể đã hỏng nhưng vẫn chưa thu được vốn", luật sư Đức cho biết.

Chính vì vậy, theo vị luật sư này, dù thế nào thì ngân hàng vẫn sẽ giữ bản chính và hiện trên cả nước có khoảng 1,3 triệu xe ô tô đang là con nợ của các ngân hàng, đồng nghĩa với số xe này không có đăng ký bản chính bên mình.

"Việc xử phạt xe không có giấy đăng ký bản chính của công an là không sai, không trái luật. Tuy nhiên, vấn đề không phải lỗi của người dân, người sở hữu xe.

Không thể xử lý, xử phạt đại trà bởi nếu làm thế sẽ rối, do vậy, chắc chắn cần xử lý mềm dẻo bởi các ngân hàng hiện không đưa vấn đề cầm cố giấy tờ bản chính của xe trong hợp đồng cho vay với khách hàng.

Họ giữ bản gốc của người vay mua ô tô bằng kiểu thỏa thuận khách hàng làm đơn đề nghị ngân hàng giữ hộ bản chính vì sợ thất lạc", ông Đức nói thêm.

CSGT phạt không có giấy tờ gốc với ô tô thế chấp ngân hàng, luật sư nói làm đúng luật - Ảnh 1.

CSGT tiến hành xử phạt phương tiện vi phạm.

Luật sư Phạm Thanh Bình (Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc) cũng nhìn nhận, việc cảnh sát giao thông đang làm là đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, luật sư cho rằng CSGT khi xử lý phương tiện vi phạm cũng cần phải xem lại thời điểm, hiệu lực của hợp đồng đảm bảo, cầm cố tài sản.

"Nếu hợp đồng cầm cố, thế chấp được lập trước thời điểm quy định trên có hiệu lực thì chủ ô tô không bị xử phạt, những giao dịch phát sinh sau thời điểm văn bản hướng dẫn mới bị áp dụng", ông Bình nêu quan điểm.

Đang khẩn trương xem xét

Cũng trao đổi với PV, đại diện một ngân hàng cũng cho rằng, nếu khi cho vay mà ngân hàng không giữ giấy tờ bản gốc thì sẽ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu.

Vì vậy, ngân hàng đã có kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn này.

Trong trường hợp, nếu cơ quan công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không thay đổi quy định, thì cũng cần có giải pháp dung hòa.

Ví dụ như phía CSGT sẽ hỗ trợ ngân hàng bằng cách khi đến hạn mà khách hàng chây ỳ không trả nợ, ngân hàng sẽ thông báo đến cơ quan công an, khi thấy xe di chuyển trên đường, CSGT có thể hỗ trợ giữ phương tiện hoặc thông báo để ngân hàng xử lý.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa nhận, đây là vấn đề khá bất cập, cần sớm được tháo gỡ nên hiện đã giao Vụ Pháp chế khẩn trương xem xét để có văn bản gửi Bộ Công an và Bộ Tư pháp theo quan điểm tạm thời gỡ vướng, tạo điều kiện không xử phạt người dân, doanh nghiệp.

Đại diện Bộ Tư pháp cũng cho biết thêm, hiện đã nắm được thông tin, tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, người dân, doanh nghiệp nên Bộ sẽ có trao đổi lại và sẽ trả lời dư luận trong thời gian tới.

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, lái xe không mang đầy đủ các giấy tờ khi lưu thông sẽ bị phạt từ 80.000 đến 120.000 đồng (đối với người điều khiển xe môtô, gắn máy), phạt từ 200.000 đến 400.000 đồng (đối với người điều khiển ô tô).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại