Công ty sản xuất khẩu trang này không thèm tăng năng suất giữa mùa dịch, bởi nó có một lý do đầy thuyết phục

Bảo Nam |

"Nếu tất cả các bạn đều không quan tâm đến tôi trong quãng thời gian tốt đẹp mà mọi người đều ổn, thì tôi cũng sẽ làm như thế khi các bạn cần tới tôi?", giám đốc của công ty này từng tuyên bố.

Với sự lây lan của dịch bệnh do coronavirus mới gây ra, tình trạng thiếu khẩu trang trên toàn thế giới đang tăng cao. Hầu hết các công ty trong ngành sẽ đẩy mạnh năng suất, hoạt động 24/7 để sản xuất ra loại mặt hàng mà cả thế giới đều đang thèm khát.

Nhưng, đứng giữa vòng xoáy về nhu cầu không ngừng này, nhà sản xuất khẩu trang y tế Prestige Ameritech - công ty tự hào có thị phần về khẩu trang lớn nhất tại Mỹ - vẫn đang vận hành dây chuyền sản xuất theo lịch trình thông thường. Nói một cách đơn giản hơn thì không giống như điều các đồng nghiệp trong ngành đang làm, công ty này từ chối làm việc bất chấp ngày đêm để tăng sản lượng.

Prestige Ameritech được thành lập năm 2005, chuyên về thiết kế và sản xuất các thiết bị y tế dùng một lần và hệ thống máy móc tự động sản xuất chúng. Qua nhiều năm, công ty này đã vươn lên chiếm thị phần hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất khẩu trang y tế tại Mỹ.

"Hiện tại, công ty đang tràn ngập các đơn đặt hàng khẩu trang", giám đốc Mike Bowen chia sẻ. "Nhu cầu khẩu trang gấp 200 lần lượng cung. Điện thoại của tôi đổ chuông cứ sau 2 phút và một email gửi đến sau mỗi 1 phút."

Công ty sản xuất khẩu trang này không thèm tăng năng suất giữa mùa dịch, bởi nó có một lý do đầy thuyết phục - Ảnh 1.

Tuyên bố "chỉ bán hàng tại Mỹ, không tiếp môi giới và cá nhân" (phần màu vàng) được hiển thị ngay trên phần đầu của toàn bộ các trang con trên website công ty.

Tuy nhiên, mặc dù nhu cầu về khẩu trang ngày càng tăng, nhưng Prestige Ameritech chỉ hoạt động vào các ngày trong tuần kể từ tháng 4/2020. Bãi đậu xe của công ty cũng trống rỗng vào ban đêm và hai ngày cuối tuần.

Oscar Trevino, thị trưởng của North Richland Hills, Texas, nơi đặt trụ sở của công ty nói: "Bất chấp tiếng la hét của thị trường khẩu trang, Prestige Ameritech đã không đáp lại. Có một lý do để họ không làm điều này."

Câu chuyện đằng sau nó liên quan tới quá khứ bất hạnh của giám đốc Mike Bowen, thứ mà ông đã xem như "một câu chuyện cảnh báo về những gì có thể xảy ra nếu người Mỹ tiếp tục tìm kiếm sản phẩm giá rẻ từ các quốc gia khác như Mexico và Trung Quốc". Bởi từ lâu, vị giám đốc này đã cho rằng sự phụ thuộc vào các quốc gia khác, đối với các mặt hàng như khẩu trang bảo vệ cá nhân sẽ là một vấn đề lớn cho an ninh quốc gia.

"Tôi đã tranh cãi từ khoảng năm 2007 rằng việc sản xuất khẩu trang nên diễn ra chủ yếu ở Mỹ. Tuy nhiên, toàn bộ thị trường khẩu trang y tế chỉ quan tâm đến giá cả và không ai chịu lắng nghe. Tôi đã nói chuyện với các dân biểu và các tướng lĩnh, thậm chí viết một lá thư cho tổng thống. Nhưng tuyên bố mà ông Obama hồi đáp không có ý nghĩa gì ngoài việc sử dụng như vật trang trí trong một khung tranh", Bowen tâm sự.

Công ty sản xuất khẩu trang này không thèm tăng năng suất giữa mùa dịch, bởi nó có một lý do đầy thuyết phục - Ảnh 2.

Bên trong xưởng sản xuất khẩu trang của Prestige Ameritech.

Và khi dịch cúm H1N1 có nguồn gốc từ lợn lây lan trên toàn thế giới vào năm 2009, việc nhập khẩu khẩu trang từ các quốc gia khác đã đứt đoạn. Prestige Ameritech lúc đó tràn ngập các đơn đặt hàng khẩu trang từ khắp nước Mỹ. Bowen phải làm việc tới 3 ca một ngày. Sản lượng bùng nổ nhưng vẫn không đáp ứng nổi thị trường.

Nhưng khi dịch cúm đã lắng xuống, thị trường khẩu trang y tế ngay lập tức quay lưng lại với Bowen. Mọi khách hàng lại đua nhau đi mua khẩu trang giá rẻ của Trung Quốc, chỉ 2 xu một chiếc, thay vì giá 10 xu của sản phẩm nội địa. Prestige Ameritech đối mặt khó khăn, phải chịu khoản nợ 100 triệu USD và đứng trước bờ vực phá sản.

Năm 2010, Prestige Ameritech đã cố gắng vượt qua sự thâm hụt lớn về tài chính, xây dựng lại nhà máy và tiếp tục sản xuất khẩu trang. Tuy nhiên, công ty đã không thể cạnh tranh với các loại khẩu trang giá rẻ của Trung Quốc, buộc phải sa thải 150 nhân viên.

Mike Bowen khi đó tuyên bố: "150 nhân viên - những người đã cứu nhiều bệnh viện khỏi đóng cửa - đã bị mất việc làm và điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa!".

Thị trưởng Trevino khi đó đã cùng Bowen đi liên hệ với các nhà lập pháp, nhằm xin hỗ trợ và giúp ký hợp đồng với chính phủ liên bang để giúp tình hình kinh doanh của công ty có thể ổn định lại. Bowen thậm chí muốn xây dựng một kho dự trữ cho tương lai, khi một đại dịch mà ông dự đoán có thể xảy ra ập tới. Nhưng không có ai phản hồi.

"Tôi mệt mỏi vì phải là kẻ dự phòng. Nào là 'điều quan trọng là tạo việc làm cho người Mỹ' rồi 'mua hàng Mỹ'. Tất cả chỉ là nhảm nhí", vị thị trưởng nhớ lại câu nói của Bowen khi đó.

Và đó cũng là khi vị giám đốc này đưa ra tuyên bố lạnh lòng: "Nếu tất cả các bạn đều không quan tâm đến tôi trong quãng thời gian tốt đẹp mà mọi người đều ổn, thì tôi cũng sẽ làm như thế khi các bạn cần tới tôi?"

Công ty sản xuất khẩu trang này không thèm tăng năng suất giữa mùa dịch, bởi nó có một lý do đầy thuyết phục - Ảnh 3.

Mike Bowen bên các thùng khẩu trang của công ty mình.

Tính đến tháng 4/2020, Prestige Ameritech đang sản xuất 600.000 chiếc khẩu trang mỗi ngày. Tuy nhiên, theo Mike Bowen, nếu vận hành nhà máy 24 giờ một ngày, 365 ngày, sẽ cần vài tuần để xây dựng một dây chuyền sản xuất mới và đào tạo nhân viên mới. Khi đó, nhà máy của ông có thể sản xuất 1 triệu chiếc mỗi ngày hoặc thậm chí còn nhiều hơn nữa. Nhưng dù có như vậy, nó cũng khó có thể đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu.

Do đó, công ty này vẫn làm việc như bình thường. Và khẩu trang y tế do nó sản xuất ra, chỉ dành cho các chuyên gia và tổ chức chăm sóc sức khỏe tại Mỹ, không được bán ra bên ngoài nước Mỹ, hoặc bán cho công chúng.

Tham khảo dallasnews

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại