Tuy nhiên, giá nhà đất luôn có xu hướng tăng mạnh tại các đô thị, bỏ xa thu nhập của những người công nhân, lao động. Với mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng, trong khi để mua được căn hộ tại khu vực vùng ven (xa xa) của Tp.HCM thì giá nhà thấp nhất cũng đã 1-2 tỉ đồng/căn, thực tế đã quá cao so với thu nhập của đối tượng này.
Một vị khán giả đã đem câu hỏi này hỏi chuyên gia trong một talkshow gần đây, khi có thu nhập hàng tháng là 7-10 triệu đồng/tháng, liệu có cơ hội sở hữu nhà?
Dành lời khuyên, ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS cá nhân cho rằng, nếu với thu nhập như hiện tại thì người mua nên dành dụm thêm trước khi nghĩ đến việc mua nhà, đất. Nếu với thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng chỉ vừa vặn để trang trải cuộc sống, chưa phải là khoản để chi trả cho việc mua nhà trả góp. Vì thế, người mua không nên mua nhà trong gia đoạn chưa có tích luỹ, chưa có thu nhập ổn định hoặc thu nhập thấp.
Theo ông Phan Công Chánh, nếu thu nhập 7-10 triệu đồng, không nên nghĩ đến việc mua nhà lúc này
"Ai cũng mong muốn sở hữu chốn an cư, đó là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của con người. Nhưng với mức thu nhập khiêm tốn, tích luỹ ban đầu không nhiều thì người mua nên tìm một BĐS phù hợp với tài chính hoặc tìm một phương cách đầu tư khác trước khi nghĩ đến chuyện mua nhà ở đô thị. Đồng thời, người mua nên tìm cách gia tăng thu nhập của bản thân lên", ông Chánh nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cho rằng, nếu mua một căn hộ trung cấp tại khu ven Tp.HCM thì ít nhất người mua phải có khoảng 10-20% số vốn ban đầu để đặt mua, chiếm từ 400-700 triệu đồng (tuỳ dự án).
Tuy nhiên, bên cạnh khoản này, người mua cần có khoản dự phòng, đặc biệt với tình hình thị trường nhiều biến động như hiện nay thì nếu để nắm giữ tài sản thì cần có khoản dự phòng để chi trả trong vòng 6-12 tháng cho BĐS đã mua. Nên hạn chế vay mượn quá nhiều, dễ lâm vào tình trạng tài chính kiệt quệ, bán tháo bán đổ khoản đầu tư của mình…
Cùng quan điểm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, ai cũng muốn có chốn an cư lạc nghiệp, nhất là đối tượng người lao động thu nhập thấp, công nhân, nhu cầu chỗ ở còn rất lớn. Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến chuyện mua nhà thì câu chuyện tài chính để sinh hoạt cần lưu tâm đầu tiên.
Khoản tiền mua nhà nên là khoản tiền dùng sau khi chúng ta đã trừ đi sinh hoạt thuận lợi, đáp ứng tối thiểu nhu cầu của bản thân, gia đình. Khi đó, khoản dôi ra dùng để đó để đầu tư hoặc mua nhà trả góp trong ngắn hạn, trung hạn sẽ ổn hơn.
Đồng thời, vị chuyên gia này cho hay, người có thu nhập và mức tích luỹ khiêm tốn cũng hoàn toàn có sự lựa chọn mua BĐS ở quê thay vì cứ chăm chăm vào BĐS ở các đô thị lớn. Người mua có thể về quê mua mảnh đất 300 - 400 triệu đồng, sau 2 năm có thể tăng lên 600-700 triệu, tích luỹ thêm ở khoảng thời gian đó, và nghĩ đến chuyện mua nhà TP.
Còn theo ông Kiệt, nếu có thu nhập và tiền tích luỹ khiêm tốn thì người mua nên chọn phương án đầu đầu tư nho nhỏ ở quê trước khi nghĩ đến mua nhà ở các đô thị
"Bắt đầu khoản đầu tư nhỏ ở khu vực xa, hoặc vùng quê rồi khi tài chính đủ mạnh có thể lựa chon đa dạng hơn ở nơi mình thích sinh sống. Nghĩa là bài toán từ việc đầu tư các khoản nhỏ rồi nghĩ đến việc mua nhà sau cũng là phương án hoàn toàn có thể áp dụng cho người mua có tài chính ban đầu thấp. Và dĩ nhiên, là người mua nên chọn BĐS phù hợp với khả năng chi trả, có tiềm năng tăng giá", ông Kiệt dành lời khuyên.