Covid-19: Bi kịch của quán quân vắc-xin Romania

Phạm Nghĩa |

Là một trong những quốc gia thực hiện chiến dịch tiêm phòng vắc-xin Covid-19 đầu tiên nhưng Romania đang có tỉ lệ tử vong vì căn bệnh này cao nhất thế giới.

Nhân viên cứu trợ y tế tự khử khuẩn sau khi tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 ở Romania. Ảnh: Spiegel

Nhân viên cứu trợ y tế tự khử khuẩn sau khi tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 ở Romania. Ảnh: Spiegel

Thống kê từ báo Spiegel (Đức) cho thấy 65% dân số Romania chưa được tiêm vắc-xin Covid-19 tính đến ngày 11-11.

Tới bệnh viện quá muộn

Đầu năm 2021, Romania vẫn kiểm soát tốt dịch Covid-19. Khi vắc-xin Covid-19 đầu tiên được tung ra thị trường, nước này nhanh chóng triển khai chiến dịch tiêm chủng. Trong vòng vài tuần, Romania tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân nhanh hơn hầu hết quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác. Nước này cũng thực hiện tiêm chủng cho người vô gia cư trong khi Đức vẫn còn tranh cãi về việc ưu tiên tiêm cho các nhóm tuổi khác nhau.

Tuy nhiên, kể từ mùa thu này, Romania trải qua làn sóng Covid-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay, dẫn đến Ba Lan, Hungary và những nước khác phải tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 từ Romania. Vào đầu tháng 11, cứ mỗi 3 phút lại có 1 người chết vì Covid-19 ở Romania. Đây là tỉ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới.

Covid-19:  Bi kịch của quán quân vắc-xin Romania - Ảnh 1.

Nhân viên y tế đến nhà của một bệnh nhân Covid-19 ở Romania. Ảnh: Spiegel

Tình hình dịch Covid-19 cũng xấu đi ở các nước Đông Âu khác như Bulgaria, Latvia and Lithuania. Ở những quốc gia này, chỉ có gần một nửa dân số được tiêm vắc-xin Covid-19 và số ca tử vong đang tăng lên đáng kể.

Bà Genoveva Cadar, 56 tuổi, quản lý "vùng đỏ" tại Marius Nasta, một bệnh viện phổi ở thủ đô Bucharest, nói rằng bà chưa thấy cuộc khủng hoảng nào tồi tệ như thế này. Đơn vị điều trị Covid-19 nơi bà Cadar làm việc có hơn 100 bệnh nhân, 15 người trong số họ được chăm sóc đặc biệt.

Tại bệnh viện Marius Nasta, trên lối vào ghi dòng chữ: "Chúng ta hít thở cùng nhau". Bệnh viện của bà Cadar thậm chí còn đặt các giường chăm sóc chuyên sâu bổ sung trong một chiếc xe tải lớn màu đỏ vì không đủ chỗ. Tám người được kết nối với ống thở trong chiếc xe không cửa sổ.

Theo bà Cadar, hầu hết bệnh nhân Covid-19 tại Marius Nasta đến bệnh viện quá muộn. "Họ không tin tưởng bất cứ ai, thậm chí không tin tưởng lẫn nhau... Chúng tôi cũng sợ hỏa hoạn" - bà Cadar chia sẻ, đề cập tới số lượng lớn oxy được lưu trữ làm tăng nguy cơ hỏa hoạn nếu chập điện. Trong những tháng gần đây, hơn 20 người đã thiệt mạng trong các vụ hỏa hoạn ở các đơn vị chăm sóc đặc biệt của Romania.

Trên thực tế, tỉ lệ tiêm chủng Covid-19 rất thấp ở Romania cho thấy sự hoài nghi của người dân, cộng thêm hệ thống chăm sóc sức khoẻ yếu và tin giả về tiêm phòng Covid-19 làm cho cuộc khủng hoảng càng trầm trọng.

Romania dành chưa đến 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, thấp nhất ở EU. Nhiều bệnh viện cần được cải tạo và nhân viên y tế bị thiếu hụt.

Khát nhân viên y tế

Bà Cadar cho biết đơn vị điều trị Covid-19 của mình cần thêm gấp 3 lần số nhân viên y tế hiện tại. Kể từ khi gia nhập EU, hàng ngàn bác sĩ Romania đã sang các quốc gia khác vì thu nhập cao hơn. Hiện có khoảng 5.000 bác sĩ Romania đang làm việc tại Đức. Số lượng sinh viên y khoa đang tăng lên để giúp lấp đầy khoảng trống tại các bệnh viện và trung tâm tiêm chủng.

Covid-19:  Bi kịch của quán quân vắc-xin Romania - Ảnh 3.

Nhân viên y tế đến nhà của một người đàn ông họ Florescu, 86 tuổi, bị mắc Covid-19. Ảnh: Spiegel

Cựu Bộ trưởng Y tế Vlad Voiculescu thừa nhận Romania đang trải qua một "thảm họa nhân đạo". Ông đổ lỗi cho Tổng thống Klaus Iohannis và Thủ tướng Florin Cîțu về thảm kịch Covid-19. "Họ muốn trở thành quán quân nới lỏng các biện pháp hạn chế Covid-19" - ông Voiculescu chỉ trích.

Vào tháng 5 năm nay, Romania nới lỏng các quy định phòng dịch liên quan đến Covid-19, cùng thời điểm tỉ lệ tiêm chủng bị giảm. Thậm chí vào mùa hè này, Romania tuyên bố dịch Covid-19 "đã bị đánh bại".

"Nếu các quốc gia như Đức vẫn tiếp tục áp đặt các biện pháp kiểm soát Covid-19, ai có thể tin rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe kém của chúng ta có thể làm được điều đó mà không thực hiện bất kỳ biện pháp nào?" - ông Voiculescu tự hỏi.

Chính phủ Romania đã tái áp dụng lại các hạn chế Covid-19 vào cuối tháng 10 vừa qua như cấm tụ tập đông người, bắt buộc trình "thẻ xanh" (đã tiêm chủng, xét nghiệm hoặc khỏi bệnh) khi tới cửa hàng, toà nhà chính phủ... Những người không đủ điều kiện phải ở nhà từ 22 giờ đến 5 giờ ngày hôm sau.

Gặp khó trong tiêm chủng

Thủ tướng Cîțu gần đây tới thăm 2 trung tâm tiêm chủng cùng với một bác sĩ quân y và truyền thông đi kèm để thúc đẩy việc tiêm phòng Covid-19.

Tuy nhiên, chuyên gia y tế Romania Vlad Mixich cho rằng điều này khó mang lại hiệu quả, thậm chí là một "sai lầm lớn". Theo ông Mixich, lẽ ra nên mời các ngôi sao quốc tế như tay vợt tennis Simona Halep lên tiếng ủng hộ chương trình tiêm chủng, làm thế có hiệu quả hơn bất kỳ chính trị gia nào.

Covid-19:  Bi kịch của quán quân vắc-xin Romania - Ảnh 5.

Hầu hết bệnh nhân Covid-19 ở Romania không tin tưởng tiêm chủng trước khi nhập viện. Ảnh: Spiegel

Nhiều người Romania tin rằng các chính phủ phát triển virus trong phòng thí nghiệm để hạn chế tự do của người dân. Suy nghĩ đó được thúc đẩy bởi các thuyết âm mưu phổ biến trên mạng xã hội và các kênh truyền hình lớn.

Thêm vào đó là tâm lý hoài nghi vắc-xin. Thậm chí, một số thành viên của quốc hội Romania như chính trị gia cánh hữu Diana Șoșoacă còn lên tiếng phản đối tiêm vắc-xin Covid-19 vì "làm cho người dân vô sinh".

Bác sĩ Cadar tin rằng chính những thông tin trên khiến người dân không chịu tiêm vắc-xin cũng như lý giải vì sao họ tới bệnh viện quá trễ dù đã mắc bệnh. Bà Cadar phàn nàn rằng chính phủ Romania đầu tư cho giáo dục quá ít trong những năm qua khiến nhiều người dân gặp khúc mắc về các vấn đề sức khoẻ. Hầu hết bệnh nhân tới chỗ của bà Cadar điều trị đều bày tỏ sự hối tiếc vì không tiêm vắc-xin Covid-19 trước đó.

Theo bà Cadar, cùng với việc đẩy mạnh tiêm chủng và thắt chặt phong tỏa, tình hình ở Romania may ra sẽ khá lên vào tháng 12 tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại