Vân Nam cũng nổi tiếng với các tour du lịch giá rẻ, nơi khách hàng thường bị ép đến mua quà lưu niệm tại các cửa hàng địa phương.
Khi du lịch trong nước tăng trở lại sau nhiều năm hạn chế do đại dịch, rất nhiều video đã lan truyền trên các nền tảng trực tuyến trong những tuần gần đây cho thấy các hướng dẫn viên du lịch Vân Nam lăng mạ khách hàng từ chối mua hàng hoặc ngủ trên xe buýt du lịch thay vì xem qua các cửa hàng.
Sau phản ứng dữ dội của công chúng, các công ty du lịch tại Vân Nam đang áp đặt hạn chế đối với các nhà báo để hạn chế việc đưa tin tiêu cực trong hoạt động kinh doanh tại đây.
Theo đài truyền hình nhà nước CCTV của Trung Quốc, một công ty du lịch Vân Nam vào năm 2017 đã liệt kê các quy tắc cấm luật sư, nhà báo tham gia các chuyến du lịch của họ. Sau khi nền tảng du lịch Ctrip trấn áp những hành vi như vậy, hiện tại không có công ty du lịch nào công khai đưa ra những quy tắc hạn chế nghề nghiệp trên diễn đàn của họ.
Khung cảnh mùa thu ở Vân Nam với hồ nước trong xanh và đỉnh Ngọc Long phủ đầy tuyết trắng. Ảnh minh họa: Internet.
Tuy nhiên, đóng vai một khách du lịch, phóng viên của tạp chí Sixth Tone phát hiện ra rằng một số công ty du lịch ở Vân Nam vẫn đang áp dụng "luật ngầm" áp đặt những hạn chế đối với các nhà báo.
Phóng viên Sixth Tone đã tiếp xúc với một số nhân viên tại công ty Du lịch quốc tế Trung Quốc về việc này.
Công ty Du lịch quốc tế Trung Quốc cho biết một chuyến du lịch trọn gói kéo dài 6 ngày tới Vân Nam của công ty này bao gồm các chuyến thăm tới các cửa hàng đồ bạc địa phương và một trung tâm phân phối tảo spirulina có giá 1.380 nhân dân tệ một người, trong khi chuyến tham quan tương tự mà không ghé thăm các cửa hàng này có giá 2.160 nhân dân tệ một người. Công ty đề nghị các nhà báo chọn phương án đắt tiền hơn hoặc tự mình đi du lịch.
Người đại diện cho biết rất có thể các nhà báo sẽ tìm thấy những điều tồi tệ để đưa tin trong các chuyến tham quan, đặc biệt là trong mùa hè bận rộn.
Một người quản lý dịch vụ tại đây nói rằng bên cạnh việc cấm các nhà báo, họ cũng cấm các luật sư và thành viên của “nghề nhạy cảm” khác tham gia các chuyến tham quan của họ.
Một nhân viên dịch vụ tại công ty cũng chia sẻ: “Thành thật mà nói, chúng tôi sợ phải phục vụ các nhà báo... Chúng tôi sợ bị lộ nếu không phục vụ khách hàng chu đáo trong chuyến đi.”
Tuy nhiên, mới đây, công ty Du lịch quốc tế Trung Quốc lại công khai phủ nhận việc từ chối cung cấp dịch vụ cho các nhà báo và luật sư trong một video trên nền tảng video ngắn Douyin.
Một trường hợp khác, công ty dịch vụ du lịch Côn Minh Comfort, cũng nói với phóng viên Sixth Tone rằng các nhà báo nên đi du lịch một mình, không nên mua các chuyến thăm quan trọn gói theo nhóm chung mà công ty cung cấp.
Theo luật sư Zhang Weiping, Luật Du lịch và Luật Bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng Trung Quốc không cho phép phân biệt đối xử người tiêu dùng dựa trên nghề nghiệp.
Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Vân Nam đang tiến hành điều tra vụ việc.
Theo Sixthtone