Công ty trên sàn chứng khoán làm dự án chế biến tre 3.000 tỷ được đích thân Thủ tướng thúc đẩy tại Davos

Ngọc Điệp |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên hợp tác chặt chẽ để triển khai dự án có hiệu quả và thành công tại Việt Nam, góp phần nâng cao giá trị, xuất khẩu sản phẩm tre Việt Nam, nhất là sang các nước Trung Đông.

Công ty trên sàn chứng khoán làm dự án chế biến tre 3.000 tỷ được đích thân Thủ tướng thúc đẩy tại Davos- Ảnh 1.

Ngày 17/1, tại Davos, Thụy Sĩ, nhân dịp tham dự Hội nghị WEF Davos năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo Công ty staBOO Holdings AG - công ty con của BARD AG chuyên nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm nội thất cao cấp.

Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, staBOO Holdings AG và Công ty Cổ phần đầu tư Sao Thái Dương đã trao biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tấm ép ván dăm và ván ép OSB từ tre tại tỉnh Thanh Hóa với tổng đầu tư 3.000 tỷ đồng, có công suất 225.000 m3 sản phẩm/năm; dự kiến sẽ tiêu thụ từ 1.000 - 2.000 tấn tre/ngày và tạo ra hơn 3.000 việc làm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên hợp tác chặt chẽ để triển khai dự án có hiệu quả và thành công tại Việt Nam, góp phần nâng cao giá trị, xuất khẩu sản phẩm tre Việt Nam, nhất là sang các nước Trung Đông.

Công ty trên sàn chứng khoán làm dự án chế biến tre 3.000 tỷ được đích thân Thủ tướng thúc đẩy tại Davos- Ảnh 3.

StaBOO Holdings AG và Công ty Cổ phần đầu tư Sao Thái Dương đã trao biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư - Ảnh: VGP/Nhật Bắc (Nguồn: Báo Chính phủ)

Trước đó, ngày 28/4/2022, SJF và Tập đoàn BARD AG - staBOO cũng đã ký kết hợp tác chiến lược để xây dựng nhà máy sản xuất tấm ép ván dăm và ván ép OSB từ tre tại tỉnh Thanh Hoá với tổng đầu tư 70 triệu EUR (gần 1.900 tỷ đồng) và công suất 225.000 m3 sản phẩm/năm.

Nhà máy sẽ tiêu thụ mỗi ngày 1.000-2.000 tấn tre luồng cho bà con vùng cao. Với lượng nguyên liệu tre tiêu thụ của Nhà máy tương đương với mức tiêu thụ của cả tỉnh.

Nhà máy mới sẽ sản xuất 3 dòng sản phẩm: ván dăm tre (particle board), ván ép định hướng (OSB) và ván ép OSB cao cấp (OSB premium). Đây là dự án có công suất thuộc loại lớn nhất trên thế giới và là dự án trọng điểm của SJF trong năm 2022-2023.

Công ty Cổ phần đầu tư Sao Thái Dương (đang niêm yết trên HoSE với mã chứng khoán SJF).

Quý 3/2023, doanh thu SJF đạt hơn 47 tỷ, giảm 1 nửa so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 57 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 7 tỷ. Lũy kế 9 tháng, SJF đạt doanh thu 106 tỷ và lỗ sau thuế 6,7 tỷ đồng.

SJF cho biết, trong quý III/2023, doanh thu và giá vốn hàng bán đều thay đổi giảm so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên tốc độ giảm của doanh thu cao hơn so với tốc độ giảm của giá vốn hàng bán làm cho lợi nhuận gộp kỳ này bị lỗ so với cùng kỳ năm trước, bên cạnh đó chi phí tài chính tăng dẫn đến làm lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

Công ty trên sàn chứng khoán làm dự án chế biến tre 3.000 tỷ được đích thân Thủ tướng thúc đẩy tại Davos- Ảnh 5.

Công ty này được thành lập năm 2012 với mục đích ban đầu là cung cấp các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp (mỹ phẩm, tóc..) có nguồn gốc từ thảo dược thiên nhiên từ các thị trường phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc..) đến với người tiêu dùng Việt Nam.

Hiện nay, SJF đang hoạt động trong các lĩnh vực: Sản xuất tre ép công nghiệp (đồ gia dụng, nội thất, ván sàn, tấm lót đường và các sản phẩm tấm ép công nghiệp khác bằng tre); Sản xuất nông nghiệp công nghệ sinh học Nhật Bản; Chuyển giao công nghệ bao tiêu sản phẩm; và Thương mại nông sản và vật tư nông nghiệp.

Địa bàn kinh doanh của công ty ở Hà Nội và chủ yếu tập trung tại vùng Tây bắc: tỉnh Hòa Bình, Thanh Hoá, Điện Biên ...

Cuối năm 2014, SJF đã bắt đầu triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy tre ép công nghiệp tại Mai Châu (Hoà Bình), công suất 120.000 m3 /năm và Điện Biên, công suất 20.000 m3/năm để sản xuất ra các sản phẩm công nghiệp, nội thất, hàng tiêu dùng hướng đến xuất khẩu cho các Tập đoàn lớn trên thế giới như IKEA, RESORT RESOURCE INC., CROCODILE INDUSTRIES INC., Home Depot…

Hiện nay, BWG Mai Châu là nhà máy duy nhất tại Việt Nam có thể sản xuất Tấm lót đường bằng tre có độ bền cao gấp 10 lần so với gỗ; độ bền cơ học cao gấp 3 lần; trong khi lại nhẹ hơn 40% so với gỗ sồi và hấp thụ độ ẩm thấp hơn 5-10% so với gỗ và cũng là nhà máy duy nhất ở Đông Nam Á có thể sản xuất sàn gỗ tre ngoài trời chất lượng cao.

Ngoài ra, SJF còn sở hữu Nhà máy ván dăm tre Việt Nga, công suất 35.000 m3/năm nhằm tận dụng hết các rác thải và nguyên liệu thừa từ Nhà máy BWG Mai Châu và từ các xưởng sản xuất đũa trong khu vực Mai Châu để sản xuất ra sản phẩm ván dăm tre có giá trị cao.

Năm 2017, SJF triển khai hợp tác toàn diện với CTCP Mía Đường Lam Sơn (LASUCO) để lập xây dựng Nhà máy sản xuất tre công nghiệp công suất 100,000 m3/năm tại Thanh Hoá nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của các sản phẩm tre sinh thái.

Năm 2023-2024, Công ty đặt mục tiêu tiếp tục tái cấu trúc doanh nghiệp, đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý và triển khai các dự án quan trọng mới hướng đến sự phát triển bền vững, tạo tiền đề cho sự gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và các năm tiếp theo.

Cụ thể, SJF sẽ tập trung tái cấu trúc sản xuất theo hướng chuyển dịch tập trung chỉ sản xuất tấm tre ép dạng phôi và phát triển chuỗi liên kết ngành để phát triển các nhà sản xuất từ nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng từ vật liệu tre ép. Bên cạnh đó, Công ty sẽ phát triển các nhà sản xuất nguyên liệu chế biến sâu hơn để tiến tới Nhà máy chỉ ép thành phẩm, thúc đẩy hoàn thiện pháp lý các dự án trồng rừng tre kết hợp du lịch sinh thái, hoàn thiện nghiên cứu công nghệ sản xuất mới và ứng dụng vào sản xuất. Huy động nguồn vốn đáp ứng cho các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án xây dựng nhà nhà máy sản xuất sản phẩm tre ép mới cho ngành xây dựng và nội thất. Tiếp tục hợp tác quốc tế để phát triển vùng nguyên liệu kết hợp du lịch sinh thái tại Hoà Bình và Sơn La.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại