Chuyên gia dinh dưỡng Trần Văn Dai - kiến trúc sư trưởng Chương trình chăn nuôi của HAGL chia sẻ rất thật với chúng tôi như vậy trong cuộc trò chuyện cởi mở đầu tiên của ông với báo chí.
Trước khi đến với HAGL, ông Trần Văn Dai đã từng làm việc tại Tập đoàn CP Group Thái Lan, chuyên gia dinh dưỡng cho Công ty Đồng Nai - Long Châu, tập đoàn Hòa Phát... Bất ngờ thay, giữa ông và HAGL không hề có bản hợp đồng lao động nào. Ông Dai hiện cũng chưa nhận đồng lương nào từ bầu Đức. Sự gắn bó đặc biệt này đơn thuần vì lý do, như ông chia sẻ "thực ra MÌNH RẤT THÍCH TÍNH ANH ĐỨC".
Ông Trần Văn Dai: Chuyện anh Đức nuôi heo, xuất phát điểm là có người đề nghị hợp tác cùng HAGL nuôi heo bằng cám công nghiệp. Hình thức hợp tác sẽ là liên doanh trong đó bầu Đức chiếm 30% còn hai cổ đông khác chiếm 70% cổ phần. Vậy là gần như họ chỉ cần quỹ đất của HAGL để dựng chuồng nuôi heo.
Nhưng Ba Đức là một doanh nhân cực kỳ nhạy cảm với mọi cơ hội kinh doanh. Lúc đó, ổng nghĩ nếu nuôi heo ngon ăn, tại sao người ta nuôi được mình không nuôi được mà phải chịu liên doanh với cổ phần bé tý tẹo? Ba Đức đi tìm hiểu, nói chuyện với anh Đỗ Xuân Diện. Từ đó anh Diện mới tư vấn HAGL hình thành chương trình chăn nuôi của riêng mình.
Cuối năm 2020, tôi nhận lời đề nghị lên Gia Lai nhằm tìm hiểu thực tế, đánh giá tính khả thi dự án chăn nuôi heo cho HAGL. Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông Đoàn Nguyên Đức.
Ổng hăng hái lắm, dẫn tôi đi khắp nơi, kể hết những gì HAGL có. Đến khu vực xây chuồng heo mà hôm rồi vào, bạn nhìn thấy đó, anh Ba hỏi: "Ông Dai, tui nuôi heo được không ông?"
Tôi trả lời bằng một câu thôi, bây giờ nhắc lại vẫn thấy mình nói vừa thật vừa đúng.
- "Nếu anh không làm được là anh dở!"
Ổng đại gia mà, nghe xong hơi khựng lại. Tự nhiên có thằng cha lại dám nói mình dở! Nhưng câu chuyện nó đúng là như vậy. Ổng hỏi ngay:
- Tại sao ông nói mạnh miệng vậy?
- Từ cách đây hơn 30 năm tôi đã làm cho quá trời công ty chăn nuôi heo. Người ta thèm khát từng miếng đất nhỏ xíu xíu để nuôi heo, trong khi ông Ba Đức có đến 1.400ha! Quỹ đất của anh lớn như vậy, điều kiện tự nhiên khí hậu ôn hòa như vậy lại cách biệt khu dân cư... Riêng những gì HAGL đang có, chưa cần nói đến trái chuối - thứ nguyên liệu quý giá vàng ròng, vẫn đủ sức giúp anh cạnh tranh với mọi công ty nuôi heo ở Việt Nam. Anh không làm được là anh dở rồi chứ còn gì.
- Thế ông chuyên về gì? - Anh Đức hỏi, nghe giọng có chiều sốt ruột rồi đó.
Tôi chỉ nói: "Tôi làm chuyên viên nghiên cứu dinh dưỡng nhưng không bán cám, không bán khoáng, vitamin..."
Thanh An: Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức sẽ không đơn giản chỉ vì người khác nói mạnh miệng mà xuống tay đầu tư lớn như vậy đâu thưa ông.
Ông Trần Văn Dai: Chính xác! Nói suông với ổng không được đâu. Thật ra hồi đó anh Đức không tin, không chịu làm như thế này đâu.
Ban đầu anh ấy chỉ muốn giải quyết vấn đề chất thải, nước thải từ chuối loại thôi. Hồi tôi qua Lào, anh Thắng Giám đốc dự án của HAGL ở bên đó nức nở: "Anh ơi anh cứu em với chứ để vậy thối quá".
Hồi đó, công ty phải cho công nhân vận chuyển rồi đưa hàng thải tập kết về một chỗ tính ủ làm phân bón. Nhưng dinh dưỡng của trái chuối quá nhiều nên phân bón không phù hợp với trồng trọt, lại càng không phù hợp cho đất đai.
Vì làm dinh dưỡng nên nhìn vấn đề là tôi biết, trái chuối phải được sử dụng đúng - đủ với nhu cầu của từng hệ tiêu hóa và bầu Đức phải đi con đường hoàn toàn khác. Nhiều lần làm việc tôi vẫn nói: "Anh cứ tin em, phát triển vườn chuối và đàn heo đi. Em sẽ lấy trái chuối làm trung tâm để giúp anh có được loại thịt heo thương phẩm đặc sản với giá thành cực cạnh tranh. Làm được chuyện đó là anh tạo ra sự kiện rất lớn. Vậy nên anh không tin cũng không được đâu".
Chính nhờ vậy mà HAGL bây giờ còn đâu chuối loại nữa để ô nhiễm. Có trái nào không bán tươi cho người ăn thì vào đàn heo hết sạch. Tính ra cả hệ thống trang trại của HAGL đã có 6 - 7 khu sấy chuối khô để sơ chế làm cám.
Thanh An: Lứa heo đầu tiên xuất chuồng như thế nào thưa ông? Chắc chắn các ông phải có một quá trình nuôi thử nghiệm, đánh giá và hoàn thiện quy trình chứ?
Ông Trần Văn Dai: Con heo đầu tiên trong chuồng được mang đi mổ, tôi chứng kiến từ đầu đến cuối, lúc ấy anh Đức đang ở bên Lào.
Hồi đó heo đến ngày xuất chuồng vẫn hơi nhỏ, cỡ 95kg thôi chứ chưa đạt cân nặng tối ưu như bây giờ. Người mổ heo nhận xét: "Thịt hơi mỏng nhưng rất hồng". Tôi mới bảo mổ thêm con nữa. Kết quả, ổng đánh giá: "Thịt chắc, dẻo, hồng".
Ai cũng mừng vui bởi vì khác với nhiều công thức thức ăn chăn nuôi bên ngoài, để thịt thương phẩm màu hồng đẹp người ta phải xử lý bằng một số công nghệ, trong khi công thức của mình sử dụng bột chuối là nguyên liệu chính mà vẫn có màu hồng đẹp tự nhiên. Mọi tính toán mình đều hướng đến trạng thái phù hợp tối ưu với cơ thể vật nuôi nhưng chuyện mới chỉ dừng ở công thức. Phải tới ngày mổ thịt mình mới có thành phẩm để thực chứng nghiên cứu là đúng. Điểm duy nhất tôi sợ là miếng thịt có thể bị trắng, không hấp dẫn người đi chợ.
Kết quả, miếng thịt không trắng.
Lúc đó ông Mai, Giám đốc công ty chăn nuôi của HAGL kêu mang hết thịt về nhà bếp nấu mời anh chị em công nhân, còn tôi bấm điện thoại:
- "Anh biết tin gì chưa anh Ba? Thịt mổ ra ngon!"
Ngay cả đến tận lúc đó, anh Đức vẫn chưa tin. Từ Lào về ông kêu lái xe chạy thẳng đến chỗ mổ heo và yêu cầu: "Mổ thêm con nữa".
Rồi ông nói: "Ông Dai làm công thức, còn ông Mai tổ chức nuôi, đương nhiên các ông phải nói thịt của các ông ngon, đời nào nói dở! Thịt này phải đưa cho mấy bà đi chợ chứ mấy ông chỉ biết nhậu thôi chắc chắn không rành".
Bữa đó, công ty gửi thịt đến tay 20 bà nội trợ chuyên đi chợ trên 20 năm để chế biến. Anh Đức còn kêu đưa thịt về cho chị đầu bếp chuyên nấu ăn trong nhà ổng mấy chục năm trời. Tối đến anh mời tôi qua nhà ăn tối. Trước bữa ăn lại mời chị bếp lên nói chuyện. Bữa đó có anh Ba Đức, tôi và chị Ba.
- "Miếng thịt này á, nếu chấm điểm thì được 10 điểm. Còn thịt ở ngoài chợ, loại tôi đã lựa rồi, 7 điểm". Chị bếp cũng nói thêm nước luộc thịt trong, mùi nhẹ không bị đục như thịt mua ở ngoài.
Sau bữa cơm, tôi với anh Ba cùng xem trận đá bóng, có những lúc trong buổi tối hôm ấy, ổng gật gù: "Câu chuyện khác rồi! Đây là một câu chuyện rất khác rồi!"
Tôi cũng làm doanh nghiệp nên biết, ổng đếm ra được tiền rồi đó!
Từ sau hôm ấy, anh Đức tổ chức mổ heo liên tục để gửi biếu, tặng biết bao nhiêu công nhân, cổ đông, bạn thân... của ổng. Và đúng là từ đó, bầu Đức đối xử với ngành heo theo một CÂU CHUYỆN RẤT KHÁC.
Thanh An: Câu chuyện rất khác trong hành trình bầu Đức nuôi heo cụ thể là gì thưa ông?
Ông Trần Văn Dai: Người ta chỉ đơn
giản nghĩ bầu Đức trồng chuối, dựng trại nuôi heo thôi chứ họ không thể hình dung được ông Đoàn Nguyên Đức làm chi tiết và bài bản đến mức độ nào. Sau khi mình chứng minh được sự phù hợp giữa trái chuối và con heo thì anh Đức đồng ý cho mọi nội dung thuộc chương trình cây chuối - đàn heo cứ thế mà chạy.Bây giờ mình cùng nhìn xem lợi thế của doanh nghiệp chăn nuôi nước ngoài là gì mà họ chiếm thị phần quá lớn trong ngành chăn nuôi của Việt Nam vậy? Mọi người hay phân tích những thế mạnh về vốn, kinh nghiệm quản lý, quy trình chăm sóc, hệ thống quản lý chất lượng... Rất nhiều. Riêng tôi lại thấy không có gì là lợi thế hết.
Vốn mình đâu thiếu. Quy trình - nếu như 20 năm trước đúng là mình thiếu, còn giờ mình học được rồi, thực hành nhuần nhuyễn rồi, triển khai hoàn thiện rồi. Công nghệ mình tiếp cận và làm chủ được rồi. Vậy doanh nghiệp nước ngoài có gì hơn ta?
Khó nhất trong ngành chăn nuôi là vấn đề dinh dưỡng chứ không phải quy trình. Thực tế, mọi tập đoàn thức ăn chăn nuôi quốc tế đều có hội đồng khoa học với các chuyên gia hàng đầu trong những lĩnh vực chuyên sâu về dinh dưỡng. Và anh Đức đang triển khai đồng bộ cả bốn nội dung cơ bản của một chương trình chăn nuôi bền vững tại HAGL.
Việc thứ nhất - dinh dưỡng. Việc thứ hai là giám sát, phản biện quy trình chăm sóc. Việc thứ ba là xây dựng hệ thống chuyên gia và tổ chức chương trình thú y. Các viện nghiên cứu, các trường đại học, các trung tâm thí nghiệm, kiểm định... đều đang giúp công ty chăn nuôi của tập đoàn rất nhiều. Có vậy chương trình heo ăn chuối mới vững tin việc thứ tư, kiểm soát phòng và chống dịch bệnh thành công.
Ví dụ dịch tả heo châu Phi ASF vốn là bệnh ám ảnh người nuôi heo toàn thế giới, có bệnh là mất trắng. Nhưng HAGL đã xây dựng giải pháp phòng chống hiệu quả đến mức, nếu dịch xuất hiện, cả trại heo chỉ thiệt hại tỷ lệ phần trăm nhất định chứ không có chuyện mất hết cả chuồng.
Làm được những chuyện khó như vậy bởi vì HAGL đã đầu tư hệ thống phòng xét nghiệm PCR hiện đại bậc nhất, đặt tại Hội sở tập đoàn giữa thành phố Pleiku. Nhanh lắm, chỉ cỡ sau 4 tiếng đồng hồ từ khi lấy mẫu đã cho ra kết quả. Nhờ đó chúng tôi đảm bảo thời gian nhanh nhất để nhận diện ra loại bệnh cụ thể, có biện pháp đáp ứng kịp thời.
Trại nuôi heo của Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Thanh Phạm
Thanh An: Còn dinh dưỡng - vấn đề ông cho là khó nhất trong chăn nuôi thì HAGL đang làm như thế nào?
Ông Trần Văn Dai: Tôi đã có thời gian rất dài nghiên cứu về dinh dưỡng con heo, nó như là máu thịt, nên hiểu rất rõ về lĩnh vực này.
Thực tế, giống heo của HAGL không có gì khác biệt, quá trình mổ và phân phối cũng tuân theo những tiêu chuẩn đồng nhất với các nhà chăn nuôi quốc tế khác. Vậy điều gì khiến thịt heo của HAGL trở thành riêng có?
Sự khác biệt nằm ở công thức dinh dưỡng HAGL cung cấp cho heo hàng ngày. Trái chuối có thể gọi là KEY, gọi là trung tâm trong chương trình chăm sóc dinh dưỡng đàn heo của HAGL.
Khi phân tích ra sẽ thấy trái chuối có vô cùng nhiều giá trị đối với cơ thể vật nuôi, thậm chí với cơ thể con người. Trái chuối cung cấp năng lượng, tinh bột, đường, cung cấp vitamine C, Kali - giúp cơ không bị co... Và trong trái chuối có thêm chất xơ chức năng - là loại xơ thực sự ưu việt giúp vi khuẩn có lợi trong đường ruột con heo cũng như đường ruột con người phát triển lành mạnh. Rồi lại có thêm loại xơ nữa rất quan trọng cho quá trình phát triển protein…
Từ những ưu việt đó của trái chuối, HAGL xây dựng nên chế độ dinh dưỡng tối ưu và quy trình chăm sóc riêng với từng giai đoạn phát triển của đàn heo. Ví dụ, heo bầu và heo đang cho con bú có dinh dưỡng bổ sung là 22 - 25 trái chuối chín/ngày/nái. Heo con vừa cai sữa cũng ăn chuối chín nhưng cầu kỳ hơn, bóc vỏ xay nhuyễn chuối trộn với cám bột. Heo đạt cân nặng từ 20kg trở lên ăn bằng thức ăn trộn 40% bột chuối sấy đồng thời bổ sung thảo dược, men vi sinh lợi khuẩn.
Thanh An: Đây có phải là công thức ông ấp ủ suốt cả sự nghiệp và khiến ông hài lòng nhất không?
Ông Trần Văn Dai: Hài lòng thì đúng, còn hài lòng nhất thì chưa. Hiện giờ đây là CÔNG THỨC TỐT NHẤT, nhưng chưa phải là công thức cuối cùng. Còn nhiều yếu tố có thể làm tốt hơn và HAGL đang nghiên cứu để làm tốt hơn nữa.
Thật ra đây chính là bài toán kinh doanh điển hình - có lợi thế gì thì tập trung phát huy lợi thế đó tối đa. Nếu anh Đức không có lợi thế từ trái chuối, chắc chắn tôi sẽ quay ra tìm lợi thế khác HAGL đang có. Thực tế là tôi có thể làm công thức dinh dưỡng không cần chuối nhưng chất lượng thịt sẽ chỉ đạt đến cỡ 90 - 95% heo ăn chuối.
Hơn nữa, làm công thức dinh dưỡng cho vật nuôi rất khó, khó hơn nhiều so với dinh dưỡng cho người. Với người, chúng ta sẽ tìm kiếm nguyên liệu tốt và tốt nhất. Bạc triệu thậm chí bao nhiêu tiền mà tốt, người ta cũng đồng ý. Với con heo đâu thể làm vậy. Ai mua cân thịt heo giá 500.000 đồng?
Câu chuyện nằm ở chữ HIỆU QUẢ. Trái chuối hiện chiếm đến 40% tỷ lệ thức ăn cho đàn heo của HAGL vốn là phế phụ phẩm của chu trình sản xuất chuối xuất khẩu. Hiệu quả nằm chỗ anh Ba chỉ cần bán chuối thải trong ngành trồng chuối xuất khẩu sang cho ngành chăn nuôi với giá rất rẻ cũng đã lời rất nhiều rồi. Lời này được tính cho chương trình chuối xuất khẩu.
Với chính giá mua vào rất rẻ đó, anh ấy làm nguyên liệu đầu vào cho ngành chăn nuôi, vậy là cạnh tranh được với tất cả đối thủ trong ngành chăn nuôi ở Việt Nam rồi. Chúng ta nên hiểu một chuyện, chỉ có mình anh Đức ở đất nước này mới đủ chuối để nuôi heo chứ người khác lấy chuối đâu ra mà nuôi!
Thanh An: Với loại thịt ngon tương đương nếu không có trái chuối thì giá thành sẽ bị đẩy lên bao nhiêu?
Ông Trần Văn Dai: Tăng lên khoảng 20%.
Hiện giờ không ai nghĩ HAGL đủ sức làm cám. Bởi vì cám công nghiệp xưa nay bị mặc định là độc quyền của nước ngoài. Nhưng không ai hình dung ra được toàn bộ quy trình, phân tích, công thức, nguyên liệu... tôi đã làm hoàn hảo từ A-Z. Kết quả, HAGL đã có khu sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất 10.000 tấn/tháng. Nhờ chủ động được nguồn thức ăn nên mỗi tháng anh Đức tiết kiệm được ít nhất từ 5 - 7 tỷ đồng cho một chuồng heo.
Tôi tính sơ qua cho bạn xem - 1 ha chuối ở Campuchia 1 năm cho 120 tấn, hiện tại HAGL đang có cỡ 1.000 ha. Vậy là anh Đức đã có 120.000 tấn/năm và sản xuất được trên 25.000 tấn bột cám. Nhìn ra quy mô toàn tập đoàn, hiện HAGL đang sử dụng 3.000 ha diện tích phục vụ dự án heo - chuối. Lợi thế này cho phép ông Đức tiết kiệm và cạnh tranh vượt bậc so với các công ty chăn nuôi lớn khác ở Việt Nam.
Nhiều người cười nhạo cho rằng anh Đức nói phét - "Có điên mới đi trồng chuối nuôi heo!" Còn tôi xin khẳng định, nếu anh Đức không thành công thì coi như Việt Nam không ai làm được nông nghiệp quy mô lớn.
Thanh An: Nếu chương trình cây chuối - con heo thành công, bầu Đức trả hết nợ thì ông được cái gì?
Ông Trần Văn Dai: Tôi chưa biết. Cái này phải hỏi anh Đức.
Bây giờ anh Đức và công ty trả lương đó, nhưng tôi không nhận. Tôi làm cho HAGL vì muốn đóng góp cho HAGL và nông nghiệp Việt Nam một cái gì đó lớn hơn, để mọi người có cái nhìn khác hơn về kỹ sư nông nghiệp Việt Nam.
Hơn nữa, tôi cũng từng nói với anh Ba: "Cứ làm đã. Tới chừng nào thành công thì tính, mà tính là anh tính. Vì anh đại gia mà, anh tự nghĩ đi". Anh em chân tình tôi nói vui vậy thôi, chứ thực tế, anh Ba Đức rất trân trọng con người.
Người ở vị trí chủ tịch tập đoàn cỡ như anh Đức nếu xuống chuồng heo chắc chắn chỉ vì con heo của mình chứ gì. Riêng anh Ba Đức khác hoàn toàn.
Có cậu nhân viên, vốn là trưởng một khu trại nhưng không đạt thành tích nên bị điều qua bộ phận khác. Lúc bị chuyển tức là xuống chức phải không? Công ty cho qua trại khác để học tập thêm dưới một người trưởng trại lão luyện hơn nhưng vẫn cho hưởng 3 tháng tiếp theo nguyên lương cũ. Nên nhớ lương vị trí này là 40 triệu/tháng.
Tiếp nữa, trại heo cậu này vừa rời đi, một thời gian ngắn sau được thưởng vì đạt hiệu suất chung. Vậy là bữa rồi tôi với anh Đức xuống thăm, cậu đấy mới qua hỏi:
- Anh Dai ơi, sao em không được thưởng?
- Ủa mày nghĩ gì vậy Hùng?
- Em cũng có công với chuồng đó mà.
Mình thì hiểu rằng nếu đạt thành tích tốt hẳn cậu đã ở lại chuồng đó. Vậy nên mới trả lời: "Chuyện này anh không giải quyết được đâu. Nhân sự và tiền bạc là công ty quyết định chứ anh biết gì để tham gia".
Không hiểu nó chạy qua nói với anh Đức lúc nào mà tới chiều ổng kể: "Hùng nó xin tôi thưởng đó ông Dai". Đúng ra nó không được đâu nhưng cuối cùng ổng lại cho.
Thật ra, hào phóng với nhân viên là tính cách rất bình thường với ông Ba Đức. Có con bé ở khu đẻ, công ty quy định heo cai sữa 22 ngày tuổi phải đạt ngưỡng từ 6,8kg trở lên, nhưng đợt đó chuồng nó chăm chỉ cỡ 6,3kg thôi, dù nó rất sát sao chăm sóc heo. Ông Đức chứng kiến hết mới than: "Tội con Vy đó thật, nó gần được".
Hahaaaa, ổng mất tiền mà còn xót ruột giùm nhân viên, định thưởng kìa. Tôi mới bảo: "Không, anh đừng làm vậy. Vô tình thành lệ không tốt cho quy định thưởng phạt của công ty".
Tới cuối buổi ổng vẫn xuýt xoa: "Nó phấn đấu rồi mà thiếu có xíu". Trời! Xíu gì xíu tận 5 lạng!
Một người đối xử với người lao động nhân văn như vậy, tôi thử hỏi bạn, làm với ổng tôi được gì?
Trước nhất, anh em có duyên gặp nhau. Anh đang cần cái mình có. Vậy là mình có điều kiện để cống hiến. Tiếp nữa, làm với anh Đức bản thân tôi đạt được mục đích lớn trong đời - tạo ra sự khác biệt cho ngành chăn nuôi heo của Việt Nam - từ đây người Việt Nam đường hoàng cạnh tranh sòng phẳng với quốc tế. Câu chuyện ở đây còn là sự cạnh tranh trong ngành dinh dưỡng giữa Việt Nam với nước ngoài.
Còn những chuyện khác, anh Đức tự biết phải làm gì. Mình chỉ biết anh Đức rất trân trọng mình. Vậy là đủ rồi.
Thanh An: Với nhân viên của bầu Đức, tôi sẽ không hỏi câu này, nhưng vì ông đang làm việc với tư cách là chuyên gia ở HAGL, tôi muốn hỏi thật ông: chúng ta cứ trầm trồ về người doanh nhân này, có rất nhiều lời khen ngợi ông ấy. Vậy đâu là điểm trừ ở doanh nhân Đoàn Nguyên Đức mà ông nhìn thấy?
Ông Trần Văn Dai: Có nhiều điểm trừ chứ. Con người mà, toàn điểm cộng sao nổi. Người ngoài hành tinh à?
Quá trình làm việc và tìm hiểu hành trình kinh doanh của anh Đức tôi thấy: anh ấy làm quá nhanh. Bất kỳ việc gì anh Đức làm cũng nhanh và quyết liệt dẫn đến bộ máy đôi lúc theo không kịp. Khi đó kết quả có thể không như mong muốn.
Tôi tính cho bạn xem, mỗi cụm chuồng heo của HAGL đang gồm 2.400 nái cùng 20.000 heo thịt tương đương vốn đầu tư cỡ 150 tỷ đồng (chưa tính tiền đất). Vậy mà chỉ gần 2 năm anh Đức đã hình thành được 10 cụm chuồng heo như vậy. Đến thời điểm này, phải nói chưa một công ty nào ở Việt Nam có thể triển khai được tốc độ phát triển đàn thần tốc như vậy.
Tầm vóc và tâm huyết của anh Đức cực kỳ lớn. Vì vậy người dưới quyền khó tranh luận với ổng lắm. Những người có thể phản biện ổng đòi hỏi vừa phải đủ kiến thức, vừa phải đủ thân tín và phải thực sự chơi với ổng nữa. Việt Nam thực sự có được mấy người đủ trình độ đó?
Đã từng có lúc anh Ba hỏi tôi: "Tại sao tôi làm nông nghiệp mấy chục năm mà chưa có sản phẩm gì để nói với thiên hạ?"
Chương trình heo này tôi mà nghe theo lời ổng hết thì chắc cũng chưa có gì để công bố với thiên hạ đâu.
Sau rất nhiều lần chấp nhận mình sai và sửa sai, bây giờ, chính cây chuối - con heo đã trở thành thương hiệu, là tự hào trong suốt hành trình làm nông nghiệp của ông Ba Đức đó.
Thanh An: Trò chuyện với ông không hiểu sao tôi có cảm giác dự án cây chuối - con heo như là hành trình để cho bất cứ ai tham gia vào: từ bầu Đức, chuyên gia Trần Văn Dai cho đến anh giám đốc hay kỹ sư, công nhân ở công ty chăn nuôi... trưởng thành và hạnh phúc hơn. Tôi thực tâm chúc cho hành trình này sẽ có đích đến thành công tốt đẹp. Rất cảm ơn ông về cuộc trò chuyện, dù là lần đầu tiên nhưng đầy cởi mở và chân thành!