Cuối năm, câu chuyện thưởng Tết lại trở thành chủ đề được bàn tán. Trong lúc nhiều nơi đãi ngộ rất hậu hĩnh, một số bạn trẻ lại đang chờ thưởng cuối năm để cân nhắc xem có nên gắn bó với công ty trong năm tới.
Nhiều người băn khoăn liệu thưởng Tết, các đãi ngộ có phải thứ quan trọng níu chân nhân viên hay không?
Tiệc công ty sang chảnh trên du thuyền, thưởng Tết hậu hĩnh
Anh Thư, hiện đang làm việc tại Zee Agency chia sẻ rằng Tết năm nay công ty có những đãi ngộ rất tốt. Ngoài khoản thưởng Tết, công ty đã tổ chức chuyến du lịch kết hợp tiệc cuối năm trên du thuyền kéo dài 4 ngày 3 đêm trên hải trình Singapore - Malaysia. Cô bạn cùng đồng nghiệp đã rất bất ngờ với sự đầu tư của công ty cho gần 100 nhân sự. Nhờ đó ai cũng có khoảng thời gian nghỉ ngơi và thư giãn sau 1 năm làm việc miệt mài.
Tiệc cuối năm của công ty Anh Thư
Bên cạnh đó, ước tính khoản thưởng cuối năm nay của Mỹ Linh - làm trong lĩnh vực bảo hiểm - sẽ rơi vào khoảng 5 tháng lương. Trong đó, thưởng Tết khoảng 3 tháng lương và các khoản thưởng thi đua là 2 tháng lương. "Ngoài ra, công ty mình hàng tháng sẽ tổ chức lễ vinh danh và ăn nhẹ. Đầu năm, công ty mình sẽ tổ chức những chuyến đi du lịch trong nước".
Đối với Cao Thanh (giao dịch viên tại 1 ngân hàng thương mại), dù mới đi làm nhưng năm nay đã nhận 2 tháng lương thưởng Tết. "Lần đầu đi làm mình khá bỡ ngỡ, thưởng Tết làm mình 'suýt ngất' vì nhiều hơn mức tưởng tượng".
Nhiều người cho rằng để được mức thưởng Tết cao, đồng nghĩa trong năm đã phải làm việc vô cùng áp lực vất vả. Chẳng hạn, có những tháng không có ngày nghỉ, nhận nhiều đầu việc cùng một lúc. Tuy nhiên, Mỹ Linh cho rằng tính chất công việc vừa làm, vừa trau dồi kiến thức nên thực tế là lúc nào cũng rất bận rộn. "Tuy nhiên, mình chưa bao giờ có cảm giác bị bắt phải làm mà đều là tự giác. Khối lượng công việc luôn là điều chúng mình chủ động được nên chăm chỉ sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng".
Mỹ Linh
Chế độ đãi ngộ cuối năm là yếu tố quan trọng níu chân nhân viên?
Lựa chọn giữa công ty có môi trường học hỏi, trải nghiệm hay môi trường trả mức thu nhập xứng đáng, Anh Thư nghiêng nhiều hơn về vế đầu tiên. "Nếu so sánh 2 yếu tố trên để quyết định, mình sẽ dành 60% cho một môi trường học hỏi trải nghiệm, và 40% cho chế độ đãi ngộ. Theo mình, việc được trao cơ hội để làm, để thử giúp mình bước ra khỏi vùng an toàn và tích luỹ kinh nghiệm. Tuy nhiên, mức độ đãi ngộ cũng cần xứng đáng với tâm sức đã bỏ ra. Mình tin rằng chế độ đãi ngộ phản ánh sự ghi nhận của công ty đối với sự đóng góp của mỗi cá nhân".
Anh Thư
Còn đối với Mỹ Linh, lương thưởng cuối năm là một điểm chạm, một sự quan tâm, khích lệ tinh thần nhân viên không thể thiếu. Có rất nhiều yếu tố để giữ chân một nhân viên trung thành, tuy nhiên với xu hướng phúc lợi nhân viên hiện nay, đãi ngộ cuối năm dường như là tiêu chí quan trọng hơn cả.
Đồng quan điểm với Mỹ Linh, Cao Thanh chia sẻ: "Phúc lợi cuối năm đương nhiên là điều giữ chân dân ngân hàng. Mình tin là ngành nghề nào cũng vậy. Nếu lương thưởng không cao, mình đã nhảy việc từ lâu".
Thời điểm để công ty ghi điểm
Với cương vị quản lý, Văn Cường (Art Director tại Zee Angency) chia sẻ vấn đề thưởng Tết hay chế độ đãi ngộ cuối năm vẫn luôn là chủ đề được bàn tán sôi nổi trong thị trường lao động. Tết là thời điểm nghỉ lễ lớn nhất năm và nhân viên có tâm lý tích lũy từ trước cũng như chi tiêu khá nhiều cho dịp này. Ngoài ra, họ phải xử lý khối lượng công việc nhiều hơn bình thường, lại dễ rơi vào tâm lý "holiday mood" khiến quá trình làm việc sẽ có nhiều trở ngại hơn.
Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội tốt nhất năm đối với công ty để ghi điểm cho nhân sự và củng cố sự yêu mến, mức độ gắn bó với công ty. Chế độ đãi ngộ cuối năm sẽ giúp nhân viên có đủ tài chính để chi trả nhiều loại chi phí, họ sẽ cảm giác được công ty quan tâm nhiều hơn, cũng là nguồn động lực để nhân viên tích cực, hăng hái, và nhiệt tình hơn trong công việc.
Văn Cường
Ngoài ra, nhiều người đánh giá năm qua là 1 năm khó khăn về kinh tế, dự báo 2023 sẽ còn vất vả hơn. Liệu việc quan tâm đến văn hoá nội bộ trong công ty, đời sống của nhân sự có còn là ưu tiên?
Trong câu chuyện này, Văn Cường cho rằng vấn đề nhân sự dù trong bối cảnh nào cũng luôn quan trọng và cần được ưu tiên, bởi chính nhân sự là nguồn nhân lực nòng cốt giúp mọi công ty vận hành. Điều thiết yếu giữa tình hình kinh tế khó khăn như hiện tại và trong tương lai là sự linh hoạt trong việc quan tâm đời sống nhân viên. Tức là tuỳ vào bối cảnh thực tế, mỗi công ty cần đưa ra các kế hoạch, chiến lược nhân sự phù hợp. Việc quan tâm văn hóa nội bộ chưa bao giờ có quy chuẩn rạch ròi mà luôn đòi hỏi sự linh động trong từng thời điểm với những nhóm nhân sự khác nhau.
"Chẳng hạn trong 2 năm trước đây, bối cảnh COVID-19 khiến vấn đề sức khỏe thể chất của nhân viên được ưu tiên hàng đầu. Trong khi đó, bối cảnh hiện tại đặt ra những thách thức lớn hơn về quyền lợi tài chính cũng như giữ vững tâm lý ổn định cho nhân viên trước tình hình kinh tế khó khăn. Vậy nên, mỗi cột mốc thời gian trên tiến trình phát triển của công ty đều đặt ra những ưu tiên khác nhau, từ đó yêu cầu tính linh hoạt cao trong khâu chăm sóc nhân sự, nhưng nhìn chung, vấn đề nhân sự vẫn luôn cần được ưu tiên để đảm bảo công ty sẽ giữ được sự ổn định và mở rộng hơn nữa".
Ảnh: NVCC