Môt trận đấu đông nghẹt người của ConIFA World Cup
Với quyết tâm đưa bóng đá đến với mọi người, giúp tất cả tiến lại gần nhau hơn thông qua thể thao, Viva World Cup đã ra đời vào năm 2006. Nhưng vì nhiều lý do khách quan, nó chỉ được tồn tại tới 2012 trước khi nhường sân khấu cho ConIFA World Football Cup . Xét về bản chất, hai giải đấu này đều dành cho “những kẻ không được thừa nhận”.
Nhưng ConIFA World Cup ít đem đến tranh cãi hơn vì nó ít chịu sự tác động bởi chính trị. Do vậy, giải đấu này đã được tổ chức theo đúng chu kỳ 2 năm/lần. Năm 2014 là kỳ đầu tiên, được diễn ra tại Ostersund, Thụy Điển. Giải đấu này bắt đầu từ ngày 1 đến 8/6. Tất cả các trận đấu được tổ chức tại sân Jamtkraft Arena với sức chứa vẻn vẹn 5.092 người.
Sở dĩ một giải đấu không quốc tịch như ConIFA World Cup lại diễn ra ở một vùng đất được thừa nhận như Thụy Điển là bởi tộc người Sapmi đứng ra đăng cai. Đây là dân tộc gồm 2 triệu người sống rải rác bốn quốc gia Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Nga, và rất nhiều trong số đó không được thừa nhận. Ví dụ, 25% số người tộc Sapmi sống ở Nga không coi mình là người Nga, điều tương tự cũng diễn ra tại các quốc gia khác.
Các CĐV thể hiện tinh thần yêu bóng đá mãnh liệt tại ConIFA World Cup
Năm đó, đội County of Nice là nhà vô địch. 2 năm sau, vùng đất ở Biển Đen là chủ nhà. Đây là nơi sinh sống của dân tộc thiểu số Abkhazia. Thực ra Abkhazia là một nước cộng hòa tự trị nhưng không được nhiều quốc gia thừa nhận. Do vậy, Abkhazia không được tham dự vào bất cứ hoạt động thể thao quốc tế nào.
ConIFA World Cup đã cho họ cơ hội. Giải đấu năm 2016 đã diễn ra với quá nhiều sự kiện đáng nhớ. Các khán đài lúc nào cũng đông nghẹt, người hâm mộ tràn xuống cả đường pitch cản đường đi của trợ lý trọng tài. Đội Abkhazia thì gào thét khi thi đấu, và gục xuống khóc nức nở sau mỗi chiến thắng mang về cho CĐV nhà.
Chứng kiến sức nóng của kỳ ConIFA World Cup năm đó, chắc nhiều người cũng hiểu được quyết tâm được thừa nhận của Abkhazia cũng như các đội bóng khác tham gia. Và kỳ ConIFA World Cup đã kết thúc mỹ mãn với chiến thắng dành cho chủ nhà.
Như người Abkhazia đã chia sẻ, đây là sự kiện đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời vốn nhiều bất an của họ. Khu tự trị này đã tiệc tùng suốt cả tuần để ăn mừng chiến thắng.
Đội bóng của người Abkhazia vui sướng sau khi vô địch giải đấu năm 2016
Thành công tiếp tục đến với ConIFA World Cup ở lần tổ chức tiếp theo, khi nó được đem đến… London. Nhưng bộ tộc Barawa lại là chủ nhà của giải đấu. Họ là những người dân tộc thiểu số Somali di cư tới Anh từ lâu.
Cộng đồng người Barawa đã trở nên lớn mạnh và họ quyết tâm tạo dựng tên tuổi bằng cách đăng cai ConIFA World Cup 2018.
Đây cũng là giải đấu gây tiếng vang với những đội như Tây Tạng, Padania, Karpatalja… Tiếc rằng trong lần mới nhất, ConIFA World Cup đã không thể diễn ra do dịch bệnh. Trong khi đó, các dân tộc thiểu số cũng cần thời gian để khôi phục lại kinh tế sau COVID-19 , nên họ quyết định dời sự kiện ConIFA World Cup lần tới sang năm 2024.
Hãy tiếp tục mong đợi một kỳ ConIFA World Cup thành công, như để chứng tỏ rằng bóng đá là không biên giới, không có bất cứ phân biệt nào ở môn thể thao này.