Những ngày gần đây, cụm từ "offshore" tràn ngập trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng, sau khi Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế ICIJ công bố danh sách các tổ chức, cá nhân mở công ty và tài khoản ở nước ngoài. Vậy, offshore là gì?
Tiếng Việt chưa có cụm từ nào thật sát với ý nghĩa của offshore. Các từ điển Anh-Việt sẽ chỉ dịch offshore là nước ngoài, và offshore company là công ty nước ngoài, nhưng cụm từ này không đủ để diễn tả về offshore và còn quá chung chung.
Offshore là tổng hợp của tất cả các hoạt động quản lý, đăng ký, hoạt động ở quốc gia bên ngoài, thường là quốc gia có ưu đãi về tài chính, luật pháp và thuế.
Vậy, cách thức công ty offshore giúp các doanh nghiệp tránh thuế như thế nào? Lấy ví dụ, bạn có một công ty thương mại A ở Hà Nội, mua một chiếc đồng hồ Rolex từ Thuỵ Sỹ với giá 10$.
Nếu công ty A bán chiếc đồng hồ đó với giá 100$, A sẽ thu được lợi nhuận 90$ và đóng thuế khoảng 20% trên số tiền này.
Tuy nhiên, nếu có một công ty offshore B ở British Virgin Islands, công ty B sẽ mua chiếc đồng hồ Rolex cũng với giá 10$, sau đó bán lại cho công ty A ở Hà Nội với giá 100$.
Công ty A đem Rolex bán với giá 100$, hoà vốn và không phải đóng thuế. Trong khi đó, công ty B ở nước ngoài cũng không phải đóng thuế nhờ chính sách đặc thù của các 'tax haven'.
Như vậy, doanh nghiệp A đã "né" được việc phải đóng thuế, đây là một trong những yếu tố cơ bản nhất của các công ty offshore.
Ví dụ minh hoạ
Tất nhiên, A chỉ né được thuế khi A và B có mối quan hệ đặc biệt với nhau.
Việc né thuế còn có nhiều cách khác thú vị hơn. Lấy một ví dụ khác về hình thức công ty mẹ - công ty con (holding company), bạn có một công ty A ở Hà Nội, có 100$ tiền mặt để sử dụng mua bán các loại hàng hoá, chi tiêu,....
Tuy nhiên, nếu bạn có một công ty B ở British Virgin Islands, và để 100$ tiền mặt ở công ty B thay vì công ty A.
Khi đó, công ty B có thể cho công ty A vay 100$ này, chẳng hạn với lãi suất 50%/năm.
Như vậy, công ty A phải trả chi phí lãi vay cho công ty B, nên lợi nhuận sẽ giảm, dẫn đến giảm tiền thuế, còn công ty B nhận được tiền lãi, nhưng khoản tiền lãi này lại không phải đóng thuế.
Tổng cộng, 2 công ty của bạn sẽ giảm được tiền thuế ở Hà Nội.
Điểm đáng chú ý là, tất cả các hoạt động như trên đều hoàn toàn hợp pháp và mang lại lợi ích lớn cho các doanh nghiệp cũng như các cá nhân.
Đó là lý do khiến các thiên đường thuế trở nên hấp dẫn với các tổ chức và cá nhân trên khắp thế giới.
Để vận hành hệ thống né thuế này, cũng tốn chi phí để thuê các công ty luật có tính bảo mật cực cao chuyên xây dựng các mối quan hệ.
Tuy nhiên, chi phí bỏ ra luôn thấp hơn lợi ích các công ty nhận được (né được phần lớn tiền thuế).
Ngoài ra, đối với những người giàu có, việc mở công ty và tài khoản tại các thiên đường thuế còn có ý nghĩa giúp bảo vệ tài sản và bảo mật thông tin, bởi các thiên đường thuế này không bao giờ chia sẻ thông tin khách hàng, đảm bảo bí mật tuyệt đối.
Cũng chính vì thế, việc hồ sơ Panama được công bố gây ra cơn sốt lớn trên toàn thế giới một phần là vì sự tò mò của thế giới, muốn biết các tỷ phú đang cất giấu tài sản là ai và hoạt động như thế nào.
Sau khi tài liệu được công bố, nhiều người nổi tiếng của Việt Nam đã có tên trong danh sách, như ông Nguyễn Duy Hưng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, bà Đàm Bích Thuỷ...
Các nhân vật có tiếng này đều bình thản xác nhận thông tin là chính xác, và việc có công ty và tài khoản ở nước ngoài là hoàn toàn hợp pháp.
Các chuyên gia trong sự kiện này cũng cho rằng, không phải cứ có tên trong danh sách của Panama là có hành vi phạm pháp, bởi đây đơn giản chỉ là một danh sách chứ chưa đi kèm bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào.
Được biết, sau khi thông tin về danh sách của Panama được công bố, Tổng cục Thuế đã quyết định sẽ điều tra về khả năng trốn thuế của các cá nhân, tổ chức có liên quan.