Windows 8 là ván bài chiến lược của Microsoft khi vị thế của gã phần mềm khổng lồ không còn như xưa. Hệ điều hành này có thể giúp gã khổng lồ Redmond tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm” hoặc tiếp tục kìm hãm lợi nhuận và tăng trưởng kinh doanh trong tương lai của hãng. Theo số liệu thống kê hàng tháng vừa được hãng phân tích Net Applications công bố thì cho dù đã bước qua giai đoạn nóng của thị trường, lượng sử dụng Windows 8 vẫn rất ít ỏi.
Cụ thể, sau 2 tháng đầu năm 2013 thì hệ điều hành mới của Microsoft chỉ chiếm 2,67% lưu lượng duyệt web, tức là có mức tăng trưởng rất thấp so với kết quả 2,36% của tháng Giêng. Nếu so sánh thì có thể thấy Windows 8 kém xa các “đàn anh” như Windows Vista (5,17%), Windows XP (38,99%) và Windows 7 (44,55%).
Do đó, Microsoft cần tìm một mảnh đất mầu mỡ hơn khi mà nền tảng PC đang trở nên già cỗi. Không khó để nhận ra đó chỉ có thể là tablet khi mà trong phân khúc smartphone, Microsoft cũng đang chật vật với Windows Phone. Tablet Windows 8 lúc này trở thành một cứu cánh cần thiết để Microsoft có thể khẳng định được chất lượng của hệ điều hành Windows 8 cũng như tăng tầm ảnh hưởng với các đối tác OEM. Nhưng Google hay Apple đâu dễ dàng để Microsoft dành lấy những gì họ đã vất vả tạo dựng. Rõ ràng, tablet Windows phải đối diện với quá nhiều áp lực, từ sự cạnh tranh của iPad, Nexus… hay cả sự kỳ vọng lớn của người tiêu dùng.
Sự thật là sau gần nửa năm Microsoft ra mắt hệ điều hành mới, các mẫu máy tính bảng chạy Windows 8, Windows RT đã được khá nhiều hãng như Dell, HP, Asus, Acer, Samsung, Lenovo… đưa ra thị trường. Có thể kể đến các tablet chạy Windows RT như Dell XPS 10, Asus VivoTab RT, Lenovo Ideapad Yoga 11 được bày bán với giá từ 12 đến 15 triệu đồng. Các mẫu chạy Windows 8 như Dell Latitude 10 Essentials, Lenovo ThinkPad Tablet 2, HP ElitePad 900, Acer W510 và W511 giá từ 13,5 đến 19 triệu đồng.
Khi sắp trình làng, giới chuyên môn đã nhận định các tablet Windows này có thể “xóa sổ” tablet Android hay đưa Ultrabook vào quên lãng. Tuy nhiên, mức giá cao so với hiệu năng đem lại đã khiến nhiều người tiêu dùng “vỡ mộng”. Đặc biệt, các mẫu tablet Windows RT có thể coi là một thất bại của Microsoft vì hệ điều hành này quá hạn chế về mặt ứng dụng. Hiện tại, nhu cầu về tablet đối với thị trường còn rất lớn nhưng không nhiều người muốn bỏ một khoản tiền lớn để sở hữu chiếc tablet với kho ứng dụng nghèo nàn.
Tuy vậy, sẽ có câu hỏi được đặt ra, tại sao iPad 4 có giá từ 12 đến 17 triệu đồng mà doanh số tiêu thụ vẫn rất cao? Ở đây, yếu tố thương hiệu chỉ là một nguyên nhân nhỏ, chủ yếu vẫn đến từ sự xuất sắc toàn diện trong thiết kế, chất lượng gia công và kho ứng dụng tuyệt vời. Để nói về khả năng giải trí thì iPad vẫn tỏ ra rất “bá đạo” song nhiều người đã lên tiếng ủng hộ tablet Windows 8 và coi đây mới là tương lai của máy tính bảng. Nhưng đó là chuyện của một vài năm tới còn hiện tại để sở hữu chiếc Surface Pro bạn sẽ phải bỏ ra hơn 20 triệu đồng. Bạn nói bạn thích Surface Pro vì nó hỗ trợ tốt cho công việc nhưng để bỏ ra từng đó tiền thì lại là một chuyện hoàn toàn khác, một điều phải cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, sở dĩ Surface Pro vẫn chưa đủ sức thay thế PC hay laptop vì thực sự ít ai thích làm việc trên một thiết bị có màn hình nhỏ 10 inch và thời lượng pin chỉ khoảng 4-5 tiếng.
Vậy tablet Windows 8 cần làm gì để thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này. Dưới đây là một số ý tưởng tạm thời và trong dài hạn để giúp máy tính bảng Windows 8 có thể thành công.
Thêm sự trợ giúp từ Microsoft
Đúng như vậy, đây là việc cần làm để Microsoft có thể giúp các đối tác OEM và cũng là giúp chính mình. Hiện tại, Microsoft mới chỉ chú trọng đến đứa con đẻ Surface mà quên đi rằng Dell, HP, Asus hay Acer, họ cũng đang chật vật “ tìm con đường sống” khi tham gia vào “mái nhà” Windows. Tiền bản quyền hệ điều hành mà các đối tác OEM phải trả cho Microsoft không phải nhỏ và chi phí này sẽ đè lên vai người tiêu dùng. Nó vô hình chung làm đội giá sản phẩm và người tiêu dùng sẽ có xu hướng nghĩ rằng mình đang lãng phí và Google không hề làm điều đó với hệ điều hành Android.
Hiện nay, Microsoft đang tiến hành chương trình giảm giá cấp quyền sử dụng Windows 8 cho các đối tác PC của họ, với khoản khuyến mãi 20 USD cho mỗi sản phẩm máy tính xách tay có kích cỡ màn hình từ 11,6-inch trở xuống. Trong khi đó, đối với các mẫu notebook, tablet hay thiết bị lai có kích cỡ màn hình 10,8-inch trở xuống, Microsoft sẽ khuyến mãi bộ phần mềm Office 2013 miễn phí. Như vậy, các OEM sẽ phải trả khoảng 80-90 USD để được quyền sử dụng Windows 8 trên các sản phẩm tablet của họ, đây thực sự là một con số không hề nhỏ. Do đó, để có thể cạnh tranh về giá, Microsoft cần tiếp tục có những biện pháp nới lỏng hơn nữa nếu không muốn dẫn đến một sự đổ vỡ toàn hệ thống.
Cải tiến Windows 8 và “khai tử” Windows RT
Tôi đã nhắc đến sự đổ vỡ toàn hệ thống ở trên. Và một nguyên nhân khác có thể bắt nguồn từ Windows 8. Cái cốt lõi không tốt thì sẽ kéo theo một đổ vỡ dây chuyền từ PC chạy Windows 8, laptop, notebook và cả tablet chạy Windows 8. Người dùng doanh nghiệp hiện nay đang phải miễn cưỡng chấp nhận hệ điều hành này và một số OEM còn nói rằng Microsoft đang "phá hủy" ngành công nghiệp PC.
Có nhiều thứ để người ta chỉ trích Windows 8, nhưng đến nay, hai yếu tố bị chê nhiều nhất chính là việc loại bỏ nút Start truyền thống, cùng việc bắt người dùng khởi động trực tiếp vào giao diện Modern UI thay vì giao diện desktop quen thuộc của Windows. Mặc dù Modern UI cũng đem lại sự tương tác tốt hơn trên màn hình cảm ứng nhưng đa số người dùng vẫn thích những trải nghiệm từ giao diện desktop.
Sắp tới, Microsoft sẽ cập nhật phiên bản Windows 8 lên Windows 8.1 có tên mã “Windows Blue” được đự đoán sẽ châm ngòi cho nhu cầu mua sắm thiết bị Windows. Các tin đồn cho rằng, phiên bản này sẽ khôi phục sự trở lại của nút Start truyền thống của Windows.
Trong khi đó, Windows RT với giới hạn từ phần cứng chỉ sử dụng các vi xử lý ARM thay vì vi xử lý Intel cùng với kho phần mềm nghèo nàn gần như là một sản phẩm thất bại toàn diện. Windows RT đã kém hấp dẫn ngay từ đầu, các thiết bị chạy hệ điều hành này không có cơ hội cạnh tranh với những sản phẩm đã có tiếng tăm như Apple iPad và tablet Android. Các nhà phân tích cũng nhận thấy Microsoft chẳng làm gì nhiều để quảng bá cũng như gia tăng sự nhận thức của người dùng về Windows RT. Nhiều người còn không thể hiểu mục đích của hệ điều hành này là gì, vì nó không tương thích với những ứng dụng Windows hiện tại, và cũng không hấp dẫn gì bên cạnh hệ điều hành cạnh tranh như Windows 8. Tốt hơn hết Microsoft nên đặt dấu chấm hết cho Windows RT.
Đẩy mạnh chiến lược tiếp thị
Khi nhắc đến tablet Windows 8, người tiêu dùng biết về Surface nhiều hơn là các dòng sản phẩm khác. Rõ ràng Surface vẫn có sự khác biệt so với phần còn lại nhưng những sản phẩm của Dell, Acer hay HP vẫn đang “chìm nghỉm” đâu đó dưới đáy thị trường. Khâu tiếp thị của họ là rất hạn chế, những điểm mạnh, điểm nhấn hấp dẫn so với các đối thủ cạnh tranh không được làm nổi bật. Do đó, các OEM này cần có thêm các khâu marketing mạnh mẽ hơn nữa, có trọng tâm, trọng điểm hơn là những quảng cáo nhảy múa màu mè như Microsoft đã làm với Surface.
Sản xuất máy tính bảng Windows 8 cỡ nhỏ, giá rẻ
Những gì sẽ kích thích doanh số bán máy tính bảng Windows 8? Đó chính là các máy tính bảng Windows 8 cỡ nhỏ hơn, có giá phải chăng hơn. Máy tính bảng Windows 8 cỡ 7-inch với tầm giá 200 USD sẽ thay đổi mọi thứ và có thể khiến Windows 8 gia tăng thị phần. Đây sẽ là công cụ khỏa lấp khoảng trống giữa smartphone và laptop đồng thời cung cấp các trải nghiệm Windows với những tiện ích làm việc cơ bản như Microsoft Office.
Microsoft có vẻ đã chú ý tới điều này. Thông tin từ NPD DisplaySearch cho hay thiết bị tablet Surface mini mới của Microsoft dự kiến ra mắt trong tháng 6 này sẽ có màn hình kích thước 7,5 inch cho độ phân giải 1.050x1.400 pixel và mật độ điểm ảnh 233 ppi, cao hơn so với của iPad mini và Nexus 7.
Lôi kéo những đối tác tầm cỡ
Thị trường tablet Windows 8 cần những ông lớn tên tuổi để lôi kéo khách hàng và cũng như một lá chắn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Hiện tại, Microsoft có nhiều đối tác cung cấp tablet chạy Windows như Lenovo, Dell, HP hay Acer nhưng những cái tên này vốn chỉ quen thuộc trong lĩnh vực máy tính còn người dùng di động thì hoàn toàn khác. Họ thích những sản phẩm của Samsung hay Nokia hơn.
Samsung cũng đang sản xuất tablet Windows nhưng đó chỉ là “nghề tay trái” và cũng không gây được nhiều ấn tượng với người dùng như lĩnh vực điện thoại của hãng. Thật khó để Microsoft có thể lôi kéo Samsung hướng sản phẩm chủ lực của mình từ Android sang Windows. Do đó, Nokia có thể là một cứu cánh cần thiết. Mặc dù đã sa sút nhiều nhưng sức hút từ các sản phẩm mới của Nokia vẫn còn rất lớn. Bên cạnh đó, hãng điện thoại Phần Lan và Microsoft cũng là những đối tác thân thiết. Do đó, việc 2 ông lớn này tung ra các sản phẩm tablet Windows 8 cỡ nhỏ với mức giá hấp dẫn hơn sẽ là giải pháp tối ưu cho thị trường máy tính bảng Windows lúc này.