Công nhân các nhà máy trên khắp Trung Quốc đều đang tổ chức ngồi biểu tình, yêu cầu các doanh nghiệp hoàn trả tiền công lao động mà họ đã bỏ "cả mồi hôi và xương máu" trong thời gian qua. Các tài xế taxi vây quanh tòa nhà ủy ban, kêu gọi được đãi ngộ tốt hơn. Nhiều công nhân xây dựng đe dọa sẽ nhảy lầu nếu họ không được trả lương, The New York Times cho biết.
Song song với tốc độ tăng trưởng kinh tế đang giảm xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm, hàng ngàn công nhân Trung Quốc đã tổ chức các cuộc biểu tình và đình công quy mô nhỏ, nhằm phản đối chính sách bất hợp lý của các doanh nghiệp.
Những cuộc biểu tình cho thấy, suy thoái kinh tế đang mang lại những thách thức khó khăn mà nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc Tập Cận Bình phải đối mặt. Ông Tập hiện nay đang nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ "Giấc mộng Trung Hoa" với tầm nhìn được cho mang tính biểu bượng về một xã hội giàu có, công bằng.
Tuy nhiên, đối lập với hình ảnh các gia đình Trung Quốc đoàn viên ăn tết thì nhiều công nhân nói rằng, họ gặp khó khăn trong việc thanh toán các chi phí cho nhu cầu cơ bản nhất như thực phẩm và tiền thuê nhà.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Hiện tượng công nhân bị nợ tiền lương đang ảnh hưởng tới quá trình thực hiện Giấc mộng Trung Hoa của ông Tập. Ảnh: NYT
"Không ai quan tâm đến chúng tôi nữa", Zhou Liang, 46 tuổi nói với NYT. Tháng trước, ông này đã tham gia vào một cuộc biểu tình bên ngoài một nhà máy điện tử ở Thâm Quyến. Zhou cho biết, công ty này đã nợ ông khoảng 20.000 Nhân dân tệ tiền lương.
"Tôi đã cống hiến sức khỏe cho công ty", ông nói, "Nhưng đến nay, ngay cả một túi gạo tôi cũng không mua nổi".
Theo tổ chức phi chính phủ China Labour Bulletin (Hồng Kông), đã có khoảng 1.700 vụ biểu tình, tranh chấp lao động xảy ra tại Trung Quốc vào năm 2018, cao hơn 1.200 vụ của năm 2017.
Được biết, chính quyền Bắc Kinh đã nhanh chóng vào cuộc nhằm giải quyết những mâu thuẫn này.
"Các bạn đã làm việc rất chăm chỉ, quần quật từ sáng đến tối, bất kể mưa gió, kể cả trong những ngày nghỉ, giống như những chú ong chăm chỉ, các bạn chính là những người lao động chăm chỉ nhất", ông Tập chia sẻ khi gửi lời chúc mừng năm mới tới các nhân viên giao hàng trên đường phố Bắc Kinh ngày 1/2.
Tuy nhiên, NYT dẫn lời các chuyên gia cảnh báo, niềm tin vào Giấc mộng Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu Bắc Kinh không thực thi các chính sách đãi ngộ tốt hơn cho người lao động.
"Nếu như giáo viên từ chối giảng dạy, tài xế xe tải không đi giao hàng, công nhân xây dựng đình công, việc theo đuổi giấc mơ sẽ trở nên khó khăn hơn", Diana Fu, Trợ lý giao sứ chính trị châu Á tại Đại học Toronto nói.
Tình trạng bất ổn này cũng ảnh hưởng đến các ngành nghề công nghiệp mới, bao gồm các công ty cung cấp dịch vụ giao hàng và đi chung xe bởi các công nhân phàn nàn rằng, công việc quá vất vả mà tiền lương lại quá thấp.
Ông Tập Cận Bình kể từ thời điểm lên nắm quyền vào năm 2012 đã phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, khiến cho những nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế công nghệ cao của ông ngày càng trở nên khó khăn. Niềm tin của người tiêu dùng đối với các doanh nghiệp giảm mạnh, thị trường bất động sản đình trệ còn cuộc chiến thương mại với Mỹ tiếp tục leo thang, NYT nhận định.
Theo công bố của Trung Nam Hải, kinh tế Trung Quốc đã tăng 6,6% trong năm ngoái, đạt tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990.
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, sự sụt giảm doanh số bất động sản và đình trệ hoạt động của các nhà máy thậm chí còn cho thấy, tốc độ tăng trưởng thực tế có thể thấp hơn.
Trước tình hình này, Bắc Kinh đã cố gắng giảm bớt căng thẳng bằng cách kêu gọi các công ty trả lương cho người lao động thu nhập thấp đúng hạn. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố, họ hy vọng hiện tượng nợ tiền lương sẽ được xóa bỏ vào năm sau.
Theo NYT, các cuộc biểu tình lao động diễn ra khá phổ biến ở Trung Quốc và để tránh xung đột kéo dài, giới quan chức địa phương thường gây áp lực, yêu cầu các công ty nhanh chóng giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp này có thể miễn cưỡng hoặc không có khả năng giải quyết vì chính họ cũng gặp khó khăn trong việc kinh doanh.
Hiện nay, do tình hình vẫn chưa được cải thiện triệt để, dẫn tới việc một số công nhân tiến hành một số hành động cực đoan để giải quyết vấn đề.
Wang Xiao, 33 tuổi, là một công nhân xây dựng đang bị chủ một doanh nghiệp ở Sơn Đông nợ số tiền lên tới 15.000 NDT. Anh này cho biết, bản thân đã quá mệt mỏi khi nhiều lần đề cập vấn đề tiền lương với chủ lao động nhưng đều thất bại. Cho nên, tuần trước anh đã tìm đến các phương tiện truyền thông và đe dọa sẽ nhảy lầu tại chính trụ sở chính của doanh nghiệp này.
"Khi bạn gây náo loạn trên đỉnh tòa nhà đó, tiền sẽ được trả nhanh hơn", Wang nói trong một cuộc phỏng vấn.
Tương tự Wang, Song Zuhe, 50 tuổi, một công nhân ở nhà máy gạch men miền Nam Trung Quốc cho biết, nhà máy đã không trả lương trong ba tháng và nợ ông khoảng 10.000 NDT tiền lương.
Song hiện lo lắng, ông không thể trả tiền viện phí cho vợ cũng như hỗ trợ tài chính cho con trai.
"Gánh nặng vẫn còn tương đối nặng nề", Song nói, "cuộc sống còn rất khó khăn".