Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 13.435.022 ca, trong đó có 580.059 người thiệt mạng.
Các nước cũng ghi nhận 7.828.910 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 59.371 và 5.023.427 ca đang điều trị tích cực.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (62.310 ca), Brazil (41.857 ca) và Ấn Độ (29,842 ca); trong khi Brazil đứng đầu về số ca tử vong (với 1.300 người chết), tiếp theo là Mỹ (877 ca) và Ấn Độ (588 ca).
Một quán bar đóng cửa do dịch COVID-19 tại Hollywood, bang California, Mỹ ngày 30/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ: Biên giới với Mexico và Canada đóng cửa đến giữa tháng 8
Mỹ đang cân nhắc gia hạn các hạn chế đối với việc đi lại không cần thiết qua biên giới nước này với Mexico và Canada, ít nhất là cho đến cuối tháng 8/2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp tại khu vực này.
Cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết quyết định tiếp tục đóng cửa biên giới với Mỹ ít nhất đến giữa tháng 8 sẽ được công bố trong những ngày tới. Mexico ngày 14/7 cũng lần thứ ba gia hạn các lệnh hạn chế qua lại biên giới với Mỹ thêm 30 ngày. Lệnh hạn chế này đã được áp dụng từ ngày 21/3.
Biên giới giữa Canada và Mỹ đã được đóng đối với hoạt động đi lại không thiết yếu kể từ tháng 3/2020 và hai nước đang tiến hành thảo luận về việc liệu có gia lệnh đóng cửa này sau ngày 21/7 hay không. Việc đóng cửa biên giới giữa Canada và Mỹ không ảnh hưởng đến hoạt động đi lại thiết yếu, chẳng hạn như vận chuyển thực phẩm/hàng hóa thiết yếu bằng đường sắt và xe tải. Các chuyến bay giữa hai nước vẫn tiếp tục được triển khai.
Trong khi đó, ngày 14/7 bang Texas ghi nhận 10.745 ca COVID-19 mới, một con số lây nhiễm kỷ lục tính theo ngày. Tới nay bang này có tổng cộng 275.058 ca bệnh và ít nhất 3.322 người đã tử vong. Bang Florida, với dân số 21 triệu, đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 hiện là 282.435 ca, vượt qua Italy, dân số 60 triệu. Tuy nhiên số ca tử vong ở bang này là 4.277, thấp hơn con số 34.954 của Italy.
Nhân viên y tế lấy điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Niteroi, Rio de Janeiro (Brazil) ngày 22/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Brazil vượt 1,9 triệu ca COVID-19
Bộ Y tế Brazil ngày 14/7 cho biết số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt qua mốc 1,9 triệu, sau khi bổ sung thêm 41.857 ca trong 24 giờ qua. Bộ này cũng thông báo có thêm 1.300 ca tử vong, nâng tổng số người chết do đại dịch lên 74.133 người.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người đã có kết quả dương tính với COVID-19 trong tuần trước, cho biết ông sẽ làm lại xét nghiệm trong ngày 14/7 (giờ địa phương) để xem virus có còn hoạt động trong cơ thể hay không.
Phun thuốc khử khuẩn ở Rio de Janeiro. Ảnh: AP
Anh: Kinh tế suy giảm mạnh nhất trong 300 năm
Kinh tế Anh đã sụt giảm gần 20% trong thời gian nước này thực hiện phong tỏa chống dịch bệnh COVID-19 và đang hướng tới mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 300 năm qua. Theo số liệu thống kê chính thức của Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS), công bố ngày 14/7, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh đã giảm 19,1% trong 3 tháng tính tới tháng 5 do các biện pháp cấm đi lại của chính phủ khiến mọi hoạt động kinh tế giảm sút. Cơ quan trên cho biết Anh đang ghi nhận mức suy giảm GDP lớn nhất trong vòng 300 năm qua, và dự đoán kinh tế có thể sẽ giảm tới 14,3% trong cả năm nay.
Anh là một trong số các quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19, với gần 45.000 người tử vong, trong tổng số hơn 290.000 người nhiễm bệnh. Hiện Anh đang trong giai đoạn cuối thực hiện các biện pháp cách ly chống dịch được áp đặt từ ngày 23/3.
Ô tô mới và hàng hóa được xếp tại cảng Southampton, Anh, ngày 8/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, chính phủ đã bác khả năng áp dụng quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại tất cả các địa điểm trong nhà và ngoài trời nếu quy định khoảng cách an toàn được đảm bảo.
Pháp bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả địa điểm công cộng
Ngày 14/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo rằng việc đeo khẩu trang sẽ là "bắt buộc tại tất cả địa điểm công cộng" từ ngày 1/8. Trả lời phỏng vấn nhân ngày Quốc khánh, Tổng thống Macron nhấn mạnh biện pháp này nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra đợt bùng phát mới của đại dịch COVID-19, đã khiến hơn 30.000 người Pháp thiệt mạng từ 1/3 vừa qua.
Theo Tổng thống Macron, việc đeo khẩu trang đã được thực hiện tốt trên các phương tiện giao thông công cộng, song "hơi thất thường ở những không gian công cộng khép kín". Ông cũng khuyến nghị người dân Pháp nên đeo khẩu trang "ở mức tối đa khi ra đường".
Người dân thăm quan Viện Bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp trong ngày mở cửa lại đầu tiên sau thời gian dịch COVID-19 bùng phát mạnh, ngày 6/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Australia siết chặt các hạn chế đi lại
Các bang của Australia đã quyết định siết chặt các hạn chế đi lại, sau khi số ca mắc bệnh mới tại bang Victoria - "điểm nóng" COVID-19 của Australia, tăng cao, bất chấp việc chính quyền bang này đã áp đặt trở lại biện pháp phong tỏa đối với gần 5 triệu người dân ở thủ phủ Melbourne.
Ngày 14/7, chính quyền bang Victoria của Australia đã công bố một kế hoạch ứng phó toàn diện nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19. Trong kế hoạch ứng phó, chính quyền bang Victoria sẽ huy động khu vực tư nhân, bao gồm các hãng hàng không, công ty viễn thông và ngân hàng, cũng như tiếp nhận bổ sung 1.000 binh sĩ quân đội liên bang, để đối phó với dịch bệnh. Trong khi đó, bang New South Wales (NSW), bang đông dân nhất ở Australia, cũng đang chật vật ứng phó với một ổ dịch mới được phát hiện ở vùng Casula, Tây Nam thành phố Sydney.
Tính đến 6h sáng 15/7, tổng số ca mắc COVID-19 ở Australia là 10.250 ca (tăng thêm 270 ca trong 24 giờ qua), trong đó có 108 ca tử vong.
Biển nhắc nhở người dân phòng dịch COVID-19 tại Sydney, Australia, ngày 19/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Tại châu Á, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong ngày 13/7, tất cả đều là các ca nhập cảnh trong khi không có thêm ca tử vong nào. Tính đến hết ngày 13/7, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 83.605 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.634 ca tử vong. 78.674 bệnh nhân đã được chữa khỏi và xuất viện.
Trong khi đó, Chính quyền Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) sẽ áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội mới từ nửa đêm 14/7. Cụ thể, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng; các nhà hàng sẽ không được phục vụ khách ăn tại nhà hàng mà chỉ được giao hàng cho khách đặt mang về sau 18h.
Người dân rời khỏi một cơ sở cách ly COVID-19 sau khi hoàn thành thời gian cách ly tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 11/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Hàn Quốc, trong ngày 14/7, nước này đã có thêm 33 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 13.512 ca. Số ca tử vong vẫn ở mức 289 ca, chiếm 2,14%. Giới chức y tế Hàn Quốc cho biết mặc dù các ca lây nhiễm theo cụm ở thành phố Seoul và các khu vực lân cận đã giảm trong những ngày gần đây, song điều đáng lo ngại là lây lan theo cụm đang gia tăng ở khu vực miền Trung và Tây Nam Hàn Quốc.
Nhật Bản truy vết 800 người sau khi phát hiện ổ lây nhiễm ở nhà hát tại Tokyo
Ngày 14/7, chính quyền thủ đô Tokyo kêu gọi hơn 800 người xét nghiệm virus SARS-CoV-2 sau khi nhà chức trách phát hiện 20 người trong số khán giả và diễn viên tham gia buổi trình diễn kịch "Werewolf" tại nhà hát Moliere, có sức chứa 190 người, ở quận Shinjuku, lây nhiễm COVID-19.
Trong bối cảnh số bệnh nhân COVID-19 tiếp tục tăng, chính quyền thủ đô Tokyo cho biết đang tập trung vào "ổ dịch" ở nhà hát Moliere, đồng thời kêu gọi toàn bộ các khán giả đã đến xem vở kịch này xét nghiệm COVID-19. Cơ quan y tế đã phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào ngày 6/7. Đây là một diễn viên tham gia vở kịch "Werewolf" trình diễn ở nhà hát Moliere trong 6 ngày đầu tháng này. Sau đó, có thêm 20 ca mắc COVID-19 có liên quan.
Nhà hát Moliere ở quận Shinjuku, thủ đô Tokyo, Nhật Bản đóng cửa sau khi phát hiện 20 khán giả nhiễm virus SARS-CoV-2, ngày 14/7/2020. Ảnh: EFE/TTXVN
Cùng ngày, giới chức Tokyo cho biết thành phố này đã ghi nhận thêm 143 ca mắc COVID-19. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 ở Tokyo dưới mức 200.
Hiện chính quyền Tokyo vẫn đang nỗ lực khống chế sự lây lan của dịch bệnh, các tuyến bay đi và đến thành phố này sẽ tiếp tục được mở thêm
Ấn Độ: Bangalore tái áp đặt phong toả
Thành phố Bangalore, trung tâm công nghệ của Ấn Độ tuyên bố tái áp đặt lệnh phong tỏa trong vòng 7 ngày, từ ngày 14/7 sau khi số ca nhiễm mới tại nước này tiếp tục tăng nhanh, sắp chạm ngưỡng 1 triệu người với khoảng 500 ca tử vong mỗi ngày. Theo đó, hoạt động đi lại sẽ bị cấm trừ những tình huống khẩn cấp và chỉ những cửa hàng bán các mặt hàng thiết yếu được phép mở cửa. Các công ty công nghệ liên quan đến hoạt động của các tập đoàn toàn cầu có thể được mở cửa nhưng chỉ 50% nhân viên được phép có mặt tại nơi làm việc.
Ngoài Bangalore, thành phố Pune ở miền Tây Ấn Độ, cũng áp đặt lệnh phong tỏa mới sau khi tổng số ca bệnh tăng lên 40.000 người và 23 ca tử vong. Các bang Uttar Pradesh, Tamil Nadu và Assam cũng ban hành những biện pháp hạn chế mới.
Sau khi áp đặt một trong những lệnh phong tỏa được coi là nghiêm ngặt nhất trên thế giới từ cuối tháng 3, Ấn Độ đã nới lỏng dần dần những biện pháp hạn chế nhằm giảm bớt tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới lại tiếp tục tăng lên hơn 900.000 người với hơn 24.000 ca tử vong do COVID-19 ghi nhận trong ngày 13/7.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Amritsar, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Campuchia, Bộ Y tế thông báo đã phát hiện thêm 9 ca nhiễm mới trong ngày 13/7, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 165 ca, trong đó 133 ca đã khỏi bệnh.
Tại Singapore, Bộ Y tế thông báo có thêm 322 ca nhiễm mới trong ngày 13/7, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 46.283 ca. Số ca tử vong tại Singapore hiện là 26 người.
Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết nước này và quốc gia láng giềng Singapore nhất trí sẽ áp dụng cơ chế "Làn đường xanh đối ứng" (Reciprocal Green Lane - RGL) và "Thỏa thuận đi lại định kỳ" (Periodic Commuting Arrangement - PCA) nhằm giải quyết nhu cầu đi lại vì mục đích kinh doanh thiết yếu và công vụ giữa hai nước. Những người đủ điều kiện qua lại biên giới theo RGL sẽ phải tuân thủ các quy định y tế phòng chống dịch phổ biến hiện nay được hai bên thống nhất.
Tài xế xe Jeepney kiểm tra thân nhiệt cho hành khách tại Manila, Philippines, ngày 3/7/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN
Tại Philippines, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 634 ca mắc COVID-19 và 6 người tử vong. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này là 57.545 ca, trong đó có 1.603 ca tử vong.
Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia thông báo đã ghi nhận thêm 1.591 ca mắc COVID-19 và 54 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 78.572 ca và 3.710 ca. Đáng chú ý, một "ổ dịch" lớn đã được phát hiện tại Đài Phát thanh quốc gia Indonesia (RRI), chi nhánh Surabaya, tỉnh Đông Java với 57 phóng viên có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 3 người tử vong.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bandung, Indonesia, ngày 11/7/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tại Thái Lan, chính phủ đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh tạm thời đối với các nhà ngoại giao nước ngoài và các đại diện kinh doanh đặc biệt, trong bối cảnh 2 người nước ngoài mắc COVID-19 nhập cảnh vào nước này có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
Tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 3.227 ca mắc COVID-19, trong đó có 58 ca tử vong.