Khi dịch Covid-19 lan rộng ra nước ngoài và đặc biệt nhấn chìm châu Âu, những nơi như Hồng Kông, Singapore và Đài Loan đã ngăn chặn thành công làn sóng đầu tiên từ Trung Quốc, giờ đây phải đối mặt với làn sóng thứ hai từ phương Tây.
Trong tuần vừa qua, các nước và vùng lãnh thổ vừa nêu đều chứng kiến các ca nhiễm mới đạt mức cao kỷ lục, chủ yếu do khách du lịch mang virus qua biên giới. Tình hình đó buộc chính phủ các nước phải tăng cường công nghệ giám sát để ngăn chặn sự lây nhiễm mới, cũng như thực hiện các lệnh cấm đi lại nghiêm ngặt và ở yên ở nhà.
Trên toàn cầu, Covid-19 khiến hơn 211.000 người bị nhiễm bệnh và cướp đi sinh mạng của 8.700 người, tâm dịch chuyển sang châu Âu và hiện đã vượt qua Trung Quốc về số ca nhiễm lẫn tử vong. Một số nước như Indonesia, Malaysia và Ấn Độ đang chứng kiến các trường hợp được báo cáo tăng đột biến và có thể những người nhiễm đã sinh hoạt bình thường trong cụm dân cư một khoảng thời gian dài trước khi phát hiện nhiễm dịch.
Singapore chứng kiến sự gia tăng ca nhiễm nhiều nhất trong một ngày vào hôm 18-3, với 47 trường hợp nhiễm Covid-19 và chủ yếu là khách du lịch Singapore trở về nước. Nước này còn ghi nhận thêm 32 ca nhiễm mới vào ngày 19-3, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 345 ca. Chính phủ Singapore kêu gọi người dân tạm hoãn các chuyến đi không cần thiết, cấm du khách từ 4 quốc gia châu Âu và ra lệnh cho khách du lịch từ Đông Nam Á và các quốc gia khác ở yên tại chỗ trong hai tuần.
Đối với những đối tượng cung cấp thông tin sai lệch và cản trở truy tìm nguồn gốc lây lan, chính phủ Singapore sẽ phạt họ 10.000 đô la Singapore (gần 7.000 USD) và bỏ tù trong vòng 6 tháng.
Các loại thuốc thảo dược truyền thống được cho là có thể ngăn virus corona chủng mới được bán tại chợ Beringharjo, một điểm thu hút khách du lịch phổ biến ở Yogyakarta, Indonesia. Ảnh: NEW YORK TIMES
Hồng Kông cũng có mức tăng hàng ngày nhiều nhất vào ngày 18-3, với 25 trường hợp nhiễm mới, chủ yếu là du khách và sinh viên trở về từ nước ngoài (đa phần từ châu Âu). Đài Loan, với tổng số 107 trường hợp nhiễm Covid-19, đã cấm cửa tất cả những người nước ngoài, trừ một vài trường hợp ngoại lệ. Những người không tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch của Hồng Kông cũng phải đối mặt với án tù và có thể bị phạt lên đến 25.000 đô la Hồng Kông (tương đương 3.221 USD).
Để ứng phó tình hình hiện tại, bắt đầu từ nửa đêm 19-3, chính quyền Hồng Kông sẽ gắn vòng tay điện tử lên tất cả hành khách nhập cảnh vào đặc khu này để giám sát y tế và việc cách ly trong 2 tuần. Tại Đài Loan, chính phủ đã tích hợp cơ sở dữ liệu của cơ quan bảo hiểm y tế, nhập cư và hải quan tạo ra dữ liệu theo dõi lịch sử du lịch và các triệu chứng lâm sàng của người dân. Đài Loan cũng thiết lập một nền tảng mua sắm trực tuyến để công dân có thể đặt mua đồ tạp hóa, còn có các ứng dụng kiểm tra xem tình hình còn khẩu trang hay không tại các hiệu thuốc ở gần.
Tuy nhiên, ông Ben Cowling, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hong Kong nhìn nhận, những biện pháp nêu trên chỉ là thành công tạm thời, chưa thực sự bền vững và khó duy trì nếu dịch bệnh kéo dài sang năm tới.
Nhóm nhân viên y tế tình nguyện rời Vũ Hán. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo có 39 ca mắc Covid-19 ở nước này trong ngày 19-3. Tất cả các bệnh nhân mới đều là những người từ các quốc gia khác nhập cảnh Trung Quốc, nhiều người trong số đó là công dân Trung Quốc trở về nước. Diễn biến này khiến giới chức y tế Trung Quốc lo lắng trước làn sóng lây nhiễm từ nước ngoài.
Trong số các ca bệnh mới, có 14 ca ở Quảng Đông, 8 ở Thượng Hải và 6 ở Bắc Kinh. TP Vũ Hán, Trung Quốc - nơi 2 tháng qua từng là tâm dịch Covid-19, báo cáo không có ca nhiễm mới trong ngày thứ 2 liên tiếp. Dấu mốc mới đánh đấu một bước ngoặt trong diễn tiến dịch bệnh đã lây nhiễm cho khoảng 81 triệu người Trung Quốc và tác động mạnh tới nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.