Apple tạo được dấu ấn trong lĩnh vực smartphone với một thương hiệu duy nhất là iPhone. Samsung nổi tiếng với series Galaxy và Note, nhưng cũng đang ngấp nghé ý định gộp hai dòng sản phẩm này thành một. Thậm chí có tin đồn công ty muốn gộp cả hai dòng Galaxy Note và Galaxy Fold vào với nhau. Xiaomi thì có dòng Mi và Redmi, nhưng người dùng vẫn chỉ coi nó là một hệ thống sản phẩm Xiaomi duy nhất. Còn Huawei vẫn gây khó khăn cho người dùng với cách đặt tên các series sản phẩm với số và chữ đi kèm.
Nhìn quanh có thể thấy, các hãng điện thoại lớn đều không (hoặc không thể) tạo ra nhiều thương hiệu con thành công cùng lúc. Nhưng có một ngoại lệ.
Đó là BBK Group, còn gọi là BBK Electronics Corporation, hay BBK. Nếu bạn chưa từng nghe thấy nó, thì đó là công ty mẹ của một loạt các thương hiệu như OPPO, Vivo, Realme, và OnePlus.
Và đây là một công ty Trung Quốc, đã đi ngược lại hoàn toàn mô hình của các gã khổng lồ công nghệ khác. BBK tạo ra không chỉ nhiều mẫu điện thoại thông minh khác nhau, mà còn vận hành cùng lúc một loạt các thương hiệu smartphone. Nhưng BBK ẩn giấu rất sâu thân phân của mình. Trong con mắt của người tiêu dùng trung bình, các thương hiệu con kể trên trông giống như các thực thể hoàn toàn riêng biệt. Nhưng với dân trong ngành, nó giống như một con rết khổng lồ với nhiều chân và khi kết hợp các thương hiệu khác nhau thuộc sở hữu của BBK vào một, số lượng sản phẩm bán ra cùng thị phần của nó có thể nhiều hơn bất kỳ thương hiệu đối thủ nào khác.
Thị trường smartphone thế giới quý III/2019.
Theo Counterpoint Research, Samsung hiện có 20,6% số lô hàng điện thoại thông minh toàn cầu trong quý 3 năm 2019. Huawei có 17,6% thị trường và Apple có 11,8%.
Còn phía bên dưới, Oppo ở vị trí thứ tư với 8,6%, Vivo chiếm 7,8%, Realme là 2,7%. Đây là ba thương hiệu con của BBK. Chưa tính OnePlus, thì BBK đã chiếm khoảng 19,1% thị trường. ba thương hiệu này đã xuất xưởng khoảng 72,4 triệu chiếc smartphone trong quý 3 năm nay, vượt qua Apple (44,8 triệu) và Huawei (66,8 triệu), khá gần với Samsung (78,4 triệu).
Với đà phát triển như thế này, việc BBK chiếm lấy thị phần lớn nhất toàn cầu, gần như chỉ còn là vấn đề thời gian.
Một điều cần lưu ý khác là trong khi Apple hay Samsung, Xiaomi và cả Huawei chỉ có thể vùng vẫy trong một số phân khúc giá nhất định thì sự dàn trải của BBK cho phép công ty này tấn công và đánh chiếm mọi phân khúc khách hàng. Oppo nhắm tới khách hàng phổ thông muốn có camera và máy ảnh selfie đẹp. Vivo ở tầm thấp hơn một chút, không tập trung vào camera nhưng lại hướng tới các tính năng hiện đại. Realme thì hướng vào đối tượng khách hàng trẻ, thích sự năng động, với phân khúc giá thấp hơn nữa. OnePlus thì hướng tới đối tượng khách hàng cao cấp, đang cố gắng xâm nhập thị trường châu Âu và Bắc Mỹ thông qua hình thức chính là bán online.
Samsung thật sự nên dè chừng với "kẻ thù giấu mặt" này.
Có thể nói, chiến lược định vị khách hàng và phân khúc giá của BBK rất rõ ràng và tách biệt. Đây là điều mà Samsung, Xiaomi và thậm chí cả Apple không thể học tập và làm theo. Bởi các thương hiệu này từ lâu đã được định vị trong tâm trí người tiêu dùng ở những phân khúc nhất định và việc thay đổi nó là điều cực kỳ khó khăn. Nhưng thị trường di động lại luôn biến đổi. Ở từng thời điểm, chiến thuật giá, chiến lược kinh doanh, marketing... đều phải liên tục thay đổi. Và BBK sẽ sở hữu nhiều lợi thế hơn các đối thủ to lớn đồ sộ nhưng chậm chạp của mình, khi có thể nhanh chóng chuyển trọng tâm và nguồn lực vào một công ty con nào đó tùy từng thời điểm. Sự thay đổi uyển chuyển này rõ ràng sẽ dễ dàng được người dùng chấp nhận hơn, so với việc nhìn thấy Apple làm smartphone giá rẻ hay Xiaomi cố bán điện thoại giá nghìn USD.
Và công ty phải lo lắng nhất hiện nay chưa phải là Apple, mà chính là Samsung. Các sản phẩm của BBK dưới thương hiệu con như OnePlus, Oppo, Vivo, Realme đang cạnh tranh trực tiếp với các dòng smartphone A, M... của hãng công nghệ Hàn Quốc, cả về cấu hình lẫn mức giá. Chưa kể các hãng Trung Quốc rất chịu khó nghiên cứu, phát triển để thay đổi thiết kế và thử nghiệm tính năng mới để phục vụ sự đa dạng của từng đối tượng người dùng. Ở phân khúc cao cấp, Galaxy và Note vẫn giữ được chỗ đứng riêng, nhưng rõ ràng nếu ý lại vào chúng, Samsung sẽ bị vượt mặt lúc nào không hay. Bởi cả Oppo và OnePlus đều đang ngấp nghé và không ngừng cải tiến sản phẩm để tiếp cận đối tượng khách hàng cao cấp.
Có lẽ chỉ trong 2-3 năm nữa, bản đồ thị trường smartphone thế giới sẽ phải vẽ lại, bởi một công ty Trung Quốc.
BBK Electronics được thành lập năm 1995 bởi tỷ phú Duan Yongping. Trước đó, Duan Yongping đã hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc.
Hiện công ty này đang sở hữu các nhà máy trải với quy mô có thể trải dài trên 10 ha đất và được vận hành bởi hơn 17.000 nhân viên. Ban đầu BBK Electronics sản xuất các thiết bị như máy nghe nhạc CD, MP3 và DVD, cùng với các thiết bị gia dụng khác, dưới nhiều thương hiệu khác nhau.
Năm 2004, Duan thành lập OPPO cùng với CEO Tony Chen. Thương hiệu này đã được xây dựng dựa trên kinh nghiệm quản lý của Duan trong thị trường thiết bị điện tử.
Cuối năm 2009, Vivo ra đời. Nó cũng được thành lập bởi Duan nhưng với một vị CEO khác là Shen Wei. Chiếc smartphone Vivo đầu tiên xuất hiện vào năm 2011, với thiết kế siêu mỏng, đã gây tiếng vang lớn trên thị trường.
Còn OnePlus lại không phải công ty do Duan thành lập. Công ty này do cựu phó chủ tịch của OPPO, Pete Lau và nhà đồng sáng lập Carl Pei gây dựng vào năm 2013, với mục đích ban đầu là chi nhánh của OPPO. Điều này cũng đồng nghĩa với việc OnePlus thuộc quyền sở hữu của công ty mẹ BBK.