Việt Nam sắp “tuyệt chủng” công nghệ CDMA

vytran |

Vào thời điểm cực thịnh, Việt Nam có tới 4 nhà khai thác viễn thông lớn dùng công nghệ CDMA

Theo thống kê, lịch sử của công nghệ di động CDMA tại VN đã có tới 4 nhà khai thác viễn thông triển khai công nghệ này là VNPT, SPT, Hanoi Telecom, EVN Telecom. Cho dù công nghệ CDMA được các chuyên gia kỹ thuật cho rằng rất tuyệt nếu so với công nghệ GSM, thế nhưng nó lại là có kết cục buồn ở thị trường VN.

Nếu tính các mạng di động CDMA đầu tiên của Việt Nam thì phải kể đến mạng CDMA của VNPT giao cho Bưu điện Hải Dương, triển khai vào năm 2000. Mạng di động này là quà tặng của Tập đoàn LG (Hàn Quốc). Thế nhưng, khi các mạng di động khác phát triển mạnh thì nhiều khách hàng đã chuyển sang sử dụng dịch vụ di động chứ không còn mặn mà với mạng CDMA. Ngoài việc gặp khó khăn về máy đầu cuối vì không thông dụng, mạng di động này cùng tần số 450 MHz với EVN Telecom nên bị can nhiễu rất nặng, không đảm bảo được chất lượng dịch vụ. Trước những khó khăn đó, Viễn thông Hải Dương đã khai tử mạng di động CDMA đầu tiên của Việt Nam vào giữa năm 2007. Sinh sau đẻ muộn hơn mạng CDMA ở Hải Dương 4 năm, nhưng mạng CDMA nội thị NanPhone được triển khai tại Nghệ An cũng đã được tuyên bố khai tử từ 1/11/2008. Đây là quà tặng của Tập đoàn ZTE (Trung Quốc). Mạng CDMA nội vùng thứ 3 của VNPT là DaPhone tại Đà Nẵng được khai trương cùng năm với mạng NanPhone và là quà tặng của Tập đoàn Huawei (Trung Quốc). Rốt cuộc, mạng di động nội vùng DaPhone cũng chấm dứt hoạt động từ 1/4/2008.

Tròn 1 năm sau khi khai trương cung cấp dịch vụ di động, HT Mobile phải tuyên bố đóng cửa mạng lưới CDMA. Một lãnh đạo Hanoi Telecom cho biết sau khi khai trương mạng HT Mobie chẳng bao lâu thì tin dữ ập đến khi nhiều đại gia sản xuất thiết bị trên thế giới như Ericsson tuyên bố từ bỏ CDMA. Những khó khăn về máy đầu cuối và sự thất thế của công nghệ CDMA trên toàn cầu khiến HT Mobile gặp phải cú “tai nạn” công nghệ. Ngày 15/12/2008, Hanoi Telecom gửi đơn xin điều chỉnh và đề án chuyển đổi công nghệ của mạng HT Mobile từ CDMA sang eGSM. Sau đó, Hanoi Telecom bắt đầu chuyển đổi thuê bao HT Mobile sang mạng S-Fone. Ngày 9/4/2009, HT Mobile đã “lột xác” với công nghệ GSM để chính thức trở lại cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Sau khi gặp phải tai nạn công nghệ, Hanoi Telecom và đối tác đã phản ứng nhanh để “bớt đau thương” khi sớm cho mạng CDMA khai tử.

Trước khi HT Mobile nhập cuộc vào thị trường thông tin di động, giới phân tích cho rằng, sẽ có một cuộc “nội chiến CDMA” bởi giữa HT Mobile và S-Fone có cùng công nghệ, cùng băng tần và quan trọng hơn là cùng lớp khách hàng. Trước đó, S-Fone đã kỳ vọng rằng, việc nhập cuộc của Hanoi Telecom sẽ làm cho “cộng đồng CDMA” tại Việt Nam mạnh lên bởi có tới 3 nhà cung cấp dịch vụ có cùng công nghệ là EVN Telecom, SPT và Hanoi Telecom.

Được nhận định là có sự hậu thuẫn hùng mạnh của công ty mẹ là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN Telecom bước chân vào thị trường di động với công nghệ CDMA vào năm 2005. Cho dù có nhiều điều kiện trở thành mạng di động hùng mạnh nhưng EVN Telecom lại luôn ở thế “chặn hậu” trên thị trường di động. Và mạng di động sử dụng công nghệ CDMA nhiều tai tiếng nhất trong năm 2011 này đã được “bàn giao nguyên trạng” sang cho Viettel sau khi thua lỗ chồng chất. EVN Telecom được “chuyển khẩu” sang cho Viettel đồng nghĩa với việc khai tử công nghệ CDMA của mạng này để chuyển toàn bộ khách hàng sang mạng Viettel trong quý I/2012.

Đến thời điểm hiện nay, câu chuyện về sức mạnh của “cộng đồng CDMA” đã trở thành giấc mơ đẹp khi mà mạng dùng công nghệ CDMA cuối cùng là S-Fone cũng sắp tuyên bố khai tử công nghệ này.

Theo VnMedia

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại