COVID-19 thay đổi bóng đá: Hết thời chuyển nhượng bom tấn?

TIỂU CƯỜNG (Nguồn: BBC) |

Bóng đá thế giới sẽ tái cơ cấu sau đại dịch COVID-19, bắt đầu từ thị trường chuyển nhượng.

Không có bóng đá, không có doanh thu bán vé, các hợp đồng thương mại bị ảnh hưởng và nếu mùa giải Ngoại Hạng Anh không thể hoàn thành, các CLB có thể nợ đối tác truyền hình tới 960 triệu Bảng.

Những tin đồn kiểu như Borussia Dortmund đặt giá Jadon Sancho 100 triệu Bảng, hay Harry Kane rời Tottenham với giá 200 triệu Bảng vẫn được nhắc đến. Tuy nhiên theo BBC, lãnh đạo của một CLB hàng đầu giải Ngoại Hạng Anh cũng phải giật mình khi nghe đến các con số đó.

Bóng đá sẽ phải thích nghi với thực tại mới và thị trường chuyển nhượng sẽ là một trong những thành phần chịu tác động nặng nhất từ đại dịch COVID-19.

COVID-19 thay đổi bóng đá: Hết thời chuyển nhượng bom tấn? - Ảnh 1.

Những tin đồn như Jadon Sancho về MU với giá 100 triệu Bảng Anh khó có thể thành sự thật.


Không còn những thương vụ kỷ lục?

Viện nghiên cứu bóng đá CIES dự đoán rằng giá trị các thương vụ chuyển nhượng của năm giải đấu hàng đầu châu Âu sẽ giảm 28%, tương đương khoảng 7 tỷ Bảng vì đại dịch COVID-19. Riêng đối với các đội bóng Anh, số tiền chi ra để mua sắm cầu thủ có thể sẽ giảm 20%, khi năng lực tài chính của họ không còn mạnh như trước.

Ưu thế trong các thương vụ chuyển nhượng từ đội bán sẽ chuyển sang đội mua.

"Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu thị trường chuyển nhượng tiếp tục vận hành như cũ", David Webb, Giám đốc bóng đá của CLB Huddersfield chia sẻ.

"Kể cả những CLB hùng mạnh cũng không thể cứ ra đó và trả những con số như vậy nữa. Điều này sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong việc chiêu mộ cầu thủ. Các đội bóng lớn cũng phải tính tới quỹ lương và không còn lũng đoạn thị trường thêm nữa".

Theo Giám đốc kỹ thuật Mike Rigg của Burnley, thị trường chuyển nhượng sẽ hoạt động theo xu hướng thận trọng hơn. Ông cho rằng việc các đội bóng phải nói không với mức giá mà bên bán đưa ra sẽ xảy ra nhiều hơn.

Ông Mike Rigg cũng đưa ra nhận định: "Nếu không biết làm thế nào để chiêu mộ cầu thủ, các đội bóng cũng không muốn để mất người dễ dàng như trước".

Thậm chí ngay cả khi một đội bóng có đủ năng lực tài chính để chi ra 50 triệu Bảng mua cầu thủ, họ cũng phải cân nhắc trên một góc độ khác.

Trong hoàn cảnh rất nhiều người thất nghiệp hoặc tạm thời mất việc, số người chết vì COVID-19 mỗi ngày vẫn lên tới hàng trăm, những thương vụ chuyển nhượng đắt giá như thường thấy ở giải Ngoại Hạng Anh có vẻ không phù hợp.

COVID-19 thay đổi bóng đá: Hết thời chuyển nhượng bom tấn? - Ảnh 2.

Các CLB có thể phải ưu tiên hơn cho việc giữ chân cầu thủ.


Adrian Bevington, cựu giám đốc truyền thông của Hiệp hội bóng đá Anh (FA) cho rằng các CLB cần thận trọng hơn trong những vấn đề liên quan đến hình ảnh, quan hệ công chúng.

"Tôi không nghĩ là việc các đội bóng chi nhiều tiền sau cơn khủng hoảng này là điều tốt. Tôi tin rằng bóng đá phải đảm bảo đi theo nhịp điệu của cả đất nước", ông nói.

"Những CLB như Manchester United, Manchester City rất giàu có, nhưng đặt cạnh những nhân viên y tế hưởng lương 20.000 Bảng mỗi năm thì sẽ trông như thế nào? Trả lương cao cho cầu thủ là đi ngược lại những gì đã xảy ra trên khắp thế giới", Giám đốc bóng đá CLB Huddesfield David Webb nhận định.

Những đội bóng như Huddesfield không ở trong tình trạng phải bán cầu thủ để có tiền hoạt động. Nhưng với những CLB có triển vọng tài chính mờ mịt đến mức phải ưu tiên bán cầu thủ thì sao?

Theo David Webb, các đội bóng mạnh bắt đầu hướng mục tiêu về những CLB khác trong tình trạng rất cần tiền. Các CLB Ngoại Hạng Anh sẽ không còn chịu cảnh mục tiêu chuyển nhượng bị đẩy giá quá cao.

"Họ biết ai cần tiền và có đủ khả năng để thao túng tình hình để làm lợi cho mình bằng việc nhắm đến cầu thủ tốt nhất của đội đó", vị giám đốc của CLB Huddersfield phân tích.

Định hình lại nền bóng đá

Tháng 8 năm ngoái, CLB Bury ở League Two (hạng tư) phải rút khỏi hệ thống thi đấu chuyên nghiệp. Hàng loạt CLB Championship (hạng hai) báo lỗ. Mark Palios, Chủ tịch CLB Tranmere, từng là giám đốc điều hành FA, cảnh báo rằng số đội bóng Anh rơi vào cảnh vỡ nợ có thể lên đến hàng chục.

Khi bóng đá có quá nhiều bất ổn, thay đổi là xu hướng tất yếu. Sự cấp thiết của việc tái cơ cấu về mặt tài chính trong bóng đá càng tăng lên nhờ đại dịch COVID-19.

COVID-19 thay đổi bóng đá: Hết thời chuyển nhượng bom tấn? - Ảnh 3.

Đại dịch COVID-19 tái cơ cấu bóng đá thế giới.


"Bóng đá, cũng giống như nhiều thành phần khác trong xã hội, có cơ hội để nhấn nút tạm dừng và tái khởi động", cựu giám đốc truyền thông FA Bevington bình luận.

"Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không tiếp tục làm việc theo cách trước đây nữa. Mức lương mà các cầu thủ nhận được đã tăng lên trong suốt 25 năm qua kể từ khi giải Ngoại Hạng Anh được thành lập, nhưng liệu con số đó có tiếp tục được giữ ở mức như những năm gần đây hay không? Có lẽ là không".

Ông Bevington cho rằng sự "tái khởi động" đã diễn ra từ mùa hè năm ngoái ở các giải hạng thấp. Những đội bóng ngoài giải Ngoại Hạng Anh bắt đầu giảm quỹ lương và ít thực hiện các thương vụ đắt giá. Đại dịch COVID-19 khiến xu hướng này trở thành bắt buộc.

"Điều đó không có nghĩa là sẽ không có những thương vụ bom tấn, nhưng chúng phải được thực hiện theo một cách nào đó mà các CLB không bị tổn hại", ông nói.

David Webb và Mike Rigg đồng tình rằng các CLB buộc phải sáng suốt hơn trong việc chiêu mộ cầu thủ. Truyền thông và cổ động viên có thể ảnh hưởng tới các thương vụ chuyển nhượng, nhưng lãnh đạo các đội bóng sẽ phải tính toán kỹ lưỡng hơn.

"Vấn đề là tạo ra sự cân bằng. Bóng đá không bị đổ vỡ, nhưng mô hình hoạt động cần được sắp xếp lại", David Webb kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại