Copa America: Có một "vũng lầy" mang tên Messi!

Đặng Xá |

Đội tuyển Argentina đã thua trận mở màn Copa America 2019 theo cách bạc nhược và bất lực thường thấy. Và Messi, anh tiếp tục mất hút!

1. Cách đây hơn chừng 6 năm, cây bút Hernan Casiari từng gây sóng dư luận về một bài viết so sánh Messi với con chó. Dĩ nhiên, trên tư cách một người Argentina sinh sống tại Barcelona, Casiari không mảy may một chút ý đồ miệt thị thần tượng.

Đơn giản, bài viết ấy so sánh về sự tương đồng giữa Messi và một chú chó. Nếu chú chó say mê miếng bọt biển thì trái bóng là mục tiêu mãi mãi của Messi. Messi chơi bóng với tất cả sự thèm khát và say mê tột độ. Khi ngã xuống, anh sẽ đứng dấy, mắt dính chặt trái bóng và không quan tâm tới những luật lệ hay ràng buộc chiến thuật.

Với niềm đam mê cháy bỏng và tài năng thiên phú, Messi đi vào lịch sử bóng đá thế giới với tư cách là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất. Từ khi bài viết của Casiari xuất hiện, Messi đã đứng trên đỉnh thế giới với những màn trình diễn siêu việt. Đến bây giờ vẫn vậy, La Pulga vẫn khiến người xem trầm trồ mỗi khi chạm bóng.

Copa America: Có một vũng lầy mang tên Messi! - Ảnh 1.

Cây bút Hernan Casiari từng so sánh Messi với một chú cún

Sự khác biệt duy nhất nằm trên đôi môi. Messi không còn cười nhiều như trước. Gương mặt anh khắc khổ và trở nên nhàu nhĩ hơn vì thời gian thì ít và bởi những va đập cuộc đời thì nhiều. Những va đập ấy là những thất bại liên tiếp cùng Barcelona và đặc biệt là ĐT Argentina, để rồi kéo theo sau là sức ép khủng khiếp từ dư luận.

Cái cúi đầu tại Brazil 2014, giọt nước mắt ở Mỹ 2016, hành động bóp thái dương tại Nga 2018, tất cả biểu hiện cho một Messi bất lực trước số phận, nếu nói theo trường phái duy tâm và bất lực trước dòng thác thời đại, nếu nói theo trường phái duy vật.

2. Thất bại của Messi tại ĐT Argentina là điều được dự báo trước, bởi lẽ chất lượng đội hình của La Albiceleste rất tệ. Các vị trí, đặc biệt là hàng phòng ngự, không già nua thì cũng trình độ thấp, thế nên Messi là lý do duy nhất khiến Argentina được xếp vào hàng ứng viên vô địch các giải đấu lớn gần đây.

Tất nhiên, bóng đá là môn thể thao tập thể, Messi đâu thể một mình chống lại Chile máu lửa và kỷ luật, và càng không thể so tài với Pogba, Mbappe, Griezmann kết hợp cùng nhau tại ĐT Pháp. Tuy nhiên, thất bại của Messi tại Barca trong những năm qua cũng là điều đáng bàn. Sau thế hệ Xavi, Iniesta, Barca cũng đi theo lối mòn phụ thuộc quá nhiều vào Messi.

Kết quả là 6 năm qua, đội bóng xứ Catalonia chỉ một lần vô địch Champions League và đỉnh điểm thất vọng chính là thảm bại 0-4 tại Anfield mùa giải vừa qua. Từ những chiến bại ấy, điều có thể nhận ra là Messi vô tình rơi tõm vào chính hố đen thiên tài của chính bản thân, hoặc đúng hơn là Barca hay Argentina đã đẩy anh xuống đó.

Nghe có vẻ kỳ quặc nhưng trước hết, hãy trở lại vấn đề đã được cây bút Casiari đề cập một cách rất xác đáng là Messi chơi bóng vì đam mê và không quan tâm tới những luật lệ hay ràng buộc chiến thuật. Thậm chí Casiari cho rằng Messi chơi bóng như ở 100 năm trước, khi người ta còn chưa nghĩ ra thẻ phạt. Bi kịch nằm ở chỗ đó.

Copa America: Có một vũng lầy mang tên Messi! - Ảnh 2.

Messi bất lực trước Colombia

Trong sự vận động và phát triển của bóng đá, luật lệ và chiến thuật là hai thứ tiến xa nhất. Bởi lẽ, bóng đá là môn thể thao tập thể, luật lệ dùng để bó buộc cá nhân còn chiến thuật phát huy tập thế. Bởi vậy, vai trò của các HLV ngày càng quan trọng. Liverpool đăng quang Champions League dấu ấn lớn nhất thuộc về Juergen Klopp chứ không phải bất kỳ ngôi sao nào khác.

Pochettino là linh hồn của Tottenham, Simeone là biểu tượng của Atletico hay Pep Guardiola là kiến trúc sư trưởng của Man City là những dẫn chứng cụ thể khác.

Hoặc lấy ngay cú ngược dòng của Liverpool trước Barca để thấy tầm quan trọng của tập thể. Ở trận này, Klopp không có cả Salah lẫn Firmino, tác giả 4 bàn thắng là Origi và Wijnaldum và sự khác biệt lớn nhất nằm ở khả năng pressing tuyệt hay của Liverpool.

3. Tựu chung, với tập thể, dù bất kỳ lối chơi nào thì các đội bóng đều có được sự thiên biến vạn hóa khôn lường, điều các đội bóng sở hữu Messi không có được. Vì Messi quá xuất sắc, quá vượt trội, từ Barca đến Argentina đều phụ thuộc vào anh. Mọi đợt lên bóng đều phải qua chân Messi, thậm chí phải qua chân Messi.

Thế nên, những đối thủ của Barca hay Argentina cứ phong tỏa được Messi là xem như cầm chắc không thua, nhiệm vụ còn lại là ghi bàn để chiến thắng. Liverpool tại bán kết hay Colombia tại trận đấu sáng nay đều áp dụng chung công thức đó và giành chiến thắng một cách thuyết phục.

Tuy nhiên, lật ngược vấn đề, phong tỏa Messi dễ hay khó? Với tài nghệ siêu quần của siêu sao này, câu trả lời đương nhiên là khó. Không khó sao được khi hàng thủ trứ danh với Alisson và Van Dijk của Liverpool tại Nou Camp vẫn để Messi và đồng đội nã cho 3 bàn. Dù vậy, vấn đề của Messi là anh không mang trong mình phẩm chất thủ lĩnh.

Copa America: Có một vũng lầy mang tên Messi! - Ảnh 3.

Argentina quá dễ bị tổn thương

Ở những trận đấu khó khăn, thường Messi sẽ chơi dưới sức chứ hiếm khi bùng nổ kiểu tiền bối Maradona hay kỳ phùng địch thủ Ronaldo.

Messi như một chú chó, hiền lành và mực thước, chỉ say mê vào trò chơi mà thiếu đi cái uy vũ lẫn cái thủ đoạn của sát thủ săn mồi đích thực. Hãy nhìn cách Messi xử lý bóng, luôn an toàn, luôn tròn trịa, hiếm khi tinh ranh và chẳng bao giờ táo bạo, kể cả khi đội nhà rơi vào thế đường cùng.

Bên cạnh đó, việc đánh bại đội bóng có Messi luôn tạo ra động lực lớn cho các đối thủ. Thế nên, từ Barca cho đến Argentina luôn phải đương đầu những đội bóng chơi trên khả năng chứ hiếm khi gặp đối thủ chưa đá đã co rúm ró. Vì vậy, Barca lẫn Argentina cứ trượt dài trong vũng lầy Messi, trượt dài trong ngao ngán không dứt cơn ê chề.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại