May mắn là chấn thương của tiền đạo HAGL nhẹ, có thể hồi phục sau 2-3 ngày nghỉ ngơi. Điều này là một tin vui đối với U23 Việt Nam cũng như NHM khi VCK U23 Châu Á 2018 đang cận kề.
Nhìn lại cú té ngã rồi chấn thương của Công Phượng trong buổi tập dưới thời tiết có mưa và khá lạnh ở Hà Nội, thấy ông Park... đáng trách hơn.
Sở dĩ U23 Việt Nam tập trung ở Hà Nội vì để các cầu thủ làm quen với cái lạnh của miền Bắc, thời tiết gần giống với địa điểm sẽ diễn ra VCK U23 Châu Á 2018 tại Trung Quốc. Thế nhưng, cần phải hiểu rằng, khi Công Phượng đã có một mùa giải "vắt kiệt sức" ở nhiều giải đấu thì việc tập luyện với giáo án nặng như một con dao hai lưỡi.
Công Phượng cày ải quá nhiều từ CLB tới các cấp độ khiến cho cầu thủ này rơi vào tình trạng quá tải. Ảnh: Đ.Đ
Sơ sơ, Công Phượng đá khoảng 40 trận trong năm 2017. Một con số không hề nhỏ với cầu thủ trẻ như Công Phượng. Đó là chưa kể những khoảng thời gian dính những chấn thương nặng và không được thi đấu, tính ra mật độ thi đấu của tiền đạo này quả là đáng nể.
Với VCK U23 Châu Á 2018, trong 4 trận giao hữu gần nhất (3 trận tại M-150 Cup và trận đấu với Ulsan Huyndai), Công Phượng thi đấu gần trọn 360 phút chỉ trong một thời gian ngắn. Đó là chưa kể chơi ở vị trí như Công Phượng cần di chuyển nhiều, luôn nhận áp lực từ hậu vệ đối phương..., tiền đạo này đã cày ải quá mức, thậm chí là quá tải.
Trở lại với giáo án của ông Park, chiến lược gia người Hàn từng đánh giá thể lực của cầu thủ Việt không ổn định và kém sức bền. Thế nên, việc tập luyện để cải thiện thể lực là điều đáng cần. Nhưng ở một phạm vi nào đó, việc đưa ra những giáo án quá nặng, bất chấp thời tiết thì có khi lại phản tác dụng, dẫn tới những hệ lụy đáng trách.
Không chỉ riêng Công Phượng, một vài đồng đội khác ở tuyển U23 đã trải qua một năm thi đấu khá dày đặc ở CLB lẫn các cấp độ đội tuyển. Việc quá tải hoàn toàn có thể xảy ra cho các tuyển thủ U23 khác, nhất là trong bối cảnh toàn đội phải chạy đua gấp rút hướng đến VCK U23 châu Á, chấn thương sẽ rình rập các học trò của HLV Park Hang Seo bất cứ lúc nào.