Công ty nước sạch sông Đà xin lỗi, miễn phí 1 tháng tiền nước trong kỳ xảy ra sự cố

Hoàng Đan |

Công ty nước sạch sông Đà lần đầu tiên đã gửi lời xin lỗi đến người dân, đặc biệt những người bị ảnh hưởng trực tiếp và cầu mong được lượng thứ sau sự cố ô nhiễm nước do dầu thải.

Ngày 25/10, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã có thông cáo báo chí thừa nhận trách nhiệm của đơn vị và xin lỗi khách hàng về sự cố dầu thải bị đổ trộm tràn vào nguồn nước sản xuất của công ty này tại Hòa Bình.

Theo Viwasupco, đơn vị đã hoàn tất khắc phục sự cố để đủ điều kiện cung cấp nước sạch trở lại cho khách hàng, đồng thời xác định được nguyên nhân, bản chất vụ việc, trên cơ sở đó đánh giá thiếu sót và nhìn nhận trách nhiệm của mình.

Đối với chất lượng nước, căn cứ trên các mẫu xét nghiệm nước các ngày 14, 16, 18/10 cho thấy, nước sông Đà đảm bảo các tiêu chí theo quy chuẩn chất lượng của Bộ Y tế, an toàn để người dân sử dụng vào mục đích sinh hoạt, ăn uống.

Đơn vị này cho hay, khi xảy ra sự cố nước nhiễm dầu vào đầu tháng 10 vừa qua, đã huy động công nhân, nhân công thuê ngoài và thuê Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) tổ chức vớt váng, sử dụng phao, gói hút đầu chuyên dụng để hút dầu trên khu vực đầu nguồn.

Đồng thời, đổ than hoạt tính trên hơn 3km kênh dẫn vào hồ chứa, nạo vét toàn bộ lớp đất đá dinh dầu và bùn ao trên toàn bộ khu vực nhiễm dầu, kể cả bùn ao của các hộ dân lân cận.

Cùng với đó, súc xả toàn bộ tuyến ống truyền tải, bể chứa trung gian, bể chứa tại trạm điều tiết, của công ty và khách hàng, thay mới toàn bộ cát lọc tại vị trí các bể lọc và phối hợp với các đơn vị phân phối nước để súc xả tuyến ông và bể chứa của khách hàng.

Về việc xác định nguyên nhân vụ việc, công ty này cho biết, thông tin từ các cơ quan chức năng đến thời điểm này cho thấy, sự cố bắt nguồn tư hành vi đổ một lượng lớn dầu thải vào nguồn nước trong khi công ty chưa có kịch bản ứng phó phù hợp với tình huống khẩn cấp.

"Do con người cố tình gây ra, dẫn đến lúng túng trong xử lý ban đầu, gây ra những đảo lộn trong sinh hoạt bình thường của người dân", thông cáo nêu.

Trong bản thông cáo này, Viwasupco lập luận, là một doanh nghiệp đơn vị ý thức rằng sự lo lắng của khách hàng và sự hoang mang của con người mới là tổn thất lớn nhất.

"Chúng tôi xin được cung cấp nước miễn phí trong kỳ xảy ra sự cố (tương đương một tháng tiền nước)", thông cáo của Viwasupco nhấn mạnh.

Viwasupco cam kết sẽ có phương án ứng phó cho tất cả tình huống khẩn cấp, căn cứ trên các phương án đó lập kế hoạch mua sắm trang thiết bị và tuyển dụng, đào tạo nhân sự nhằm đảm bảo cung cấp nước ổn định cho người dân với chất lượng đáp ứng quy chuẩn của Bộ Y tế ban hành.

"Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà mong muốn thông qua các cơ quan thông tin báo chí gửi đến người dân, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố, lời xin lỗi và cầu mong được lượng thứ", nội dung văn bản nêu thêm.

Đây được coi là lần đầu tiên đơn vị này gửi lời xin lỗi đến người dân Hà Nội sau hơn nửa tháng xảy ra sự cố ô nhiễm dầu thải.

Từ ngày 10/10, người dân các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai... phát hiện nước sinh hoạt có mùi dầu hắc như dầu cháy.

Trước đó, cơ quan chức năng xác định, một chiếc xe tải chở dầu nhớt thải đã đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình). Mưa to làm dầu lan vào kênh dẫn của Nhà máy nước sạch sông Đà. Cán bộ công ty phát hiện dầu thải từ sáng 9/10, nhưng không báo cơ quan chức năng.

Ngày 11/10, đoàn kiểm tra liên ngành lấy mẫu nước xét nghiệm, dự kiến có kết quả sau 7 ngày. Nhưng chỉ 4 ngày sau, thành phố công bố nước bị nhiễm độc "chỉ nên dùng tắm giặt, không nấu ăn". Nước sạch bị ô nhiễm làm đảo lộn cuộc sống của 250.000 hộ dân Hà Nội.

Ngày 22/10, TP Hà Nội công bố "nước sông Đà có thể ăn uống" nhưng nhiều cư dân chưa dám sử dụng nước này mà vẫn dùng nước bình đóng chai.

Cũng liên quan đến vụ việc đổ trộm dầu thải, cơ quan công an đã khởi tố vụ án và khởi tố, lệnh bắt tạm giam 2 tháng để phục vụ công tác điều tra đối với 3 bị can thực hiện hành vi xả chất thải.

3 đối tượng gồm: Lý Đình Vũ (SN 1982), Nguyễn Chương Đại (SN 1994) cùng trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (SN 1986), trú tại xã Chi Lễ, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) bị bắt về tội "Gây ô nhiễm môi trường”, theo Khoản 2, Điều 235 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Nguồn dầu thải cũng được xác định tuồn ra từ Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà (CTH - Phú Thọ).


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại