Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh năm 2022 đã chứng kiến những kỷ lục về nhiệt độ bị phá vỡ cùng những trận lụt lịch sử. Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan có liên quan mật thiết với biến đổi khí hậu và đòi hỏi hành động quyết liệt trước khi quá muộn.
Pakistan đã trải qua đợt mưa lũ lịch sử kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 năm nay. 1/3 diện tích quốc gia này chìm trong nước, hơn 33 triệu người dân Pakistan bị ảnh hưởng, ước tính phải mất từ 18 tháng tới 2 năm để khắc phục hậu quả. Mưa lũ với cường độ mạnh và kéo dài đang ngày càng trở nên phổ biến khi Trái đất tiếp tục nóng lên.
Theo Tiến sĩ Helen Griffiths - Nhà nghiên cứu về hiểm họa thiên nhiên, Đại học Reading, Anh: "Chúng tôi chắc chắn rằng những điều này đang được thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu, chỉ cần nhìn vào những cơn mưa mùa. Khi Trái đất ấm hơn, nghĩa là bầu khí quyển ấm hơn, chúng ta có lượng nước bốc hơi lớn hơn từ đại dương. Bầu không khí ấm hơn cũng có thể chứa nhiều mưa hơn, giữ được nhiều nước hơn. Vậy là chúng ta vừa có nhiều nước hơn đi vào khí quyển, và lượng nước được khí quyển giữ lại cũng lớn hơn".
Mùa hè vừa qua, châu Âu cũng trải qua nắng nóng kỷ lục, đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù nắng nóng đã trở nên thường xuyên hơn ngay cả trước thời tiền công nghiệp, nhưng năm nay vẫn là một cú sốc với Lục địa già.
Tiến sĩ Vikki Thompson - Nhà nghiên cứu về khí hậu, Đại học Bristol, Anh: "Có những mùa hè nắng nóng, có những mùa hè khác thì khô hạn. Mùa hè này, chúng tôi ghi nhận mức nhiệt kỷ lục ở Anh, trên khắp nước Pháp, miền bắc nước Đức và Đan Mạch. Chúng tôi cũng chứng kiến mực nước sông thấp kỷ lục trên khắp châu Âu, sự kết hợp này là khá bất thường".
Nhiệt độ cao hơn và điều kiện khí hậu khô hơn do tác động của biến đổi khí hậu đã làm gia tăng các đám cháy rừng ở phía Tây nước Mỹ. Cháy rừng đã tàn phá nhiều khu vực ở California, đây cũng là nơi trải qua nhiều vụ cháy rừng có sức phá hủy khủng khiếp nhất trong lịch sử.
Tiến sĩ Laurence Wainwright - Trường Doanh nghiệp và Môi trường Smith, Đại học Oxford: "Câu hỏi phải đặt ra là liệu một số khu vực còn có thể là nơi con người sinh sống được trong 50 hay 100 năm nữa hay không. Bởi vì tôi đã từng sống ở California và tôi không nghĩ rằng, nơi đây sẽ là một nơi cư trú bền vững trong 75 hay 100 năm kể từ bây giờ".
Theo ước tính mới nhất từ các nhà khoa học Mỹ, nếu không có hành động quy mô toàn cầu để giảm lượng khí thải, nhiệt độ toàn cầu đang trên đà tăng thêm 2,5 đến 4,5 độ C vào năm 2100. Khi ấy, chắc chắn sẽ là quá muộn để ngăn chặn những tác động to lớn của biến đổi khí hậu đối với hành tinh của chúng ta và toàn bộ sinh vật trên Trái đất này.
Ấn Độ - quốc gia có lượng phát thải carbon đứng thứ ba thế giới đang nỗ lực triển khai các dự án năng lượng xanh.
Một ngôi làng tại tỉnh miền Tây Gujarat đã trở thành ngôi làng đầu tiên ở Ấn Độ sử dụng điện mặt trời suốt ngày đêm. Dự án này bước đầu đã đem lại những lợi ích cả về kinh tế và môi trường.
Ông Kesa Bhai Prajapati đang nặn những sản phẩm gốm từ đất sét trên chiếc bàn xoay chạy bằng điện. Chỉ vài tháng trước, ông vẫn còn phải dùng bàn xoay bằng tay để tránh phải trả những hóa đơn tiền điện hàng tháng lên tới 1.500 Rupee (khoảng 450.000 VNĐ). Giờ đây, ông đã yên tâm sử dụng điện được chính quyền cung cấp khi làng của ông trở thành ngôi làng đầu tiên ở Ấn Độ hoạt động suốt ngày đêm bằng năng lượng mặt trời.
Ông Kesa Bhai Prajapati - Thợ làm gốm cho biết: "Chúng tôi sản xuất được nhiều hơn với ít thời gian hơn. Trước đây làm bằng bàn xoay tay rất vất vả, nhưng giờ có điện mặt trời, chúng tôi tiết kiệm được thời gian và năng suất cao hơn".
Dự án được triển khai tại làng Modhera do chính quyền tỉnh và bang Gujarat đầu tư với trị giá gần 10 triệu USD. 1.300 tấm pin mặt trời được lắp trên các mái nhà và nóc tòa nhà, nếu mỗi hộ không sử dụng hết 1 KW tối thiểu thì mỗi đơn vị điện dư thừa chính quyền sẽ mua lại với giá 2,25 Rupee. Những cư dân của ngôi làng trước đây vẫn nấu nướng bằng bếp củi vốn gây ô nhiễm không khí thì nay có thể dùng tiền bán điện để chuyển sang bếp điện hoặc bếp gas.
Anh Praveen Bhai - Người dân làng Modhera, bang Gujarat, Ấn Độ chia sẻ: "Giờ thì chúng tôi không phải nấu bằng bếp lò nữa, chúng tôi sẽ nấu nướng bằng bếp gas. Trước đây tôi phải dạy các con học nhờ đèn đường, giờ thì các cháu có thể ngồi học trong nhà".
Ấn Độ đặt mục tiêu vào năm 2030 sẽ đáp ứng một nửa nhu cầu năng lượng từ các nguồn tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và gió. Mục tiêu 50% này đã được điều chỉnh tăng so với mục tiêu trước đó là 40%, mốc mà Chính phủ Ấn Độ cho biết đã đạt được vào tháng 12 năm ngoái.
Nếu như thành công của Hội nghị COP26 năm 2021 là đã đạt được những thỏa thuận quan trọng nhằm tăng cường hành động và tài trợ cho biến đổi khí hậu. Thì trên cơ sở đó, mục tiêu quan trọng tại Hội nghị COP27 lần này và các hội nghị về khí hậu kế tiếp sẽ là làm sao thúc đẩy việc hiện thực hóa những cam kết dựa trên tình hình của các quốc gia. Các cuộc đàm phán sắp tới tại Ai Cập đóng vai trò quan trọng để đảm bảo mục tiêu của Thỏa thuận Paris là hạn chế nhiệt độ nóng lên trong phạm vi 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.