Covid-19: Châu Á lạc quan dè dặt

Cao Lực |

Trong khi châu Á đang đón nhận một số tín hiệu tích cực về cuộc chiến chống Covid-19, tình hình dịch bệnh tại châu Âu và Mỹ chưa có dấu hiệu suy giảm.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm 8-3 thông báo thêm 44 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra dịch Covid-19, giảm từ 99 ca của một ngày trước đó, lên tổng số 80.695 ca. Đây là số ca nhiễm mới trong một ngày thấp nhất tại Trung Quốc kể từ khi giới chức nước này bắt đầu công bố số liệu vào tháng 1.

Cùng giai đoạn, Trung Quốc ghi nhận thêm 27 ca tử vong - thấp nhất trong suốt hơn 1 tháng qua. Toàn bộ ca tử vong mới đều được ghi nhận tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi virus bùng phát, nâng tổng số ca tử vong trên toàn quốc lên 3.097 ca.

Theo Tân Hoa xã, một bệnh nhân 100 tuổi nhiễm Covid-19 nặng đã phục hồi và được phép xuất viện sau 13 ngày điều trị. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là bệnh nhân lớn tuổi nhất được chữa khỏi. Theo giới chức Trung Quốc, những tín hiệu tích cực nêu trên là một dấu hiệu cho thấy các phương pháp kiểm soát dịch bệnh của họ đã phát huy hiệu quả.

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) hôm 8-3 thông báo 367 ca nhiễm mới, lên tổng số 7.134 ca. Theo KCDC, đây là số ca nhiễm mới trong một ngày thấp nhất tại Hàn Quốc kể từ ngày 26-2 và cũng là lần đầu tiên kể từ ngày 29-2 nước này ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày dưới mốc 400. Hôm 8-3, cũng là ngày Hàn Quốc có tỉ lệ gia tăng ca nhiễm thấp nhất trong 10 ngày qua.

Dù vậy, Thị trưởng TP Daegu - nơi chiếm khoảng 75% tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Hàn Quốc, ông Kwon Young-jin, tỏ ra thận trọng khi khẳng định mặc dù số ca nhiễm mới tại quốc gia này có thể đang giảm, số liệu có thể biến động khi giới chức y tế nước này tiến hành thêm các cuộc xét nghiệm.

Theo hãng tin Yonhap, Hàn Quốc đã tiến hành một trong những chiến dịch xét nghiệm Covid-19 tham vọng nhất thế giới, với mục tiêu hàng ngàn người mỗi ngày. Tính đến thời điểm 8-3, giới chức y tế nước này đã xét nghiệm tổng cộng 181.384 người nghi nhiễm virus, với 162.008 người trong số này cho kết quả âm tính.

Trong khi châu Á đang đón nhận một số tín hiệu tích cực về cuộc chiến chống Covid-19, tình hình dịch bệnh tại châu Âu và Mỹ chưa có dấu hiệu suy giảm.

Tại Ý - một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19 bên ngoài Trung Quốc, Thủ tướng Giuseppe Conte rạng sáng 8-3 (giờ địa phương) đã ký sắc lệnh phong tỏa Lombardy và 14 tỉnh trong 4 vùng khác, trong đó có các TP Venice, Modena, Parma, Piacenza, Reggio Emilia và Rimini. Theo Reuters, lệnh hạn chế nghiêm ngặt chưa từng có nêu trên sẽ ảnh hưởng khoảng 16 triệu người và có hiệu lực đến ngày 3-4.

Thủ tướng Conte ký sắc lệnh này vài giờ sau khi Ý ghi nhận hơn 1.200 ca nhiễm mới trong 24 giờ, mức tăng kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này vào 2 tuần trước. Số người thiệt mạng vì Covid-19 tại Ý cũng đã tăng thêm 36 người, lên tổng số 233 người trong khi số bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt tăng lên 567 người, tăng thêm 23% so với ngày trước đó.

Trong khi đó, theo Reuters, Covid-19 đang lây lan bên trong Quốc hội Pháp. Văn phòng Chủ tịch Hạ viện Pháp Richard Ferrand trong một tuyên bố hôm 7-3 cho biết thành viên thứ hai của Quốc hội nước này đã nhập viện sau khi nhiễm virus và 5 nhà lập pháp khác đã được xét nghiệm. Cùng ngày, Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế Pháp Jerome Salomon thông báo tổng số ca nhiễm và tử vong vì virus tại quốc gia này lần lượt là 949 và 16 người, tăng thêm lần lượt 103 và 5 người sau 24 giờ.

Tại Mỹ, số người nhiễm Covid-19 cũng đã tăng thêm hơn 100 người, lên tổng cộng 447 người tính đến ngày 7-3, trong đó có 19 người thiệt mạng. Thống đốc New York Andrew Coumo đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi số người nhiễm virus tại bang này tăng lên hơn 76 người.

Dịch sẽ khó kết thúc trong năm nay?

Ông Yuen Kwok-yung, nhà vi sinh học hàng đầu của Trường ĐH Hồng Kông, hôm 8-3 khẳng định Covid-19 sẽ không kết thúc trong năm nay bởi virus đã lây lan ra toàn thế giới.

Theo ông Yuen, mặc dù tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông có thể sẽ khá hơn vào mùa hè, họ có thể phải đón nhận những ca lây nhiễm mới đến từ các nước ở Nam Bán Cầu vào mùa đông. "Ban đầu, những quốc gia khác lo sợ chúng tôi. Bây giờ, chúng tôi lo sợ rủi ro họ đưa virus trở lại" - ông Yuen chia sẻ.

Covid-19: Châu Á lạc quan dè dặt - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại