Công ty liên quan đến cháu gái bà Trương Mỹ Lan hiện nay ra sao?

H.A |

Báo Tuổi trẻ cho biết, trước khi bị bắt, bà Trương Huệ Vân đứng tên 35 doanh nghiệp, tổng quy mô vốn hàng chục nghìn tỉ đồng.

Theo VOV, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Trong số này, bà Trương Huệ Vân (SN 1988) là cháu ruột của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan.

Bà Trương Huệ Vân giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Tập đoàn VTP. Ở vụ án này, bà Vân bị đề nghị truy tố tội "Tham ô tài sản".

"Vì là cháu ruột của Trương Mỹ Lan nên Trương Huệ Vân được bà Lan tin tưởng giao cho hàng loạt công ty khác trong "đế chế" Vạn Thịnh Phát như Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lý Bất động sản Windsor, Công ty Cổ phần Lavifood, Công ty Cổ phần Tanifood, Công ty Cổ phần Sài Gòn Galleria, Công ty Cổ phần Eurasia Concept…", VOV trích tài liệu điều tra.

Quá trình hoạt động, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo bà Vân sử dụng pháp nhân Công ty Cổ phần Lavifood vay vốn tại ngân hàng SCB để phục vụ mục đích kinh doanh và trả nợ vay tại các ngân hàng khác. Ngoài ra, bà Lan còn thống nhất, chỉ đạo bà Vân cho thành lập các công ty "ma" để lấy phương án kinh doanh mua bán nông sản với Công ty CP Lavifood nhằm lập hồ sơ vay vốn khống, tạo lập khoản vay, rút tiền từ SCB để sử dụng cho các mục đích của hai người.

Công ty liên quan đến cháu gái bà Trương Mỹ Lan hiện nay ra sao? - Ảnh 1.

Năm 2021, bà Trương Mỹ Lan mua lại Công ty Cổ phần Lavifood từ ông Lê Thành để đưa vào vận hành, hoạt động trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Khi điều hành Công ty CP Sài Gòn Galleria, Công ty CP Eurasia Concept, bà Trương Huệ Vân còn chỉ đạo nhân viên cấp dưới là Trần Minh Xuyên và Hạ Đình Hân (nhân viên kế toán của hai công ty) phối hợp với SCB lập hồ sơ vay vốn tại ngân hàng SCB để lấy tiền chi cho hoạt động của các công ty này. Nhưng khi cần trả nợ thì bà Vân không sử dụng nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh, mà lấy tiền từ các khoản vay của các công ty, cá nhân khác được tạo lập khống tại ngân hàng SCB để trả nợ chính SCB. 

Từ năm 2020, bà Trương Huệ Vân đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập, sử dụng 52 công ty "ma" và 4 công ty có hoạt động thật, tạo lập 155 khoản vay khống để rút tiền khỏi ngân hàng SCB. Tính đến ngày 17/10/2022, 155 khoản vay này còn dư nợ hơn 2.800 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra có đủ căn cứ xác định bà Trương Huệ Vân đã thực hiện hành vi giúp sức, đồng phạm với Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội "tham ô tài sản", liên đới chiếm đoạt số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh hơn 25 tỷ đồng.

Các công ty liên quan đến bà Trương Huệ Vân hoạt động đa ngành

Theo VTC News, năm 2021, bà Trương Mỹ Lan mua lại Công ty Cổ phần Lavifood từ ông Lê Thành để đưa vào vận hành, hoạt động trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp và giao cho Trương Huệ Vân quản lý, điều hành thông qua Nguyễn Phi Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lavifood, cùng với Võ Hồng Khanh, Hồ Xuân Dũng.

Tra cứu Cổng thông tin về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Lavifood trong trạng thái "đang hoạt động" và người đại diện pháp luật là ông Lê Thành. Doanh nghiệp này đặt trụ sở chính tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, đăng ký khoảng 40 mã ngành kinh doanh.

Lavifood có 3 nhà máy: Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh (Nhà máy 1 - Tanifood); huyện Bến Lức, tỉnh Long An (Nhà máy 2 - Lavi LongAn) và Nhà máy 3 - Hồng Nguyên Long tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Theo website doanh nghiệp, Lavifood cung cấp ra thị trường các sản phẩm trái cây, rau củ tươi, chần trụng, xay nhuyễn; trái cây cấp đông IQF, trái cây củ quả sấy, nước trái cây rau củ quả và nước trái cây cô đặc. Doanh nghiệp đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc như HACCP, Halal, BRC (Bureau Veritas), Kosher…

"Lavifood tiên phong định hướng người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, có thành phần 100% tự nhiên, tươi nguyên chất, ứng dụng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới vào chế biến và phối trộn các loại trái cây rau củ từ bà con nông dân vào sản phẩm, giúp nông dân tiêu thụ nông sản trồng trọt và phục vụ lợi ích của cộng đồng, mang lại sức khỏe mỗi ngày và niềm vui cuộc sống", website công ty nêu. Tuy nhiên, mục "Hoạt động nổi bật" trên website doanh nghiệp đã ngừng đăng bài viết mới từ tháng 9/2020. 

Một công ty khác được nhắc đến trong báo cáo của Cơ quan Cảnh sát điều tra là Công ty Cổ phần Eurasia Concept, hoạt động trong lĩnh vực không gian, nội thất.

Theo Cổng thông tin về đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp này trong trạng thái "đang hoạt động", do bà Vũ Thị Hồng Hạnh là người đại diện pháp luật. Công ty cũng đăng ký hàng chục mã ngành kinh doanh, ngành chính là Bán buôn đồ dùng khác cho gia đình.

Theo website doanh nghiệp này tự giới thiệu, Eurasia Concept được mở ra để đưa nét đẹp phương Tây hòa quyện vào văn hóa phương Đông với một gu thẩm mỹ tinh tế cùng niềm đam mê bất tận với kiến trúc. Thương hiệu mở ra cánh cửa để khách hàng cao cấp tại Việt Nam được tận hưởng những phong cách thiết kế hàng đầu châu Âu ngay tại chính không gian sống của mình.

Thông tin trên website doanh nghiệp cho biết, Eurasia Concept đang trưng bày 50 thương hiệu nội thất hàng đầu châu Âu, cùng chuỗi showroom hơn 6.000m2 tại TP HCM và Hà Nội. Tại TP HCM, showroom đặt tại tòa nhà Times Square (quận 1).

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại