Công ty đóng tàu dùng thép Trung Quốc thay cho thép Nhật, Hàn tiếp tục bị tố tại Thanh Hóa

Đức Nguyên |

Một chủ tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 tại Thanh Hóa cho biết, hơn 1 năm hạ thủy vươn khơi tàu liên tiếp gặp những sự cố về mặt kỹ thuật. Hiện phần sơn thân vỏ bị rỉ hoàn toàn.

Ngày 28/6, trao đổi với báo Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành chức năng kiểm tra các tàu được đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng, trục trặc trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, trong số các tàu bị hư hỏng có nhiều tàu được đóng bởi Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định), đây là công ty đang đứng trước nguy cơ bị khởi kiện bởi ngư dân tỉnh Bình Định do có thái độ trốn tránh trách nhiệm trong đền bù thiệt hại.

Báo Thanh Hóa lấy minh chứng một trường hợp điển hình của ngư dân Trần Văn Thượng, xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia.

Tính đến hết tháng 5/2017, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt 67 chiếc tàu đóng theo Nghị định 67. Hiện 46 tàu đã đóng hoàn thành và đang hoạt động, trong đó có 23 tàu vỏ thép còn lại là tàu vỏ gỗ.

Tàu vỏ thép Công ty Đại Nguyên Dương đóng cho ông Thượng là tàu cá vỏ thép đầu tiên theo Nghị định 67 của tỉnh, mang số hiệu TH93007-TS được hạ thủy vào tháng 1/2016, đánh bắt cá theo hình thức lưới chụp.

Tổng chi phí đóng mới tàu là 15,9 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho vay 12.150 triệu đồng, theo Chính sách tín dụng của NĐ 67.

Tuy mới hoạt động hơn 1 năm, nhưng tàu vỏ sắt của ông Thượng đã bị rỉ sắt, bong tróc sơn, xuống cấp nghiêm trọng. 

"Từ khi hạ thủy đến nay, tàu của gia đình đi được 10 chuyến biển. Mặc dù là tàu đóng mới nhưng sự cố về kỹ thuật liên tục xảy ra; có chuyến phải vào đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận để sửa chữa, mất 10 ngày mới quay về được, còn phần sơn thân vỏ hiện nay bị rỉ hoàn toàn. 

Hơn 1 năm hạ thủy vươn khơi, tàu cá của gia đình bị lỗ khoảng 500 triệu đồng do phải chi phí khắc phục sự cố và tiền dầu những chuyến ra khơi không khai thác được phải quay về. 

Mới mà như vậy thì không biết một vài ba năm nữa tàu sẽ như thế nào?, ông Thượng trả lời trên báo Thanh Hóa.

Công ty đóng tàu dùng thép Trung Quốc thay cho thép Nhật, Hàn tiếp tục bị tố tại Thanh Hóa - Ảnh 2.

Hệ thống điện tàu trên một vỏ thép của ngư dân Thanh Hóa được lắp đặt không bảo đảm. Ảnh: Lê Hợi/Báo Thanh Hóa.

Một trường hợp khác là tàu cá của ông Lê Văn Lực (xã Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) mang số hiệu TH-91709 TS, công suất 811CV cũng do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng mới, hạ thủy đưa vào sử dụng tháng 12/2016.

Thông tin trên báo Tuổi Trẻ, từ khi đưa vào sử dụng, ông Lực ra khơi được 10 chuyến thì có tới 5 chuyến con tàu bị bục dầu nhờn thủy lực, cháy chấn lưu, hệ thống cẩu tời bị trục trặc thường xuyên.

Trả lời báo Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Cường, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN-PTNT Thanh Hóa - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nghị định 67 Thanh Hóa) cho biết: Sở đã có thành lập đoàn kiểm tra thực tế để nắm bắt những hư hỏng, trục trặc của các tàu vỏ thép trên địa bàn sau khi một số tàu vỏ thép ở các tỉnh khác bị hư hỏng.

"Đúng là một số tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh có hiện tượng trục trặc, hư hỏng, chủ yếu là cẩu tời, máy phát điện… nhưng đó chỉ là kiểm tra sơ bộ chứ không phải thành lập đoàn thẩm định, nên hiện không thể khẳng định có máy móc hay thiết bị nào không đúng chủng loại theo hợp đồng.

Chúng tôi cũng đã thông báo cho các ngư dân có tàu vỏ thép, nếu tàu có hư hỏng thì làm báo cáo gửi chính quyền địa phương, địa phương sẽ gửi lên Sở NN-PTNT, sau đó Sở báo cáo tỉnh và tìm giải pháp tháo gỡ", ông Cường nói.

Theo kết quả thẩm định tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 hư hỏng trên địa bàn tỉnh, cả 5 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng cho ngư dân Bình Định thì phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị trên boong tàu rỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng so với các tàu đóng và hoạt động cùng thời điểm.

Thép trên các con tàu này có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc trong khi khái toán áp giá tạm thời ghi Nhật, Hàn.

"Thời gian qua, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương tỏ ra bất hợp tác với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Rất nhiều lần, địa phương mời cơ sở đóng tàu này đến làm việc cũng như tham dự các cuộc họp nhưng Công ty Đại Nguyên Dương đều né tránh trách nhiệm.

Đây cũng là lý do UBND tỉnh Bình Định đề nghị ngư dân khẩn trương khởi kiện và Công an tỉnh sớm điều tra Công ty Đại Nguyên Dương để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ngư dân", ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thông tin.

Tàu Nghị định 67 mới đóng đã hư hỏng nặng

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại