Công Phượng: Tuổi 24, chẳng lẽ cứ bất ổn mãi?

HỒNG NAM |

Đến bao giờ Công Phượng được một CLB chiêu mộ vì khả năng, thay vì danh tiếng, hình ảnh cũng như những giá trị nằm ngoài khuôn khổ chuyên môn?

"Nếu cầu thủ chơi bóng theo bản năng, đặc tính của mình, họ cần được HLV sử dụng đúng vị trí để phát huy được điểm mạnh. Nếu điểm đặc biệt của mình không được HLV sử dụng, đấy là điều thiệt thòi, ảnh hưởng đến phong độ, chuyên môn, khiến cầu thủ mất phương hướng trong quá trình phấn đấu.

Chơi ở đội thiên về thể lực, sức mạnh, liệu chúng ta có đủ khả năng để hoà nhập không? Khi Incheon muốn có Công Phượng, đội bóng này phải biết dùng người hợp lý".

Đó là chia sẻ của chuyên gia Phan Anh Tú với báo điện tử VTC News ở những ngày giữa tháng 4. Công Phượng khi ấy đang bị "giam" trên băng ghế dự bị. Cuộc hành trình của Công Phượng trên đất Hàn Quốc kết thúc sau 4 tháng.

Công Phượng: Tuổi 24, chẳng lẽ cứ bất ổn mãi? - Ảnh 1.

Công Phượng xuất hiện trong buổi tuyển sinh của lò HAGL khoá V.

Tiền đạo xứ Nghệ trở về Việt Nam, và sẽ tiếp tục có chuyến phiêu lưu mới trên đất Bỉ. 6 năm sau ngày "bước ra ánh sáng" với cú đúp giúp U19 Việt Nam thắng U19 Australia 5-1, Công Phượng vẫn mãi dừng ở mức... tiềm năng.

Công Phượng có phải cầu thủ tốt? Chắc chắn là có. Dưới thời Toshiya Miura, Hữu Thắng đến Park Hang Seo, Công Phượng luôn có vị trí quan trọng. Chân sút sinh năm 1995 là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho các cấp độ ĐTQG tính từ thời điểm anh khoác áo tuyển, đặt dấu ấn vào thành công của U23 hay ĐTQG Việt Nam dưới thời thầy Park.

Những pha lập công vào lưới U23 Hàn Quốc, U23 Iraq, tuyển Iraq, Jordan hay 90 phút thăng hoa trước Nhật Bản sẽ khiến nhiều người nhớ mãi. Lứa cầu thủ trẻ đầu tiên của học viện HAGL Arsenal JMG, Công Phượng là cầu thủ sáng giá bậc nhất. Đến hôm nay, Công Phượng vẫn là một trong không nhiều cái tên từ thời U19 Việt Nam còn trụ lại bóng đá đỉnh cao.

So với đồng đội cũ, Công Phượng cũng là người tiến xa nhất, và là cầu thủ Việt Nam thứ 2 (sau Công Vinh) chơi bóng ở châu Âu. Nhưng danh xưng ấy liệu có quan trọng?

Công Phượng: Tuổi 24, chẳng lẽ cứ bất ổn mãi? - Ảnh 2.

Công Phượng lo ngại không được đá ở vòng loại World Cup 2022. (Ảnh: Ngọc Anh)

Khi các cầu thủ nước ngoài nói chung hay cầu thủ Việt Nam nói riêng sang tham gia các đội bóng của Nhật Bản thì trước hết họ phải xem mình có phù hợp với các vị trí yêu cầu của đội bóng ấy hay không.

GS Hadara Satoru chia sẻ với báo Bóng Đá

Trở lại với giấc mơ xuất khẩu cầu thủ bầu Đức từng ấp ủ khi nói về lứa HAGL JMG. Những cầu thủ được đào tạo bằng tiêu chuẩn châu Âu, tập huấn tại châu Âu, thi đấu với các lò đào tạo danh tiếng, nên đích đến cao nhất vẫn phải là chơi bóng ở nước ngoài. Công Phượng, trong một chia sẻ hồi đầu năm 2019, cũng không giấu khát vọng được chơi bóng ở lục địa già.

Khát vọng đó đã thành hiện thực, nhưng đó sẽ là hiện thực đầy hoài nghi. Câu chuyện của cầu thủ Việt Nam không phải là xuất ngoại. Xuân Trường từng chơi ở Incheon, Gangwon và Buriram. Tuấn Anh đã tới Yokohama. Công Phượng cũng đá ở Mito Hollyhock, Incheon. 3 đứa con của bầu Đức đều xuất ngoại. Vấn đề nằm ở chuyện xuất ngoại như thế nào.

1 năm chơi ở Muangthong United của Văn Lâm có lẽ giá trị hơn nếu đặt cạnh 2 năm rưỡi "bôn ba" của Xuân Trường. Ngoại trừ Văn Lâm, rất ít cầu thủ Việt Nam nào trong quá khứ được CLB nước ngoài chiêu mộ với lý do chuyên môn cao hơn thương mại.

Công Vinh từng đá cho Consadole Sapporo và trở thành đại sứ thương hiệu cho một hãng bia. Xuân Trường đá ở Hàn Quốc để quảng bá hình ảnh. Incheon mang về Công Phượng có lẽ để CLB này tiếp cận nhiều hơn với thị phần CĐV Việt Nam tại Hàn Quốc.

Xuất ngoại vì lý do thương mại, trải nghiệm có, song đá chính thì không. Một đội bóng mua cầu thủ vì lý do thương mại, liệu có tạo điều kiện đặt cầu thủ vào kế hoạch dài hạn hay không, 4 tháng ở Incheon của Công Phượng là câu trả lời.

Quang Hải, Văn Hậu, Hùng Dũng, Đình Trọng,... không ngừng vươn lên dẫu chưa từng đá ở một CLB nước ngoài nào. Việc có được sự ổn định cùng cơ hội ra sân thường xuyên đóng vai trò quan trọng không kém cạnh so với xuất ngoại. Nếu ra nước ngoài chỉ vì cái "mã", cái danh mà không có cái thực tiễn thì chẳng khác nào "có tiếng, không có miếng".

Công Phượng: Tuổi 24, chẳng lẽ cứ bất ổn mãi? - Ảnh 4.

Văn Hậu không ngừng vươn lên. (Ảnh: Ngọc Anh)

Xuất khẩu cầu thủ cần có chiến lược rõ ràng. Thái Lan đến năm 2017 mới xuất khẩu cầu thủ đầu tiên sang J-League là Chanathip Songkrasin. Chanathip xuất ngoại năm 24 tuổi, bằng Công Phượng bây giờ. Tiền đạo có biệt danh "Messi Thái" nhanh chóng hoà nhập và lọt vào đội hình tiêu biểu J-League 2018.

Những cầu thủ Thái Lan sau đó đều được cho sang Nhật Bản như Theerathon Bunmathan, Thitiphan Puangchan, Teerasil Dangda, hầu hết đá thường xuyên và chơi ở J-League đến mùa thứ hai trở lên, đối nghịch với tình cảnh mỗi năm một đội bóng của Công Phượng, Xuân Trường hay Tuấn Anh. Thậm chí, "thâm niên" của Công Phượng ở CLB giờ chỉ được tính bằng tháng.

Bầu Đức sẽ không để "đứa con" của mình đá ở V-League. Công Phượng sẽ được toại nguyện khi thi đấu ở châu Âu, có được những trải nghiệm mới, rồi... sao nữa, chỉ thời gian mới trả lời được.

Ngay cả quyết định chuyển sang một đội bóng Bỉ thi đấu dường như cũng là phát sinh. Ai tính trước được Công Phượng sẽ chia tay Incheon sau 4 tháng để tìm luôn một đội châu Âu thế vào?

Chúng ta chỉ còn biết chúc cho Công Phượng sẽ may mắn ở CLB mới, dù ở tuổi 24, cầu thủ gốc Đô Lương không thể cứ mãi phiêu lưu với những bến đỗ đổi dời từng năm.

Công Phượng cần một đội bóng ổn định để khẳng định tên tuổi. Phượng không còn là cầu thủ trẻ nữa. Em đã đủ lớn để tự quyết định tương lai của mình, chứ không phải để ai khác làm thay điều đó.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại