Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an), được thành lập từ đầu năm 2020, nhằm trực tiếp huấn luyện, sử dụng ngựa để phòng chống tội phạm và chăm sóc, nhân giống, phát triển đàn ngựa. Đoàn hiện đóng tạm tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên - cách Hà Nội khoảng 90 km.
Theo lãnh đạo Đoàn CSCĐ Kỵ binh, thời điểm đầu hơn 100 con ngựa trưởng thành được đưa về từ 3 tuổi trở lên. Phần lớn là ngựa hoang có nguồn gốc từ nước ngoài. Đến nay, đàn ngựa sinh trưởng, phát triển bình thường, trọng lượng từ 250 – 400kg/con. Ngoài ra, 30 ngựa cái đã nhân giống sinh sản được 11 ngựa con (trong đó gồm 6 ngựa lực, 5 ngựa cái), nâng tổng số đàn ngựa lên 116 con.
Không phải con ngựa nào cũng có thể đóng móng dễ dàng. Thông thường việc đóng móng ngựa được đưa vào lồng cưỡng bức. Tuy nhiên, tại Trường đào tạo, cảnh sát cơ động huấn luyện ngựa, cảnh sát phải làm quen với việc có thể kiểm tra và đóng móng trong bất cứ địa hình, hoàn cảnh nào. Mỗi con ngựa được buộc dây vào ba chân cho đi lại trên thao trường, cảnh sát sẽ kiểm tra móng chân còn lại. Cứ như vậy, các chân khác được thay đổi luân phiên đến khi ngựa làm quen với việc kiểm tra móng không cần dây, không cần khung cưỡng bức. Có thời điểm 3-4 chiến sĩ phải 'đánh vật' với một con ngựa với nội dung này, thậm chí có lần cảnh sát bị ngựa đá, hất văng.
Mỗi chiến sĩ phụ trách một ngựa, hằng ngày ngoài việc tự tay cho ngựa ăn, uống, các cán bộ, chiến sĩ còn trò chuyện, vuốt ve để làm quen. Qua nhiều ngày kiên nhẫn, phần lớn cảnh sát cơ động đã thuần hóa được toàn bộ ngựa.
71 ngựa được tuyển chọn kỹ lưỡng, là những con khỏe mạnh trưởng thành, được huấn luyện đi tuần tra thành từng hàng, từng top. Sau khoảng 2 tháng huấn luyện, phần lớn ngựa đã nghe theo hiệu lệnh. Thượng úy Nguyễn Mạng Hùng, chỉ huy huấn luyện cho biết: "Có những lúc dù phát hiệu lệnh, nhiều con đi lệch hàng, chạy trước hoặc sau. Trải qua thời gian huấn luyện, đến nay 71 con hầu hết đã thuần thục các động tác, thậm chí nhiều bài nâng cao cũng nhuần nhuyễn".
Sau khi làm quen và thành thục các bài đi thành hàng, tuần tra, giải tán đám đông, bắt đầu CSCĐ Kỵ binh tập cho ngựa những bài nâng cao mang tính ứng dụng thực tế, như đổ người gắp vật, súng, gậy trong khi ngựa phi nước đại... Theo một chiến sĩ nghĩa vụ thuộc Đoàn CSCĐ Kỵ Binh thì động tác này đòi hỏi phải khéo léo, chính xác và nhanh nhạy, kết hợp toàn bộ cơ thể. Trong khi tay trái cầm cương, bờm và điều khiển, tay phải thao tác nhanh khi đổ nhào. Lúc mới học, cảnh sát liên tục bị ngã, không lấy được đồ vật. Sau khoảng hai tuần, ngựa đã quen với việc phối hợp, mọi việc thuận lợi hơn.
Bộ Tư lệnh CSCĐ nghiên cứu triển khai CSCĐ Kỵ binh tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự tại một số địa bàn trọng điểm, các sự kiện chính trị và thể thao quan trọng, cũng như phát triển về du lịch vào thời gian tới.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ Trưởng Bộ Công an
Các cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn để thực binh các tình huống này là những người thông thạo kỹ năng sử dụng súng kết hợp với khả năng cưỡi ngựa thuần thục.
Họ phải mất rất nhiều tháng huấn luyện, từ việc để ngựa làm quen với tiếng súng từ nhỏ đến to, từ xa đến gần, từ dưới đất rồi ngồi lưng ngựa.
Bộ Công an đã có chủ trương xây dựng doanh trại Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, với diện tích khoảng 50 ha và yêu cầu các đơn vị chuyên môn khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để doanh trại sớm đi vào hoạt động.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an yêu cầu Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động cần chủ động xây dựng, lựa chọn cán bộ, chiến sĩ đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu nhiệm vụ; chủ động tham mưu, phối hợp với các đơn vị, địa phương nghiên cứu đề xuất phương án, kế hoạch để triển khai lực lượng Cảnh sát cơ động Kỵ binh ra quân tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự tại một số địa bàn trọng điểm, các sự kiện chính trị thể thao quan trọng, cũng như phát triển về du lịch vào thời gian tới.