Công viên trăm tỷ ở Hà Nội vẫn “đắp chiếu”, vì sao?

Lâm Viên |

Được khởi công từ tháng 5/2016, được kỳ vọng sẽ trở thành “lá phổi xanh” của Hà Nội, nằm ở vị trí đất vàng của quận Thanh Xuân, dự án công viên hồ điều hòa Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho tới nay vẫn đang nằm “bất động”, ngổn ngang đất đá, rác thải, sắt thép, vật liệu xây dựng, nhiều hạng mục đã rỉ sét, dư luận đang đặt câu hỏi cho chính quyền quận Thanh Xuân vì sao vị trí đất vàng giữa lòng thành phố bị bỏ hoang như vậy?

Đất vàng bị bỏ hoang, vì sao?

Dự án Công viên hồ điều hòa Nhân Chính nằm ở vị trí "đất vàng" mặt chính giáp với đường Hoàng Minh Giám, đường Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến. Do UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư, có tổng vốn hơn 298,7 tỷ đồng với nguồn đầu tư từ ngân sách.

Tổng diện tích đất nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 13,23ha, bao gồm cả khu Trung tâm văn hóa thể thao quận Thanh Xuân và tổ hợp 3 khu chức năng gồm: Hồ điều hòa với diện tích khoảng 80.000m2, khu vực công viên cây xanh cảnh quan với diện tích khoảng 52.156m2; đất hạ tầng kỹ thuật, trạm bơm với diện tích khoảng 200m2.

Trả lời báo chí về lý do dự án bị bỏ hoang, ông Ðặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho rằng có 3 lý do khiến công viên chậm đưa vào sử dụng.

Thứ nhất, công viên có quy hoạch một bãi đỗ xe ngầm 5 tầng hầm với diện tích khoảng 1,7ha. Thành phố đã giao cho Công ty Phúc Lợi lập quy hoạch, đầu tư, tuy nhiên, công ty này chưa mặn mà để thực hiện.

Lý do thứ hai, trong phạm vi công viên Nhân Chính có đoạn mương Hòa Mục. Hiện nay có 76 hộ dân đang có đơn kiến nghị với UBND thành phố. Thanh tra thành phố đang có kết luận. Nếu kết luận xong, quận tiếp tục triển khai tuyến mương hóa này.

Ba là quận đang kiến nghị thành phố bàn giao công viên cho quận quản lý trong thời gian 3-5 năm để vận hành, bảo trì. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang trình UBND thành phố nhưng chưa có ý kiến cuối cùng.

Được biết, dự án ban đầu được UBND Thành phố giao cho Công ty CP Tập đoàn Vina Megastar (thuộc Tập đoàn Megastar) làm chủ đầu tư dự án vào năm 2008. Sau khi được giao làm chủ dầu tư, Công ty Vina Megastar đã nhiều lần rậm rịch khởi công.

Tuy nhiên, sau 5 năm, đơn vị này mới chỉ xây dựng được một hàng tường bao phía đường Hoàng Minh Giám, còn lại chưa triển khai xây dựng thêm được hạng mục nào. Sau khi chủ tịch công ty này bị bắt, Megastar không còn đủ khả năng đầu tư tiếp tục vào dự án.

Đến đầu năm 2013, UBND TP. Hà Nội thu hồi dự án từ Vina Megastar với lý do đơn vị này không chịu triển khai.

Ngày 13/5/2013, Ocean Group đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề xuất thành phố giao làm chủ đầu tư dự án này thay cho Megastar (Tập đoàn Đại Dương và liên danh Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Ocean Group nắm 70%). Đồng thời cho phép tiếp quản việc thực hiện các thủ tục từ Megastar và xin điều chỉnh lại quy hoạch tổng mặt bằng, và một số hạng mục khác.

Nếu được chấp thuận, Ocean Group dự kiến sẽ khởi công vào 10/10/2013. Tuy nhiên, chưa được chấp thuận thì một lần nữa ông chủ của Ocean cũng đã vướng vòng lao lý, thành phố lại phải thu hồi dự án và giao lại cho UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư, và được điều chỉnh quy hoạch chỉ xây dựng một khu công viên công cộng có mức đầu tư 300 tỷ đồng và đến nay vẫn bị bỏ hoang.

Liên quan đến các công trình sai phép trên đường Lê Văn Lương bủa vây Công viên điều hòa Nhân Chính, trong đó có hai khu đất số 66 và 68 Lê Văn Lương theo phê duyệt là hai dự án bãi đỗ xe công cộng nhưng hiện nay bị biến thành nơi cho thuê làm trung tâm tiệc cưới, showroom ô tô.

Ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, các công trình này đều được xây dựng từ những năm 2010 - 2012. Trong giấy phép và cấp đất cho doanh nghiệp này để thực hiện làm bãi đỗ xe.

Nhưng thực trạng bây giờ sử dụng 1/3 làm bãi đỗ xe, còn 2/3 diện tích sàn làm trung tâm tiệc cưới". Còn việc sai phép của các đơn vị này đã được Thanh tra Chính phủ, Thanh tra thành phố vào cuộc, ông Thái nói.

Cần xóa bỏ quy hoạch không phù hợp

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội nhận định, tất cả các dự án được duyệt đều được ghi rõ thời hạn triển khai, nếu quá thời hạn doanh nghiệp không triển khai, thì cơ quan quản lý nhà nước có quyền thu hồi dự án và thu hồi quy hoạch.

Tuy nhiên, công tác quản lý của các cơ quan chuyên ngành còn bị buông lỏng, dẫn đến nhiều quy hoạch đã quá thời hạn triển khai vẫn vô tư tồn tại.

Cũng theo ông Nghiêm, đối với những dự án do doanh nghiệp lập quy hoạch công bố 3 năm chưa triển khai, Hà Nội cần rà soát, thống kê, đánh giá tính khả thi và năng lực thực hiện của doanh nghiệp.

Nếu quy hoạch vẫn còn khả thi nhưng doanh nghiệp được giao không còn đủ năng lực, cần có biện pháp thu hồi giao cho các đơn vị có đủ năng lực thực hiện, Nhà nước có nguồn thu ngân sách và không gây ảnh hưởng quyền lợi của người dân.

Để xử lý tình trạng quy hoạch "treo" gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, ông Nghiêm đề xuất thành phố sớm thực hiện việc rà soát, công bố xóa bỏ những quy hoạch không còn phù hợp, đồng thời làm căn cứ cho chính quyền các cấp giải quyết quyền lợi hợp pháp chính đang cho người dân.

Còn với những quy hoạch còn phù hợp cần đưa ra lộ trình triển khai giúp chính quyền địa phương thuận lợi hơn trong việc quản lý.

Hà Nội không chỉ có công viên hồ điều hòa Nhân Chính bị bỏ hoang phế, mà vẫn còn những công viên bị bỏ hoang lãng phí nhiều năm nay. Nó không những gây mất mỹ quan, lãng phí mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều công trình công cộng tiền tỷ được hoàn thiện xong không đi vào hoạt động hoặc nhanh chóng xuống cấp và ngừng hoạt động, mà công viên Tuổi thơ trong khu Đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, công viên trong khu Đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, công viên Tuổi trẻ Thủ đô thuộc quận Hai Bà Trưng, từng nằm trong 9 công trình trọng điểm của TP. Hà Nội, thế nhưng vài năm trở lại đây, công viên này cũng rơi vào tình cảnh bỏ hoang.

Nhiều người dân tự hỏi, chính quyền Hà Nội sẽ có biện pháp nào để giải quyết triệt để tình trạng này, tránh gây lãng phí cũng như trả lại mỹ quan công viên, nơi sinh hoạt tinh thần của giới trẻ Thủ đô và người dân sinh sống gần khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại