Theo Bangkok Post, Airports of Thai Plc (AOT) đã báo cáo lợi nhuận ròng là 10,35 tỷ baht (khoảng 280 triệu USD) trong sáu tháng đầu năm tài chính 2024, tăng gần 400% so với cùng kỳ năm trước.
AOT là doanh nghiệp niêm yết, quản lý cảng hàng không quốc tế trên toàn Vương quốc Thái Lan. Công ty được thành lập vào năm 2002, sau khi cổ phần hoá từ Cơ quan Cảng hàng không Thái Lan (AAT). Hiện Chính phủ Hoàng gia Thái Lan vẫn nắm cổ phần chi phối tại AOT.
Báo cáo tài chính của doanh nghiệp cho biết sự gia tăng này phản ánh sự gia tăng ổn định về lưu lượng hành khách qua các sân bay quốc tế, bao gồm cả Suvarnabhumi, do công ty điều hành.
Doanh thu trong giai đoạn từ ngày 1 tháng 10 năm ngoái đến ngày 31 tháng 3 năm nay là 34,19 tỷ baht (hơn 941 triệu USD), tăng 71,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giám đốc điều hành AOT Kirati Kitmanawat cho biết công ty đã xử lý 367.032 chuyến bay trong giai đoạn này, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng hành khách tăng 23,8%, lên 61,22 triệu.
Ông Kirati nói thêm: Trong số 367.032 chuyến bay, có 203.731 chuyến bay quốc tế và 163.301 chuyến bay nội địa. Khách quốc tế đạt 36,82 triệu lượt khách, trong khi có 24,4 triệu lượt khách nội địa.
So sánh quý 1 và quý 2 năm tài chính, số chuyến bay tăng 6% lên 188.818 chuyến. Số lượng hành khách tăng 12% lên 32,3 triệu.
Chính sách miễn thị thực của chính phủ đã giúp lượng hành khách Trung Quốc đến tăng hơn gấp đôi, từ mức trung bình 13.200 một ngày lên 28.100 trong quý 2. Lượng hành khách Ấn Độ cũng tăng 22% lên 6.200 lượt/ngày.
Tại thời điểm kết phiên giao dịch hôm 15/5, cổ phiếu AOT niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan ở mức 67 baht (hơn 47.000 đồng).
Quý 1/2024: ACV ghi nhận gần 6.000 tỷ đồng doanh thu
Tương tự AOT ở Thái Lan, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) là công ty quản lý các cảng hàng không tại Việt Nam; trong đó nổi bật về lượng khách và hàng hóa qua cảng có các Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM), Nội Bài (Hà Nội), Đà Nẵng… Và trong tương lai là Long Thành (Đồng Nai).
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP, thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có hơn 95% vốn điều lệ Nhà nước.
Theo công bố của ACV, năm 2023, tổng hành khách qua các cảng hàng không đạt 113,5 triệu khách, đạt 96% kế hoạch năm, tăng 15% so với năm 2022, trong đó khách quốc tế: 32,6 triệu khách, tăng 2%/kế hoạch năm, tăng 173% so với năm 2022. Tổng hàng hóa bưu kiện thông qua đạt 1.207 nghìn tấn. Tổng hạ cất cánh đạt 710.000 lượt chuyến.
Về kết quả thực hiện tài chính, tổng doanh thu đạt 20.034 tỷ đồng, đạt 103%/kế hoạch năm, tăng 26% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế ACV đạt 8.646 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch năm, tăng 14% so với năm 2022.
“Các chỉ số tài chính được duy trì lành mạnh, đảm bảo tăng trưởng và phát triển vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại ACV”, báo cáo của ACV nêu. Cụ thể, ROA 10,95%,; ROE 14,89%. Nộp ngân sách nhà nước 2.051 tỷ đồng.
Đến quý 1/2024, ACV công bố khoản lãi kỷ lục hơn 2.900 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ.
Doanh thu trong kỳ đạt hơn 5.660 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, trong đó đóng góp chính là mảng cung cấp dịch vụ hàng không (chiếm 82%).
Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện. Nếu cùng kỳ, 100 đồng doanh thu mang về 62 đồng lãi gộp, thì quý 1/2024 con số này là gần 64 đồng.
Mảng tài chính tăng hơn 800 tỷ đồng so với cùng kỳ, nhờ sự gia tăng của doanh thu tài chính, trong khi chi phí tài chính giảm mạnh từ 793 tỷ đồng xuống gần 19 tỷ đồng do không còn ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá.
Năm 2024, ACV đặt kế hoạch doanh thu 20.325 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 9.378 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp lần lượt thực hiện 28% kế hoạch doanh thu và 39% kế hoạch lợi nhuận.