Sáng 21-9, Hội Điện Ảnh Việt Nam cùng các nghệ sĩ tổ chức buổi họp mặt báo chí liên quan đến vấn đề bức xúc tại Hãng phim truyện Việt Nam thời gian qua. Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, đạo diễn Hãng phim truyện Việt Nam, chủ trì cuộc họp.
Đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn gọi cuộc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam là "một cuộc cổ phần hoá nhục nhã và không minh bạch"
Đông đảo các nghệ sĩ đều cho rằng việc cổ phần hóa đã biến Hãng phim truyện Việt Nam thành cái chợ. Vivaso không hề có ý định phát triển ngành phim, mà chỉ tìm cách trục lợi, kinh doanh trên mảnh đất "vàng" của hãng.
Đạo diễn Quốc Tuấn khẳng định: "Chưa bao giờ có một cuộc cổ phần hoá nào lại nhục nhã và không minh bạch đến như vậy. Những bằng chứng hào hùng của biết bao nhiêu thế hệ cha anh đang bị phủ nhận hoàn toàn.
Một miếng đất 5.000 m2 thuê giá ưu đãi nhà nước, vị trí đắc địa, 7.000 m2 ở Cổ Loa, chưa kể đạo cụ, máy quay phim... mà định giá 19,7 tỉ đồng. Đó là điều nực cười, khiến bạn tôi là đại gia cũng phải bật cười, không bằng một căn biệt thự cao cấp"- đạo diễn Quốc Tuấn nói.
NSND Thanh Vân, nguyên Phó giám đốc Nghệ thuật, Hãng phim truyện Việt Nam, trình bày tâm thư với nội dung "Suy nghĩ về sự dối trá trong tiến trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam"
Trình bày tâm thư với nội dung "Suy nghĩ về sự dối trá trong tiến trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam", NSND Thanh Vân - nguyên Phó giám đốc Nghệ thuật, Hãng phim truyện Việt Nam - khẳng định các nghệ sĩ không phản đối cổ phần hoá, nhưng công cuộc cổ phần hoá này ngay từ đầu đã đầy dối trá.
Theo đạo diễn phim "Đời cát", Vivaso với chỉ 32,5 tỉ đồng đã chiếm 65% tổng giá trị doanh nghiệp, trở thành cổ đông chính, nhà cổ đông chiến lược sau khi Hãng trở thành Công ty cổ phần.
Trong khi đó, ước tính giá trị đất đai và lợi thế vị trí đất đai của Hãng Phim truyện Việt Nam theo giá trị trường khoảng 2.000 tỉ đồng, chưa kể giá trị thương hiệu với trên 400 bộ phim truyện có từ gần 60 năm thành lập.
Trong clip do các nghệ sĩ miền Nam gửi ra, NSND Trà Giang, NSND Thế Anh đều rơi nước mắt. NSƯT Minh Đức gọi cuộc cổ phần hóa này là "vắt chanh bỏ vỏ".
Các nghệ sĩ đều rơi lệ tại cuộc đối thoại
"Nội hàm của ngành lịch sử điện ảnh là vô cùng lớn lao. Lịch sử Việt Nam một phần có sự đóng góp lớn lao của các nghệ sĩ.
Đừng biến những công lao, xương máu thành những đồng tiền rẻ mạt. Không thể để hãng phim bị huỷ hoại được nên nhất định phải truy cứu trách nhiệm đến tận cùng thì mới giải quyết được"- NSND Thế Anh bày tỏ.
Trước đó, năm 2015, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành công ty cổ phần. Tới năm 2016, khi Bộ công bố Vivaso là đơn vị duy nhất đăng ký mua Hãng phim truyện Việt Nam và được chấp thuận trở thành cổ đông chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam, dư luận lại thêm lần nữa nổi sóng.
Ngày 29-12-2016, Bộ VH-TT-DL phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho Hãng phim truyện Việt Nam và đã chọn Vivaso là nhà đầu tư chiến lược. Công ty này đã thanh toán số tiền gần 32,5 tỉ đồng để mua 65% vốn điều lệ của Hãng phim truyện Việt Nam.
Sau 2 tháng chính thức cổ phần hóa (từ tháng 7-2017), nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) bắt đầu nổi sóng, phản ứng gay gắt với ban lãnh đạo mới của công ty cổ phần. Ngày 19-9, Hãng phim truyện Việt Nam đã tổ chức một cuộc gặp gỡ với cán bộ, nhân viên trong công ty và báo giới. Cuộc họp trở thành trận cãi vã vòng quanh.
Các nghệ sĩ đều cho rằng công ty cổ phần chưa thực hiện đúng cam kết về trả lương và quan trọng là chưa cho thấy đường hướng phát triển hãng phim.
Ông Nguyễn Thủy Nguyên (Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso) thừa nhận những sai sót trong quá trình điều hành doanh nghiệp dẫn tới tình trạng hiểu lầm, mất đoàn kết trong nội bộ hãng.
Sáng 20-9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thị sát Hãng phim truyện Việt Nam. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì một cuộc họp rút kinh nghiệm với ban chỉ đạo cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, ban lãnh đạo mới của Hãng.