"Giai đoạn giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 thực sự là một cú sốc lớn với chúng tôi. Cả một thời gian dài, doanh thu toàn chuỗi không nổi một đồng. Đó thực sự là khoảng thời gian rất khó khăn", đại diện Golden Gate Group, chủ chuỗi 400 nhà hàng Vuvuzela, Gogi House..., chia sẻ.
Ảnh minh họa. Nguồn: FB Vuvuzela
2020 đánh dấu năm tăng trưởng âm đầu tiên của ông chủ chuỗi nhà hàng lẩu nướng, bia tươi Golden Gate trong một thập niên gần nhất.
Mặc dù giữa năm 2020, ban lãnh đạo CTCP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate Group) trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận sau thuế giảm hơn một nửa so với năm 2019, còn 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu này Golden Gate vẫn không đạt được phân nửa.
“Giai đoạn giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 thực sự là một cú sốc lớn với chúng tôi. Cả một thời gian dài, doanh thu toàn chuỗi không nổi một đồng. Đó thực sự là khoảng thời gian rất khó khăn”, ông Hà Thúc Tú, Giám đốc điều hành chi nhánh miền Nam Công ty Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate Group), từng chia sẻ tại Hội nghị Thương Hiệu 2020 do Forbes Việt Nam tổ chức.
Báo cáo tài chính của doanh nghiệp sở hữu chuỗi 400 nhà hàng các thương hiệu Vuvuzela, Manwah, Gogi House... ghi nhận doanh thu thuần năm 2020 ở mức 4.559 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 65 tỷ đồng, giảm gần 5 lần so với năm 2019 và không đạt được 1/2 kế hoạch đặt ra.
Biên lợi nhuận gộp cũng giảm sút nhẹ so với cùng kỳ, nhưng vẫn ở mức cao là 60%.
Khó khăn của Golden Gate cho thấy sự khốc liệt của Covid lên ngành kinh doanh nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Dòng tiền đến từ hoạt động kinh doanh giảm sút khiến họ phải phải tìm cách hạn chế dòng tiền ra, cũng như tìm đến nguồn vốn vay như một cứu cánh.
Từ làn sóng COVID-19 thứ nhất, Golden Gate đã gặp phải tình trạng các ngân hàng từ chối cho vay thêm tiền. Mặt bằng của công ty chủ yếu đi thuê, không có nhiều bất động sản đảm bảo. Dù cho Chính phủ và các ngân hàng đã sớm đưa ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng việc tiếp cận nguồn tín dụng của Golden Gate vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong kinh doanh nhà hàng, nguồn vốn đặc biệt quan trọng để họ có thể duy trì hoạt động và thanh toán các khoản nợ.
Golden Gate còn là trường hợp kinh doanh tốt trên thị trường. Năm 2019, công ty này đạt doanh thu thuần 4.776 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 321 tỷ đồng, đều là mức kỷ lục trong lịch sử. Đây cũng là doanh nghiệp kinh doanh tốt nhất trong ngành kinh doanh nhà hàng, họ đã liên tục báo lãi tăng trưởng từ năm 2008.
Mỗi ngày phải chi 1,5 tỷ đồng tiền mặt bằng
Chi phí bán hàng (gồm nhân công, thuê mặt bằng, sửa chữa nhà hàng...) và chi phí quản lý doanh nghiệp tiếp tục ăn mòn vào phần lớn lợi nhuận. Cụ thể, chi phí bán hàng ở mức 2.317 tỷ đồng, tăng so với con số 2.218 tỷ đồng năm 2019. Chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) cũng tăng lần lượt 2% và 31% lên 310 tỷ đồng và 21 tỷ đồng.
Chi phí thuê cửa hàng tăng nhẹ so với năm 2019, lên gần 533 tỷ đồng. Tính trung bình mỗi ngày, Golden Gate phải chi trả gần 1,5 tỷ đồng tiền mặt bằng.
Cuối năm 2020, nợ phải trả của Golden Gate tăng từ 170 tỷ đồng lên 1.120 tỷ đồng. Tổng tài sản cũng tăng nhẹ lên gần 2.300 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hàng tồn kho và các khoản tiền trả trước dài hạn.
Đóng cửa 18 nhà hàng, mở mới 61 nhà hàng mới
Ban lãnh đạo cho biết, dịch bệnh khiến doanh thu sụt giảm nhanh từ cuối tháng 2 đến khi toàn hệ thống đóng cửa vào cuối tháng 3 và tháng 4 theo lệnh giãn cách xã hội. Công ty buộc cắt giảm chi phí, quản lý chặt dòng tiền, triển khai dịch vụ giao hàng tận nơi và lên kế hoạch đảm bảo việc mở cửa trở lại suôn sẻ.
Trong những tháng cuối năm, công ty đặt mục tiêu có thêm 61 nhà hàng mới và đóng cửa 18 nhà hàng hoạt động không hiệu quả.
Golden Gate được thành lập năm 2005 với mô hình kinh doanh đầu tiên là nhà hàng lẩu nấm thiên nhiên thương hiệu Ashima. Đến nay công ty có 21 thương hiệu như Vuvuzela, Gogi House, Kichi Kichi, Manwah... thông qua hệ thống hơn 400 nhà hàng khắp cả nước và hơn 4.000 nhân sự.