Công trình 200 năm từng khiến cố GS Võ Tòng Xuân thốt lên “ĐBSCL khỏi lo thiếu gạo ăn” xác lập kỷ lục mới

Minh Hằng |

Công trình được xác lập kỷ lục Việt Nam có giá trị rất to lớn về cả kinh tế và giao thông trong 200 năm qua.

Công trình 200 năm từng khiến cố GS Võ Tòng Xuân thốt lên “ĐBSCL khỏi lo thiếu gạo ăn” xác lập kỷ lục mới - Ảnh 1.

Đó là kênh đào Vĩnh Tế (hay còn gọi là kênh Vĩnh Tế). Đây là kênh đào chảy qua địa phận của hai tỉnh là An Giang và Kiên Giang, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của nước ta. Kênh Vĩnh Tế không chỉ là công trình mang ý nghĩa lịch sử mà còn được coi là huyết mạch giao thông trọng yếu, thúc đẩy giao thương kinh tế để chấn hưng vùng biên viễn Tây Nam.

Theo các ghi chép trong lịch sử, Vĩnh Tế là kênh đào lớn thứ hai trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Kênh đào này được danh thần Thoại Ngọc Hầu chỉ huy khoảng 80 vạn người đào bằng tay từ năm 1819 – 1824. Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang, kênh Vĩnh Tế có chiều dài khoảng 91 km, bắt đầu từ bờ Tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành (thuộc TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ngày nay).

Vĩnh Tế là "kênh đào thủ công dài nhất Việt Nam"

Công trình 200 năm từng khiến cố GS Võ Tòng Xuân thốt lên “ĐBSCL khỏi lo thiếu gạo ăn” xác lập kỷ lục mới - Ảnh 2.

Kênh Vĩnh Tế sẽ được xác lập kỷ lục Việt Nam là "Kênh đào thủ công dài nhất Việt Nam". Ảnh: HN

Chiều qua (29/10), UBND tỉnh An Giang tiến hành tổ chức cuộc họp rà soát công tác tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 - 2024) và tưởng niệm 198 năm Ngày mất của bà Châu Thị Tế (1826 – 2024, vợ của ông Thoại Ngọc Hầu).

Hoạt động kỷ niệm dự kiến diễn ra trong 2 ngày (14 – 15/11/2024) tại khu vực Núi Sam, TP Châu Đốc, với nhiều hoạt động mang nội dung thiết thực.

Bên cạnh lễ theo nghi thức truyền thống, bao gồm Lễ cúng Tiên, Lễ cúng Chánh Tế được tổ chức tại Di tích cấp quốc gia Lăng Thoại Ngọc Hầu, còn có hội thảo khoa học cấp quốc gia, các hoạt động an sinh xã hội, văn hóa – văn nghệ… Đặc biệt, kênh Vĩnh Tế còn đón nhận xác lập kỷ lục Việt Nam là "Kênh đào thủ công dài nhất Việt Nam".

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang, kênh Vĩnh Tế có chiều dài 91 km, bắt đầu từ bờ Tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành (thuộc TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ngày nay).

Kênh đào giúp "ĐBSCL khỏi lo thiếu gạo ăn"

Công trình 200 năm từng khiến cố GS Võ Tòng Xuân thốt lên “ĐBSCL khỏi lo thiếu gạo ăn” xác lập kỷ lục mới - Ảnh 3.

Kênh Vĩnh Tế là công trình mang lại nhiều giá trị to lớn cho vùng tứ giác Long Xuyên. Ảnh: NR

Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, theo nhận định của các chuyên gia, kênh Vĩnh Tế là công trình lớn có nhiều giá trị về nhiều mặt như quốc phòng, giao thông, thương mại, thủy lợi, nông nghiệp. Trong đó, giá trị này vẫn đang được phát huy cho đến ngày nay. Cụ thể, trong 200 năm qua, kênh Vĩnh Tế vẫn thầm lặng mang lại nguồn tôm cá dồi dào, đồng thời cung cấp nước ngọt và phù sa cho hàng nghìn ha đất nông nghiệp tại vùng tứ giác Long Xuyên.

Những người dân sống ở xung quanh dòng kênh Vĩnh Tế luôn coi kênh đào này là mạch nguồn của sự sống, bởi đây là nơi cho họ sinh kế qua nhiều thế hệ.

Vùng tứ giác Long Xuyên thuộc ĐBSCL là vùng đất được hình thành trên địa phận 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp, kể từ thời khai thiên lập địa, vùng tứ giác Long Xuyên có dân cư thưa thớt. Người dân nơi đây 6 tháng làm lúa mùa, còn 6 tháng còn lại thì ngồi chơi. Sản lượng lúa trên toàn tỉnh lúc bấy giờ cũng chỉ tầm 600.000 tấn/năm. Tuy nhiên sau khi lấy nước từ kênh Vĩnh Tế, vùng tứ giác Long Xuyên mới trở thành vựa lúa lớn nhất của ĐBSCL.

Cụ thể, vào tháng 7/1996, sau nhiều cân nhắc, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định phóng tuyến kênh T5 – Tuần Thống (ngày nay là kênh Võ Văn Kiệt). Chưa đầy 1 năm sau đó, kênh T5 hoàn thành (dài 36,7 km) giúp đưa nước ngọt từ kênh đào Vĩnh Tế xuyên qua vùng Tứ giác Long Xuyên ra tới biển Tây. Kể từ đó, chương trình khai thác Tứ giác Long Xuyên sau 10 năm (1989 – 1999) cũng thành công vang dội. Sản lượng lúa của tỉnh An Giang cũng tăng từ 600.000 tấn lên 3 triệu tấn/năm.

Lúc sinh thời, GS Võ Tòng Xuân cũng từng chia sẻ nhận định về kênh Vĩnh Tế. Chia sẻ với báo Thanh niên, GS Võ Tòng Xuân cho rằng: " Có kênh Vĩnh Tế, ĐBSCL khỏi lo thiếu gạo ăn. Vì phía sông Hậu, kênh Vĩnh Tế dẫn nước ngọt từ Châu Đốc xuống tận Hà Tiên. Còn phía sông Tiền, kênh Trung Ương dẫn nước ngọt từ sông Tiền xuyên qua Đồng Tháp Mười đến Long An. Từ 2 trục nước này, hệ thống kênh thủy lợi đan xen gần như kiện toàn, tạo nên vựa lúa Đồng Tháp Mười - Tứ giác Long Xuyên, là vùng sản xuất lúa lớn nhất miền Tây ".

Theo các ghi chép trong lịch sử, thành công của danh thần Thoại Ngọc Hầu trong đại công trình kênh Vĩnh Tế luôn có sự góp công to lớn của người vợ tên là Châu Thị Tế. Sau khi hoàn thành kênh đào này, Vua Minh Mạng xét đến phu nhân của ông là người tận tâm, tận lực giúp chồng hoàn thành công tác đào kênh thủy lợi do triều đình giao phó trong suốt mấy năm, nên đặt tên cho kênh này là Vĩnh Tế hà. Người đời sau gọi là kênh Vĩnh Tế.

Năm 1836, Vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh làm quốc bảo. Hình ảnh kênh Vĩnh Tế được chạm khắc vào cao đỉnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại