Vì sao Apple chi hàng tỷ USD để "nuốt sống" Beats?

Nếu mua Beats, Apple vừa sở hữu được thương hiệu tai nghe cao cấp, vừa có sẵn dịch vụ nghe nhạc trực tuyến thay vì tự phát triển và có nguy cơ thất bại.

Theo tờ Financial Times, Apple đang chuẩn bị thực hiện phi vụ thâu tóm lớn nhất lịch sử công ty: 3,2 tỷ USD để mua Beats, thương hiệu tai nghe cao cấp và đang sở hữu dịch vụ nghe nhạc trực tuyến.

Nếu thương vụ thành công, một câu hỏi đặt ra là vì sao Apple lại làm điều này? Với khối tài sản hơn 150 tỷ USD tiền mặt, Apple dễ dàng mua bất kỳ công ty nào song luôn giữ truyền thống chỉ mua những hãng công nghệ nhỏ mà không chi hàng tỷ USD cho thương hiệu nổi tiếng.

Có vẻ điều đó đã thay đổi. Với Beats, Apple nhìn thấy hai mối lợi lớn, đầu tiên chính là nắm được nhà sản xuất thiết bị điện tử chuyên cung cấp tai nghe với giá không hề rẻ ra thị trường. Trang Re/code dẫn nguồn tin nội bộ cho hay doanh số của Beats có thể lên đến hơn 1 tỷ USD mỗi năm.

apple mua beats, tai nghe beats, beats audio, beats by dre
Nếu mua Beats, Apple có thể mở rộng dịch vụ trên thị trường nhạc số thay vì chỉ gói gọn trong iTunes. Ảnh minh họa.

Kết hợp nó cùng đội ngũ thiết kế và phát triển sản phẩm trứ danh của Apple mà đứng đầu là thiên tài Jonathan Ive có thể giúp Apple tung ra dòng sản phẩm mới hoặc kênh mới để thúc đẩy các sản phẩm mới như iWatch.

Thứ hai, dường như Apple quan tâm hơn đến tiềm năng trong dài hạn của Beats Music, dịch vụ âm nhạc trực tuyến vừa mới phát hành. Apple giúp vực dậy ngành âm nhạc khi ra mắt kho nhạc iTunes năm 2003 và bắt đầu bán bài hát với giá 1 USD/bài. Nhiều năm qua, iTunes góp phần đưa doanh số phần cứng như iPod, iPhone ổn định vì người dùng có thể tạo ra thư viện nhạc riêng thay vì dùng sản phẩm của người khác.

Tuy nhiên, doanh số từ tải nhạc bắt đầu chững lại và dần tụt giảm một phần do sự xuất hiện của dịch vụ nghe nhạc trực tuyến như Pandora, Spotify. Các dịch vụ này cung cấp nhạc miễn phí (có quảng cáo), hoạt động qua đám mây và có cả tùy chọn thuê bao (không quảng cáo).

Sự tụt giảm trong doanh thu nhạc của iTunes không quá nghiêm trọng với Apple vì hãng kiếm được nhiều tiền từ bán ứng dụng hơn là nhạc và các phương tiện giải trí khác. Song, rõ ràng Tổng Giám đốc Tim Cook nghĩ cần có dịch vụ nghe nhạc riêng thay vì để khách hàng của mình dùng đồ của người ngoài.

Beats Music được giới thiệu tháng 1 năm nay không đạt được thành công đột phá: Ước tính số thuê bao của dịch vụ chỉ vào khoảng 200.000 mà phần lớn có được là do thỏa thuận với nhà mạng AT&T, cho phép khách hàng dùng thử miễn phí.

Ông chủ của Beats, Jimmy Iovine, từng tuyên bố mục tiêu ban đầu của mình là chạm mốc nửa triệu người dùng, vẫn còn xa so với con số 10 triệu thuê bao trả tiền của Spotify.

Nếu Apple muốn, hãng hoàn toàn đủ sức phát triển dịch vụ riêng song có lẽ Apple nên tìm sự trợ giúp từ bên ngoài. Cả iTunes Match, dịch vụ cho phép người dùng lưu nhạc trên máy chủ và iTunes Radio, dịch vụ tương tự Pandora đều gây thất vọng. Ngay cả những người hâm mộ trung thành với Apple cũng phải thừa nhận thất bại của chúng. Vì vậy, thay vì tự phát triển thêm một dịch vụ khác, tại sao không đẩy nhanh tốc độ bằng cuộc thôn tính một thương hiệu đã có tiếng?

Đây chính là lối tư duy của các đối thủ Apple như Facebook, Google trong vài năm trở lại đây khi họ không ngừng chi cả núi tiền để mua về Motorola hay WhatsApp. Nếu thương vụ với Beats đồng nghĩa với việc Apple đã thay đổi suy nghĩ, chắc chắn thị trường mua bán tại thung lũng Silicon sẽ vô cùng nhộn nhịp.

----------
* Tin hay, lạ về những dòng điện thoại cũ mà không "cũ", bấm: CŨ XỊN SANG
* Tin nhanh về smartphone giá rẻ, smartphone hạng sang, bấm: SMARTPHONE
* Sự kết hợp không thể rời mắt của mỹ nhân và máy móc: CÒN CHỜ GÌ NỮA?

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại