Công nhận vaccine lẫn nhau - Bài toán mở cửa hậu Covid-19

Thu Hoài |

Nhiều quốc gia đã mở cửa cho du lịch quốc tế sau khi triển khai thành công các chương trình tiêm chủng. Tuy nhiên, sự không đồng nhất trong việc sử dụng vaccine hay các loại giấy tờ, ứng dụng chứng nhận đã khiến nhiều du khách bối rối.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

“Đây thực sự là một bước tiến lớn đối với ngành du lịch. Du khách đến từ 47 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện nằm trong danh sách đỏ sẽ không phải cách ly khi tới Anh”.

Thông báo ngày 11/10 của Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps đã khiến nhiều người không khỏi vui mừng khi đã có thể được đi du lịch, được trở về nhà hay thăm thú người thân ở nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế là không hoàn toàn như vậy.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra khỏi danh sách cấm du lịch của Anh hồi tháng trước, Sally Morrow, một người Anh xa xứ sống ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, đã ngay lập tức lên mạng đặt vé máy bay để có thể sớm đoàn vụ với cha mẹ sau nhiều tháng xa cách. Thế nhưng, ngay sau khi yêu cầu đặt vé được xác nhận, chị Morrow lại không khỏi thất vọng khi biết rằng giấy chứng nhận tiêm chủng của cô ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được chấp nhận dù đó là vaccine của Pfizer/BioNTech.

Cũng giống như Anh, nhiều quốc gia trên thế giới đã mở cửa đón khách quốc tế sau khi triển khai thành công các chương trình tiêm chủng. Tuy nhiên, các quy định khác nhau về loại vắc-xin được chấp nhận hay sự tương thích giữa các ứng dụng đã khiến nhiều khách du lịch bối rối.

Theo dữ liệu của Đại học Oxford, hơn 2,7 tỷ người trên thế giới đã được tiêm chủng đầy đủ, nhưng với các loại vaccine khác nhau. Tại nhiều nước châu Á, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Nam Mỹ, hàng triệu người đã được tiêm vaccine Sinopharm và Sinovac, những loại vaccine do Trung Quốc sản xuất và đã được WHO cấp phép khẩn cấp.

Tuy nhiên sự khác biệt trong đánh giá hiệu quả vaccine đã khiến nhiều quốc gia không công nhận cho mục đích du lịch. Trong khi đó, hàng triệu người khác đã nhận được các mũi vaccine Sputnik V của Nga hay Covaxin của Ấn Độ, vốn chưa được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp, cũng vấp phải những hạn chế tương tự. Ngay cả sau khi được phép nhập cảnh vào một quốc gia, du khách nước ngoài có thể gặp khó khăn khi tiếp cận các cơ sở hoặc dịch vụ yêu cầu “hộ chiếu” hoặc chứng chỉ vaccine, chẳng hạn như nhà hàng và bảo tàng, vì các vấn đề tương thích giữa các loại phần mềm xác minh.

Các chuyên gia cảnh báo cách tiếp cận phức tạp và ưu tiên đối với các quy định về du lịch đang tạo ra một hệ thống hai cấp và những chính sách như vậy có nguy cơ gây ra tình trạng chần chừ trong việc tiêm chủng ở những nơi không có sẵn các loại vaccine được chấp nhận rộng rãi nhất.

Nga với Liên minh châu Âu đang lên kế hoạch thảo luận về những điều khoản công nhận lẫn nhau các chứng nhận vaccine ngừa Covid-19. Đây đã trở thành một trong những vấn đề gây tranh cãi giữa hai bên thời gian qua. Trong khi Nga cáo buộc các nước phương Tây từ chối chứng nhận vaccine Sputnik-V hàng đầu của Nga vì lý do chính trị, thì EU cáo buộc Nga cố tình làm khó các cuộc kiểm tra của Cơ quan dược phẩm châu Âu.

Việc thế giới phát triển được vaccine ngừa Covid-19 trong một thời gian ngắn đã được ví như một phép màu. Tuy nhiên, tình trạng phân phối vaccine không công bằng và những tranh cãi về việc công nhận vaccine lẫn nhau lại có nguy cơ cản trở các kế hoạch mở cửa lại hậu Covid-19 của các quốc gia./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại