"Công xưởng của thế giới" bị lung lay, Trung Quốc mất dần vị thế thống trị trong sản xuất và xuất khẩu

Linh Anh |

Trung Quốc đang mất dần thị phần xuất khẩu trong các lĩnh vực quan trọng vào tay các nước khác khi hàng loạt những tai ương tác động đến vị thế thống trị thương mại toàn cầu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

CNN dẫn dữ liệu từ MDS Transmodal, một doanh nghiệp chuyên trách trong lĩnh vực kinh tế vận tải, cho biết vị thế của Trung Quốc trong lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng, bao gồm quần áo, giày dép, phụ kiện, đồ nội thất và hàng dành cho du lịch đang sụt giảm. Bên cạnh đó, tỷ trọng xuất khẩu trong hàng loạt lĩnh vực, từ khoáng sản tới công nghệ văn phòng, cũng chịu chung bối cảnh.

Antonella Teodoro, cố vấn cấp cao tại MDS Transmodal, cho rằng cách Trung Quốc kiên định chống dịch đã tác động đến sản xuất, buộc các doanh nghiệp phải tìm kiếm giải pháp thay thế. Cùng với sự đi xuống của Trung Quốc là sự đi lên của các quốc gia khác.

Akhil Nair, Phó chủ tịch cấp cao về sản phẩm khu vực Châu Á Thái Bình Dương của SEKO Logistics, cho biết kể từ khi Mỹ áp thuế vào hàng hóa Trung Quốc, đã có một "cuộc săn lùng" các địa điểm có thể thay thế quốc gia đông dân nhất thế giới. Ban đầu, việc chuyển dịch chỉ nằm trong lĩnh vực thời trang và giày dép. Tuy nhiên, Covid-19 với các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt và kéo dài cũng như sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã dẫn đến cái mà Nair mô tả là một sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu chuyển dịch.

"Mặc dù những đợt đóng cửa gần đây của Trung Quốc không ảnh hưởng tới hoạt động của tàu thuyền hay bản thân các nhà ga, bến cảng nhưng rõ ràng nó vẫn có tác động đến các bộ phận phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng như vận tải đường bộ, kho bãi và thậm chí là cả bãi container.

Dữ liệu từ công ty theo dõi hàng hóa Project44 cho thấy tổng công suất tàu container rời các cảng Trung Quốc đã giảm kể từ khi đại dịch bắt đầu năm 2021. Các nhà quản lý cho biết đơn hàng từ Trung Quốc đến Mỹ trong tháng 11 tới dự kiến sẽ giảm 40-50%. Trong khi đó, số liệu từ FreightWaves SONAR cho biết số lượng chủ hàng đặt vận chuyển container bằng đường biển cũng đã tiếp tục giảm.

"Sự kết hợp giữa tồn kho lớn với nhu cầu giảm gây thêm áp lực lên nhu cầu nhập khẩu ở Thái Bình Dương", Josh Brazil, phó chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng của Project44, cho biết.

Ngoài ra, có một yếu tố khác đang tiếp tục đè nặng tới xuất khẩu của Trung Quốc. Cảng Ninh Ba, cảng biển lớn nhất thế giới và là cảng container lớn thứ 3 là trung tâm thương mại mới nhất của Trung Quốc nhận thấy tác động từ các chính sách chống dịch nghiêm ngặt. Theo nhà cung cấp dữ liệu phân tích hàng hải toàn cầu MarineTraffic, một đợt bùng phát được ghi nhận ở đây vào tuần trước và sẽ làm giảm năng suất hoạt động của cảng Ninh Ba. Số lượng các tàu tới đây đã sụt giảm.

Joe Monaghan, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch của Worldwide Logistics Group, cho biết có nhiều kho hàng và bãi chứa container nằm trong khu vực ven cảng. Vì thế, khi khu vực này bị phong tỏa, một lượng lớn kho hàng ở Ninh Ba không thể giao nhận, bao gồm cả những container rỗng. Chính điều này khiến tình hình trở nên phức tạp hơn, nhất là khi chúng sẽ kéo dài trong ít nhất 3 tuần.

Tham khảo: CNBC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại