Công ty khởi nghiệp công nghệ - 'nạn nhân' tiềm năng khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Minh Ngọc |

Các công ty khởi nghiệp công nghệ vốn dựa vào tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể trở thành nạn nhân của nền kinh tế giảm tốc tại nước này.

Mặc dù có vốn hóa tốt, các nhà đầu tư nhận thấy nền tảng công nghệ tại một số công ty không được tiên tiến như kỳ vọng. Và dù năm 2018 được coi là năm của đầu tư mạo hiểm, vài nhà đầu tư dự đoán tới 90% công ty khởi nghiệp công nghệ tại Trung Quốc sẽ thất bại.

“Thị trường đang ở giai đoạn chọn lọc đầy khắc nghiệt”, Weijan Shan, chủ tịch và giám đốc điều hành của PAG, một công ty cổ phần có trụ sở tại Hong Kong nắm giữ 30 tỷ USD cho biết. “Chỉ những bên có công nghệ thực sự và kiến thức về quản lý rủi ro mới có thể tồn tại”.

Nền công nghiệp công nghệ tại Trung Quốc đã gây ấn tượng cho các nhà đầu tư toàn cầu sau sự trỗi dậy mạnh mẽ của Baidu, Alibaba Group và Tencent 10 năm trở lại đây. Lo sợ một lần nữa bỏ lỡ cơ hội, các nhà đầu tư mạo hiểm dồn tiền vào thế hệ công ty khởi nghiệp trẻ trong lĩnh vực công nghệ cao như thương mại điện tử và công nghệ tài chính, giúp tạo ra hàng loạt “kỳ lân” Trung Quốc – các công ty được định giá hơn 1 tỷ USD – áp đảo những đối thủ nước ngoài.

Dù vậy, hầu hết công ty khởi nghiệp Trung Quốc tồn tại được đến nay không phải nhờ vào công nghệ tối tân, mà thông qua một mô hình kinh doanh chủ yếu mua bán lại các ứng dụng thường ngày, từ thanh toán điện tử tới chia sẻ xe đạp.

“Nền công nghệ hàng đầu thế giới chỉ là phóng đại”, Jialong Liu, giám đốc mảng thẻ tín dụng tại China Merchants Banks, đối tác của nhiều nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tiếp cho biết. “Các doanh nghiệp đó thành công nhờ vào thị trường rộng lớn ở Trung Quốc”.

Nói cách khác, Trung Quốc vẫn chưa có bề dày kinh nghiệm với các đột phá công nghệ cơ bản so với các nước như Israel, Nhật Bản và Mỹ.

Công ty khởi nghiệp công nghệ - nạn nhân tiềm năng khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: SCMP.

Trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu không thể tiếp tục chống đỡ các công ty khởi nghiệp như thập kỷ trước, doanh nghiệp Trung Quốc phải đối mặt với sự thật khó khăn: tồn tại nhờ chất lượng công nghệ hoặc thất bại. Thời điểm quyết định đang đến gần với một ngành công nghiệp gần đây được tung hô như một phép màu, nguồn gốc của niềm tự hào trong nước.

Thị trường Trung Quốc đang kiểm chứng nhận định của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet: “Vấn đề chỉ lộ ra khi cơn sóng tan đi”.

Tiến bộ công nghệ được coi là động lực mạnh mẽ có thể đưa Trung Quốc trở thành “bá chủ” công nghệ. Đối với Washington và chính phủ các nước, vấn đề này trở thành mối lo ngại lớn đến mức góp phần gây ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung năm 2018.

Mỹ đã thử nhiều cách nhằm ngăn cản phát triển công nghệ ở Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ngăn cản Alibaba mua lại MoneyGram, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán của Mỹ đầu năm ngoái và từ chối mua lại công ty viễn thông Qualcomm của Broadcom tại Singapore để ngăn chặn rò rỉ công nghệ sang Bắc Kinh.

Trong cuộc đua công nghệ 5G thế hệ mới trong viễn thông di động, Mỹ đã ngừng kinh doanh với ZTE năm ngoái, đẩy nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc tới bờ vực phá sản.

Huawei, nhà phát triển 5G và nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới, cũng bị lôi vào cuộc chiến. Doanh nghiệp Trung Quốc này và các công ty con tại Mỹ đang phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc liên quan đến hành vi vi phạm lệnh trừng phạt kinh doanh của Mỹ.

Giám đốc tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Chu đã bị truy tố và đang chờ phán quyết của tòa án Canada về việc dẫn độ sang Mỹ, trong khi châu Âu và các khu vực khác ở châu Á đang chịu áp lực cắt đứt quan hệ kinh doanh với Huawei khi Mỹ đưa ra những lo ngại về gián điệp.

Trớ trêu thay, trong khi phần lớn thế giới đang cố gắng kiềm chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc, thì trong nước, nhà đầu tư đang đặt câu hỏi về bản chất sự tiến bộ trong các công ty.

Các vết nứt bắt đầu xuất hiện, với một vài thất bại gần đây khiến các nhà đầu tư bất ngờ. Thành công ngắn ngủi của Ofo, từng là hãng chia sẻ xe đạp hàng đầu Trung Quốc, là một ví dụ.

Công ty khởi nghiệp công nghệ - nạn nhân tiềm năng khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc - Ảnh 2.

Xe đạp của Ofo tại một điểm tập kết ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Được thành lập bởi 5 người yêu thích đạp xe tại Đại học Thanh hoa năm 2014, giá trị của Ofo tăng tới 1 tỷ USD chỉ chưa đầy 2 năm sau lần đầu ra mắt năm 2015. Số lượng thành viên ở mức cao nhất đạt tới 200 triệu, nhưng không thể duy trì mô hình kinh doanh với chi phí vận hành cao. Sau khi thu hút gần 2,2 tỷ USD tiền đầu tư mạo hiểm và lên kế hoạch mở rộng ngoài Trung Quốc, Ofo rút khỏi Australia, Áo, Séc, Đức, Ấn Độ và Israel, đồng thời sa thải phần lớn lực lượng lao động Mỹ.

Alibaba, nhà đầu tư chủ chốt với 866 triệu USD từ vòng gọi vốn chỉ 1 năm trước, Hony Capital và Citic Group là những bên gánh chịu thiệt hại.

Vài người cho rằng thất bại của Ofo là do Mobike, đối thủ xuất hiện cùng năm, được đầu tư tốt hơn. Nhưng Mobike, được mua lại năm 2018 bởi Meituan Dianping với giá 2,7 tỷ USD, cũng đang gặp rắc rối. Đầu tháng 3, công ty này nộp đơn từ bỏ giấy phép chia sẻ xe đạp ở Singapore, nỗ lực mới nhất rút khỏi thị trường nước ngoài.

“Chúng ta có quá nhiều vốn dành cho quá ít ý tưởng hay”, Liu của China Merchants Bank cho biết. “Vì thế khi thấy một ý tưởng có vẻ tốt, tất cả tiền lập tức đổ vào và phần lớn số đó cũng nhanh chóng mất đi”.

Các "kỳ lân" Trung Quốc khác cũng đã thất bại. Aiwujiwu, một nền tảng niêm yết tài sản trực tuyến, đã ngừng hoạt động vào cuối tháng 1 và đang được thanh lý. Thành lập tháng 3/2014, công ty này đã có 5 vòng gọi vốn trong 18 tháng, thu được 305 triệu USD và được định giá 1 tỷ USD. GGV Capital và Hillhouse là những nhà đầu tư chính.

Một trang bất động sản trực tuyến khác, Pinganfang.com, được thành lập bởi Tập đoàn bảo hiểm Ping An năm 2014, đã ngừng hoạt động vào ngày 11/1.

Theo báo cáo tháng 3 của công ty nghiên cứu CB Insight, sự sụp đổ của Aiwujiwu và Pinganfang cho thấy mô hình “tài sản + tài chính + dịch vụ internet” có lẽ đang thất bại tại Trung Quốc.

Ngay cả trong ngành hứa hẹn nhất như công nghệ tài chính, hay fintech, số lượng kẻ bại trận cũng không nhỏ. Dịch vụ cho vay trực tuyến Modai, nghĩa là “túi thần kỳ”, đã sụp đổ năm ngoái và đang bị các cơ quan quản lý tài chính điều tra. Các nhà đầu tư cá nhân với số vốn đổ vào lên tới 149 triệu USD có thể sẽ nhận lại được rất ít hoặc mất toàn bộ tiền của họ.

Nền tảng cho vay ngang hàng, kết nối người vay và người cho vay, bắt nguồn ở Trung Quốc và tăng lên tới 3.500 người cho vay vào năm 2015. Đến cuối 2017, có hơn 167 tỷ USD dư nợ. Gian lận và không thể thu hồi nợ đã làm xáo trộn toàn bộ lĩnh vực này.

“Fintech đã trở thành một từ khóa nổi tiếng”, Shan, giám đốc điều hành của công ty cổ phần cho biết. “Nhưng nhiều công ty tự nhận là fintech hóa ra lại đầy rủi ro và gian lận”.

Ngay cả các công ty với mức tăng trưởng lớn nhất cũng không tuyệt đối an toàn. Công ty dịch vụ di chuyển Didi Chuxing được định giá 56 tỷ USD vào tháng 12, đã báo cáo khoản lỗ hàng trăm triệu năm ngoái, và dự định IPO dường như cũng tiêu tan.

Bất chấp những thất bại trên, Trung Quốc vẫn là điểm nóng đầu tư mạo hiểm. Nhìn chung, Greater China – Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Macau – đã có tổng cộng 107 tỷ USD từ đầu tư mạo hiểm năm ngoái, theo nhà cung cấp dữ liệu Preqin. 7 trong số 10 giao dịch lớn nhất thế giới được công bố năm 2018 thuộc về các công ty có trụ sở tại Trung Quốc.

Trong cuộc gây quỹ lớn nhất từ ​​trước đến nay bởi một công ty tư nhân, Ant Financial - nhà điều hành Alipay, hệ thống thanh toán trực tuyến lớn nhất Trung Quốc - đã thu về 14 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm vào tháng 6 năm ngoái. Các nhà đầu tư bao gồm các “ông lớn” quốc tế như các quỹ chính phủ Singapore GIC và Temasek, quỹ chính phủ Malaysia Khazanah Nasional Berhad, Hội đồng Đầu tư Kế hoạch Hưu trí Canada; và các công ty cổ phần tư nhân Mỹ như Warburg Pincus, Silver Lake và General Atlantic.

Công ty khởi nghiệp công nghệ - nạn nhân tiềm năng khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc - Ảnh 4.

Ảnh: TNW.

Tuy vậy, xu hướng mới nổi này khá đáng lo ngại.

“Có quá nhiều vốn ở Trung Quốc. Trên thực tế, 90% giá trị các công ty sẽ biến mất trong vòng 5 đến 10 năm nữa”, Joe Tian, ​​đối tác sáng lập của DT Capital, một công ty đầu tư có trụ sở tại Thượng Hải cho biết.

Không còn nhiều cơ hội cho công ty khởi nghiệp Trung Quốc dựa vào quy mô lớn của thị trường nội địa để phát triển.

“Chúng ta cần những doanh nhân giỏi hơn với trí tưởng tượng tốt hơn”, Liu của China Merchants Bank nói. “Điều quan trọng nhất các doanh nhân Trung Quốc cần có ngày nay là năng lực đổi mới thực sự”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại