Người dân không còn đeo khẩu trang khi đi trên cầu London ở Anh hôm 6-7. Ảnh: REUTERS
Theo dữ liệu từ Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), bất chấp quá trình triển khai vắc-xin nhanh chóng cho phép người dân trở lại đời sống bình thường ở một số quốc gia như Anh và Mỹ, số ca mắc mới trên toàn cầu chỉ mất 82 ngày để tăng thêm 1 triệu, rút ngắn so với 92 ngày để tăng số ca tương tự trước đó. Theo hãng tin Bloomberg, con số thực tế có thể cao hơn nhiều do cách tính không nhất quán trên thế giới.
Trong 1 triệu ca tử vong mới vì Covid-19, Ấn Độ chiếm 26%, Brazil chiếm 18% trong khi con số này ở Mỹ, nơi đã sử dụng hơn 332 triệu liều vắc-xin, là 4%.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin là thách thức lớn nhất và khi vắc-xin chưa được phủ sóng rộng rãi thì tất cả người dân trên thế giới đều bị đe dọa.
Nhiều quốc gia trong những tháng gần đây chứng kiến số ca mắc tăng mạnh do biến thể Delta, nâng tổng ca mắc trên toàn cầu vượt mốc 185 triệu. Ông Dale Fisher, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Yong Loo Lin thuộc Trường Đại học Quốc gia Singapore, nói với đài CNBC rằng khả năng lây nhiễm cao có thể dẫn đến nguy cơ sản sinh biến thể mới lây nhanh hơn cả Delta.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước hết sức thận trọng trong việc dỡ bỏ các biện pháp y tế công cộng khi Covid-19 vẫn đang hoành hành ở những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp. WHO cho biết số ca mắc mới ở châu Âu đã tăng 33% trong tuần trước, khi nhiều người nghĩ rằng đại dịch đã qua nhờ tỉ lệ tiêm chủng cao.
Biến thể Delta là chủng trội ở Anh cũng đã "chiếm sóng" ở Mỹ, với số trường hợp mắc biến thể này chiếm 51,7% tổng số ca mắc mới trong 2 tuần, tính đến hôm 3-7.
Theo Reuters, kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế nước Anh vào ngày 19-7 của Thủ tướng Boris Johnson đang vấp phải sự phản đối của giới khoa học nước này. Ông Johnson đã có quyết định đánh cược sống chung với Covid-19 thay vì đóng cửa đất nước sau 4 tuần trì hoãn "ngày tự do".
Bà Anne Cori, nhà dịch tễ học của Trường Đại học Imperial (Anh), cho rằng còn quá sớm để tuyên bố nước Anh có thể sống chung với dịch bệnh, đồng thời đề xuất mũi tiêm tăng cường cho người trưởng thành và tiêm phòng ở trẻ em.
Sự bùng phát các ca mắc biến thể Delta tại Thái Lan cũng khiến nước này đối mặt nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu mở cửa toàn diện trở lại trong khoảng 100 ngày. Hôm 8-7, Thái Lan ghi nhận 75 người tử vong, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 2.462.
Các bệnh viện ở quốc gia Đông Nam Á này sắp hết giường điều trị cho những bệnh nhân nặng sau khi số ca mắc tăng gấp 10 lần so với đầu tháng 4. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha muốn tránh gây thêm thiệt hại kinh tế cho người dân và các ngành công nghiệp nên đang thúc đẩy sớm mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, TS Anan Jongkaewwattana, chuyên gia về virus học phân tử và là Giám đốc đơn vị nghiên cứu tại Trung tâm Quốc gia về kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học, nhận định biện pháp duy nhất lúc này là phong tỏa nghiêm ngặt.
Bang New South Wales của Úc hôm 8-7 chứng kiến số ca mắc mới trong ngày tăng kỷ lục với 38 ca do ảnh hưởng của biến thể Delta dù đã trải qua 2 tuần phong tỏa nghiêm ngặt ở Sydney, khiến giới chức trách có khả năng gia hạn biện pháp phòng dịch.
Tương tự, tại Hàn Quốc, số ca mắc mới trong ngày cao kỷ lục khiến chính phủ cân nhắc áp đặt một phần lệnh phong tỏa ở thủ đô Seoul - tâm điểm của làn sóng dịch mới.
Nghiêm trọng hơn, các bệnh viện trên đảo Java - Indonesia đang cạn kiệt nguồn ôxy, thuốc men, giường bệnh và nhân viên y tế khi số ca mắc Covid-19 mới tăng mạnh, đẩy hệ thống y tế nước này vào khủng hoảng.